Giòn rụm, thơm phức món bánh đa làng Chòm, ăn hoài không chán

Vũ Thượng Thứ năm, ngày 02/04/2020 09:20 AM (GMT+7)
Gọi là bánh đa làng Chòm bởi món bánh này gắn chặt với tên làng Chòm, xã Thiệu Châu, nay là xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa (tỉnh Thanh Hóa). Bánh đa làng Chòm khi ăn vào miệng cảm nhận giòn rụm, có vị thơm, bùi từ hạt vừng nướng, ăn hoài không chán.
Bình luận 0

Mặc dù, nghề tráng bánh đa làng Chòm gặp bao biến cố, thăng trầm, nhưng vẫn giữ được nét độc đáo của làng nghề và lưu mãi cùng thời gian.

Theo các cụ cao niên trong làng Chòm (hay còn gọi là làng Đắc Châu) kể lại, thời xa xưa dọc theo triền sông Chu đất đai màu mỡ thuận lợi cho việc trồng trọt, vì vậy một nhóm người từ phương Bắc đã ở lại đây sinh sống thành một chòm. Rồi mỗi ngày, theo dòng chảy của thời gian dân cư thêm đông đúc và kể từ đó nghề làm bánh đa làng Chòm cũng phát triển theo .

img

Món bánh tráng làng Chòm được làm chủ yếu bằng phương pháp thủ công

Chị Lê Thị Huệ (thôn Đắc Châu 1), cho biết: “Tôi đã làm nghề tráng bánh đa được 20 năm, năm 15 tuổi được mẹ dạy cách làm bánh tráng. Trung bình mỗi ngày, tôi tráng được gần 1.000 chiếc bánh. Hôm nào đơn hàng nhiều thì chồng tôi cùng phụ giúp”.

Cũng theo chị Huệ, nghề tráng bánh đa làng Chòm được làm theo phương pháp thủ công truyền thống và có phần cầu kỳ hơn các nơi khác. Thường trước kia, người dân dùng cối đá để xay bột gạo. Nhiều năm gần đây, kỹ thuật phát triển nên những chiếc máy xay bột bằng điện đã thay cho sức người, vì vậy, người làm nghề có phần bớt vất vả.

img

Các thành viên trong gia đình chia nhau từng công đoạn làm bánh

Những công đoạn làm bánh đa được người dân làng Chòm thực hiện rất nhịp nhàng, trong gia đình mỗi người một việc. Tráng bánh đa rất vất vả, khó nhọc vì phải nhanh mắt, nhanh tay và dường như toàn bộ cơ thể đều phải làm việc.

Chị Đỗ Thị Loan (thôn Đắc Châu 1) tâm sự: "Xưa kia nghề tráng bánh đa thường đun bằng củi, giờ thì đun bằng than rồi bằng điện vừa nhanh vừa tiện, năng suất hơn nhiều, nhưng cần phải biết điều tiết độ nóng để bánh chín tới không non quá hoặc già quá. Thường tôi bắt đầu làm việc từ 3 giờ sáng và kết thúc vào khoảng 13 giờ chiều, có ngày cũng tráng được cả nghìn cái bánh".

img

Công đoạn phơi bánh đòi hỏi sự khéo léo, nhớ vị trí từng chiếc bánh để lật

Sau khi tráng bánh, bước tiếp theo chuyển sang công đoạn phơi bánh cũng vất vả, nặng nhọc không kém bởi người phơi bánh phải nhớ từng trành, từng khu vực để mà trở cho bánh khô đều, sau đó ép cho bánh thành chồng để cất trữ...

Chỉ cần xem người dân làng Chòm tráng bánh cũng đủ biết cái gian truân, vất vả của nghề. Qua mỗi chiếc bánh đa, người dân làng Chòm như muốn gửi gắm cái tâm, cái tình của mình vào trong đó. Và quả công sức của người tráng bánh thể hiện rõ trong cảm giác ngon miệng của người ăn bánh khắp các tỉnh, thành phố-nơi bánh đa làng Chòm có mặt.

img

Bánh tráng được người dân làng Chòm phơi cả trên mái nhà

Đặc biệt, nghề tráng bánh làng Chòm chỉ mong sao trời trong, mây trắng, nắng to bởi ở làng này mọi không gian đều được dành cho việc phơi bánh. Bánh phơi trên giàn trước nhà, trước ngõ, phơi trên mái ngói, phơi trên nóc nhà cao tầng...

Đến làng Chòm không khó để tìm được những hộ gia đình có truyền thống làm bánh từ 3-4 đời. Không chỉ làm nghề kiếm kế sinh nhai, với họ, làm bánh đa còn là cách để giữ gìn mảnh hồn làng, giữ gìn những truyền thống tốt đẹp lâu đời của ông cha để lại.

img

Bánh tráng làng Chòm để có thương hiệu, vị thơm, giòn rụm, thơm phức, người nướng phải biết giữ lửa

Theo các cụ cao niên trong làng Chòm "mách", để có chiếc bánh đa ăn giòn rụm trong miệng, nhìn đẹp mắt thì phụ thuộc rất nhiều vào cách người quạt bánh khi nướng. Người thợ phải giữ lửa thật đều tay, giữ cho bánh được chín đều và có một màu vàng tự nhiên hấp dẫn. Để nướng được chiếc bánh ngon, đúng vị, than nướng bánh phải là than hoa gốc, và loại than chỉ những gốc cây to mới có.

Bánh đa làng Chòm được làm từ bột gạo, thêm chút muối, vừng. Bánh tráng tròn, dày vừa phải, khi quạt nướng lên mùi thơm của gạo mới trộn với vừng làm người ta ngây ngất.

img

Giá bán một chiếc bánh đa từ 4.000-5.000 đồng/cái

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Lê Đình Trung-Trưởng thôn Đắc Châu cho biết: "Trước kia gọi là làng Chòm, nhưng giờ đổi tên thành làng Đắc Châu với 270 gia đình sinh sống. Trong đó, nghề tráng bánh đa 120 hộ làm, thu nhập từ 250.000-300.000 đồng/ngày/người. Nghề tráng bánh đa ở làng Chòm đã có từ nhiều đời nay, nhờ có nghề mà dân ở đây khấm khá, bánh đa được các nhà hàng, quán ăn...đến trực tiếp mua với giá 4.000-5.000 đồng/cái".

Hiện nay, bánh đa làng Chòm theo du khách, thương lái và theo cả những người con quê hương đi khắp muôn nơi trên mọi miền Tổ quốc. Hương vị của mỗi chiếc bánh đa là hương vị của quê hương, xứ sở, là công sức của ông cha đã hun đúc bao đời và cứ thế còn mãi với thời gian.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem