Giới siêu giàu đổ tiền để sau này hồi sinh như thế nào?

Nguyễn Thái - Daily Star Chủ nhật, ngày 20/09/2020 19:40 PM (GMT+7)
Những người trong giới siêu giàu đang có cuộc sống tốt nhất của mình nhưng dường như mọi thứ vẫn chưa đủ. Họ đang cố gắng để duy trì sự sống hay nói cách khác là có thể hồi sinh nhờ vào một loạt các ý tưởng kỳ dị của khoa học như hoán đổi thân xác, đóng băng đầu... 
Bình luận 0

img

Giới siêu giàu đang tìm cách để có thể hồi sinh trong tương lai. Ảnh minh họa: Getty Images

Trong năm qua, khoảng cách của giới siêu giàu và phần còn lại tiếp tục được nới rộng hơn bao giờ hết, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19. 

Nhưng sự khác biệt giữa người bình thường và người thuộc giới siêu giàu không phải chỉ ở tiền. Một số người có tài sản cực khủng đã tìm cách kéo dài sự sống của họ vượt xa tầm 70 đến 80 tuổi. 

Peter Thiel, tỷ phú đồng sáng lập công ty PayPal (Mỹ), là một minh chứng rõ nhất. Ông chủ của PayPal đã đầu tư vào một số dự án khởi nghiệp nghiên cứu y tế để kéo dài tuổi thọ. 

Một trong những công ty mà tỷ phú Thiel đầu tư là Ambrosia. Đây là một trong 3 công ty đang kỳ vọng vào thí nghiệm truyền máu "ma cà rồng" - lấy máu của người trẻ để đưa vào cơ thể của người già. 

Theo các chuyên gia tài chính của ABC Finance, chi phí cho các cuộc thử nghiệm truyền máu "ma cà rồng" dao động từ 6.000 bảng (gần 180 triệu đồng) đến 215.000 bảng (gần 6,5 tỷ đồng)

Kỹ thuật này có hiệu quả tốt ở loài chuột nhưng chưa có kết quả khả quan nào trên người. Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ cảnh báo "kỹ thuật này chưa có lợi ích lâm sàng nào được chứng minh" và thậm chí "còn có thể gây hại". 

img

Đóng băng cơ thể là một kỹ thuật được sử dụng để có thể hồi sinh. Ảnh minh họa: Getty Images

Nếu việc thay máu chưa khiến con người có thể bất tử, vậy còn việc đóng băng cơ thể thì sao? Ý tưởng làm lạnh cơ thể để trì hoãn sự phân hủy cho đến khi một xã hội trong tương lai có công nghệ để hàn gắn mọi loại vết thương và làm hồi sinh người bị đóng băng. 

Trong nhiều năm, câu chuyện được truyền miệng từ người này qua người khác rằng Walt Disney, cha đẻ của hãng phim hoạt hình nổi tiếng Disney (Mỹ), được cho là đã bị đóng băng ngay trước khi ông qua đời vì bệnh ung thư phổi vào tháng 12/1966. Không có bằng chứng nào cho thấy câu chuyện này là sự thật nhưng nghiên cứu về kỹ thuật đông lạnh người (cryonic) đã được nghiên cứu từ đầu những năm 1960. 

Đối tượng sống đầu tiên bị đóng băng vào năm 1967. Chưa có ai được hồi sinh sau khi bị đông lạnh nhưng việc một số người được đóng băng, hoặc phần đầu của họ được tách khỏi cơ thể và đóng băng là có thật. 

Tỷ phú Thiel và đồng nghiệp Luke Nosek cùng người dẫn chương trình 

Larry King đều được biết đến là những người đã đăng ký đóng băng cơ thể khi họ chết đi để có cơ hội được hồi sinh. 

Căn cứ trên số liệu từ Alcor Life Extension Foundation, một trong những nhà cung cấp thiết bị điện tử hàng đầu, người muốn đông lạnh và bảo quản toàn bộ thi thể sẽ phải trả 152.000 bảng (hơn 4,5 tỷ đồng) hoặc 61.000 bảng (hơn 1,8 tỷ đồng) để đông lạnh và bảo quản riêng phần đầu.

img

Chi phí để đông lạnh toàn bộ cơ thể của một người không thấm vào đâu so với khối tài sản khổng lồ của giới siêu giàu. Ảnh: Alcor Life Extension Foundation

Ngoài ra, người muốn đông lạnh có thể đăng ký đông lạnh cho cả thú cưng. Một nhà cung cấp kỹ thuật đông lạnh đã đưa ra dịch vụ này với giá 4.000 bảng (gần 120 triệu đồng) cho 1 con chó/mèo và 760 bảng (22 triệu đồng) cho một con chim. 

Đông lạnh và thay máu có một điểm chung là đều bị hạn chế bởi khả năng tồn tại có giới hạn của cơ thể con người, vậy tại sao chúng ta không hoán đổi thân xác?

Ý tưởng lưu lại nhân cách con người vào máy tính và bằng cách nào đó biến chúng thành một sinh vật có tri giác từng là chuyện khoa học viễn tưởng trong nhiều thập kỷ. Nhưng điều này đang tiến gần hơn với khoa học thực tiễn. 

Thiết bị Neuralink của tỷ phú Elon Musk hứa hẹn sẽ theo dõi và ghi lại toàn bộ dữ liệu của não người. Hai công ty, Nectome và Terasem Movement Foundation, đang phối hợp để có thể biến những bản lưu này thành các tính cách. 

Các nghiên cứu về kỹ thuật này mới chỉ ở giai đoạn đầu. Chúng ta còn một chặng đường rất dài để có thể hoán đổi thân xác từ con người sang máy tính hoặc robot. 

img

Kỹ thuật hoán đổi thân xác sang máy tính hoặc robot mới chỉ đang ở giai đoạn đầu nghiên cứu. Ảnh minh họa: Getty Stock

Và tất cả tiến bộ trong công nghệ sinh học và người máy sẽ còn đắt đỏ trong tương lai. Vì vậy, chỉ những người thuộc giới siêu giàu mới có khả năng chi trả cho chúng. 

Nhà tương lai học người Mỹ, Paul Saffo, dự đoán, tầng lớp tỷ phú USD có thể phát triển hoàn toàn thành một "loài riêng biệt". "Đôi khi, tôi tự hỏi giới siêu giàu liệu có thể sống hơn những người bình thường trung bình khoảng 20 năm hay không. Quãng thời gian ấy sẽ vô cùng quý giá khi họ có thể kiếm được khối tài sản khổng lồ và để lại cho con cháu", Saffo nói.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem