Thứ bảy, 20/04/2024

Giữ chân du khách theo cách của chàng trai M’nông

03/01/2023 8:30 AM (GMT+7)

Người dân quanh dãy Chư Yang Sin đã quen với dáng người rắn rỏi, giọng nói hào sảng đậm chất Tây Nguyên của Y Xim Ndu. Chàng trai M’nông từng bước đưa văn hóa bản địa đến gần hơn với du khách bằng những tua du lịch độc đáo, khác biệt. Qua đó, góp phần giúp bà con các buôn làng vùng sâu phát triển kinh tế.

Giữ chân các “tín đồ xê dịch”

Lên Tây Nguyên du lịch, nhóm bạn ở thành Vinh tâm sự, mấy điểm du lịch nổi tiếng ở tỉnh Đắk Lắk đi gần hết, chưa thật sự ấn tượng, nhiều điểm không phải hoang sơ mà xơ xác… Khi được đội bạn chúng tôi định cư ở TP.Buôn Ma Thuột rủ rê trải nghiệm đi tua, họ có chút nghi hoặc.

Giữ chân du khách theo cách của chàng trai M’nông - Ảnh 2.

Du lịch leo núi kết hợp trồng rừng hoặc tung "bom hạt giống"

Chúng tôi chọn tua khám phá về với thiên nhiên, văn hóa và con người ở huyện Lắk, “săn” mây trên đỉnh núi Chư Yang Lắk. Núi này cách trung tâm TP.Buôn Ma Thuột khoảng 50km, nằm ven QL 27 thuộc Vườn Quốc gia Chư Yang Sin (Đắk Lắk). Để chinh phục được ngọn núi có độ cao gần 1.700m, du khách phải leo đường đồi khoảng 13km. Chàng hoa tiêu M’nông Y Xim Ndu (SN 1992, xã Đắk Liêng, huyện Lắk) cho biết, có thể đi về trong ngày hoặc hai ngày một đêm, cắm trại ngủ lại trong rừng, tùy nhu cầu du khách. Mỗi đoàn đi ghép từ 7 đến 15 người. Hành trình sẽ có cán bộ Ban Quản lý rừng tham gia hỗ trợ, giám sát, và kết hợp tuần tra bảo vệ rừng.

Giữ chân du khách theo cách của chàng trai M’nông - Ảnh 4.

Du khách được trải nghiệm văn hóa của người dân tộc M’nông ở huyện Lắk

Đập vào mắt chúng tôi đầu tiên là khu rừng phủ màu xanh bát ngát. Mùa này nắng nhẹ, trời trong xanh, những tán cây cổ thụ vươn mình ngạo nghễ đón nắng. Hai bên đường mòn nhỏ, hoa xuyến chi điểm trắng. Đám cây thân dây hoa vàng rực rỡ thu hút ánh nhìn, du khách định chạm tay vào, Y Xim ngăn lại bởi đây là hoa lá ngón, một trong những loài thực vật độc trong rừng. 

Trong suốt hành trình xuyên rừng, thi thoảng đoàn gặp loại hoa độc nhưng đẹp này. Tại những nơi đồi núi trọc, khu vực cây rừng thưa thớt, du khách sẽ được tham gia trồng rừng hoặc tung “bom hạt giống”. “Các chuyến du lịch trong rừng sẽ trồng mới được hơn 1.000 cây/năm. Cán bộ kiểm lâm đi cùng đoàn giúp kết hợp tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng, giảm tình trạng khai thác lâm sản và động vật hoang dã trái phép”, Y Xim cho biết. Với phương châm đi chỉ có dấu chân ở lại, trên đường đoàn dọn sạch rác tại điểm nghỉ và điểm cắm trại.

Giữ chân du khách theo cách của chàng trai M’nông - Ảnh 6.

Dự án của Y Xim đoạt giải nhì cuộc thi khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2022

Anh Phạm Ngọc Thắng, Bí thư Huyện Đoàn Lắk cho biết, mô hình du lịch khám phá gắn với giới thiệu văn hóa người bản địa của anh Y Xim Ndu giữ chân du khách bằng những tua du lịch mới lạ. Thay vì chỉ đến các điểm nổi tiếng sẵn có của tỉnh, du khách sẽ tìm về với thiên nhiên, cùng ăn, ở, trải nghiệm, hòa mình vào văn hóa truyền thống của người dân tộc Êđê, M’nông. Ngoài sự nỗ lực của bản thân Y Xim và các cộng sự, còn có sự đồng hành của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của Ban Quản lý rừng.

Không đơn thuần leo núi, chụp ảnh săn mây, Y Xim có những câu chuyện về vùng đất, con người, đặc biệt là văn hóa M’nông thu hút du khách. Anh kể cho họ nghe về sự tích, tín ngưỡng văn hóa gắn liền với tên núi. 

Theo Y Xim, người dân tộc bản địa không bao giờ xâm phạm những cánh rừng trên đỉnh núi cao bởi quan niệm đó là rừng thiêng của Yàng (ông trời). Nhờ vậy, nhiều khu rừng già được bảo tồn, các mạch nước ngầm được bảo vệ.

Chinh phục dãy núi Chư Yang Lắk, leo lên những mỏm đá ra được chóp đỉnh, trước mắt chúng tôi là một biển mây trắng bồng bềnh cùng khung cảnh hùng vĩ… “Không ai nghĩ Đắk Lắk có một thiên đường mây đẹp và bí ẩn thế, cảm giác như đang đứng trên thiên đường mây ở Tà Xùa (Tây Bắc) hay săn mây ở Đà Lạt. Việc du khách được tham gia làm “bom hạt giống”, trồng rừng cũng là điểm mới tạo sự thích thú, một việc làm ý nghĩa bảo vệ môi trường”, một bạn trong nhóm nói.

Khám phá văn hóa bản địa

Giữ chân du khách theo cách của chàng trai M’nông - Ảnh 9.

Du khách được khám phá săn mây trên đỉnh Chư Yang Lắk

Kết thúc chuyến đi xuyên rừng, đoàn tham quan buôn làng M’nông dưới chân núi, trải nghiệm làm gốm ở Yang Tao, đây là làng gốm cổ duy nhất của người M’nông trên Tây Nguyên. Quy trình sản xuất gốm hoàn toàn thủ công. Sản phẩm được nung lộ thiên khoảng 30 phút. Khi lớp củi trên cùng gần cháy hết, người ta lấy ra và tạo màu cho sản phẩm bằng vỏ trấu và mùn cưa. Vì nét độc đáo này, sản phẩm gốm người M’nông ở đây khác biệt, được nhiều người ưa chuộng. Gốm người M’nông không dùng bàn xoay mà được nặn bằng tay và di chuyển xung quanh để tạo dáng.

Nghệ nhân H’Lưm Uông (SN 1961) chia sẻ, nơi đây còn khoảng 10 nghệ nhân tâm huyết với nghề để giữ nét văn hóa truyền thống dân tộc M’nông. Nguyên liệu để chế tác gốm là loại đất sét được đánh nhuyễn, không pha trộn, lấy ở nơi có nước sạch.

Sau đó, mọi người được đắm mình trong không gian nhà sàn thưởng thức món ăn truyền thống, quây quần bên bếp lửa bập bùng nghe âm vang cồng chiêng. Qua các tua du lịch, Y Xim đã tạo thêm thu nhập cho người dân ở buôn làng sống gần rừng nhờ tham gia công việc khuân vác hỗ trợ khách trong những chuyến đi, có thêm thu nhập từ bán đồ lưu niệm và các hàng hóa nông sản cho du khách.

Y Xim đã nuôi dưỡng ý tưởng, hoài bão của mình một cách nghiêm túc với tất cả đam mê, quyết tâm của bản thân. Cuối năm 2018, Y Xim bỏ công việc ổn định nhà nước, anh đến Sa Pa, Đà Lạt học làm du lịch, sang Campuchia học hỏi về lĩnh vực nông nghiệp. Trở về quê, chàng trai M’nông làm du lịch theo cách anh muốn và bắt đầu đón những vị khách đầu tiên. Khởi nghiệp đúng thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng theo Y Xim, đó vừa là thử thách cũng là cơ hội để anh xây dựng các tua du lịch sinh thái. Anh miệt mài giới thiệu văn hóa bản địa, nét riêng, độc đáo của Đắk Lắk cho du khách.

“Cánh rừng trên địa bàn huyện Lắk gắn liền cuộc sống mưu sinh, lịch sử và tín ngưỡng văn hóa của đồng bào dân tộc tại chỗ như M’nông, Êđê. Qua những tua du lịch, tôi muốn giới thiệu cho du khách biết và được trải nghiệm, hoà mình vào cuộc sống đầy sắc màu của người dân tộc ở Lắk. Đồng thời, giúp cho bà con buôn làng làm giàu trên mảnh đất quê hương, thanh niên không phải bỏ buôn đi làm thuê nơi khác”, Y Xim chia sẻ.

Theo chàng trai M’nông, du khách tham gia chủ yếu đến từ các tỉnh, thành phố như TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội. Hiện có nhiều du khách tỉnh Đắk Lắk cũng đăng ký tham gia loại hình du lịch này. Anh đặt mục tiêu hằng năm sẽ thu hút hơn 1.000 lượt khách du lịch, doanh thu ước đạt 2 tỷ đồng/năm. Dự án đi vào hoạt động ổn định dự kiến tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương.

Tại cuộc thi khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2022, Dự án Du lịch sinh thái rừng gắn kết bảo vệ môi trường và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc địa phương của Y Xim Ndu đoạt giải Nhì. Sau cuộc thi khởi nghiệp, Y Xim đã thành lập Công ty TNHH Du lịch Chư Yang Sin.

Theo Tiền Phong

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Bánh xèo khổng lồ tại lễ hội bánh dân gian Nam Bộ

Bánh xèo khổng lồ tại lễ hội bánh dân gian Nam Bộ

Tại lễ hội bánh dân gian Nam Bộ năm 2024 đã diễn ra hoạt động đổ chiếc bánh xèo khổng lồ có đường kính kỷ lục 3m. Chiếc bánh do 15 nghệ nhân tham gia thực hiện, theo công thức truyền thống.

Bến Tre và Saigontourist ký kết hợp tác, thúc đẩy phát triển du lịch

Bến Tre và Saigontourist ký kết hợp tác, thúc đẩy phát triển du lịch

Ngày 16/4, tại Bến Tre, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) và UBND tỉnh Bến Tre đã tổ chức Lễ ký kết hợp tác thúc đẩy phát triển du lịch Bến Tre giai đoạn 2024 - 2029.

Đến Hà Nội đừng bỏ lỡ cốc cà phê trứng

Đến Hà Nội đừng bỏ lỡ cốc cà phê trứng

Một cốc cà phê vào buổi sáng là thói quen của CEO Apple Tim Cook. Khi đến Hà Nội, ông đã tranh thủ thưởng thức món cà phê trứng độc đáo. Vậy cà phê trứng độc đáo thế nào?

Hé lộ vở đại nhạc kịch “Chuyến tàu huyền thoại” tại Lễ hội Sông nước TP.HCM 2024

Hé lộ vở đại nhạc kịch “Chuyến tàu huyền thoại” tại Lễ hội Sông nước TP.HCM 2024

Lễ hội Sông nước TP.HCM 2024 kéo dài đến 10 ngày, từ 31/5 đến 9/6. Điểm nhấn của lễ hội Sông nước TP.HCM 2024 là vở đại nhạc kịch “Chuyến tàu huyền thoại” trên sông Sài Gòn.

Hơn 50.000 quyển sách phục vụ bạn đọc trong Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam

Hơn 50.000 quyển sách phục vụ bạn đọc trong Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam có sự tham gia của 31 đơn vị cùng 42 gian hàng, mang đến gần 50.000 quyển sách với hơn 300 hoạt động diễn ra từ 15/5 - 1/5.

Các tỷ phú ăn gì, chơi đâu khi đến Việt Nam

Các tỷ phú ăn gì, chơi đâu khi đến Việt Nam

Tim Cook khá thích thú với món cà phê trứng ở Hà Nội. Bill Gates trải nghiệm buổi thiền trà đặc biệt trên đỉnh Bàn Cờ, Đà Nẵng.