Hội Nông dân Thanh Hóa đã làm nhiều việc tốt, nhiều việc khó đang chờ phía trước
Giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa: Nhiều việc đã làm tốt, nhiều việc khó chờ phía trước
Hữu Dụng - Hoài Thu
Chủ nhật, ngày 01/08/2021 06:02 AM (GMT+7)
Ngày 31/7, Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết Đại hội giữa nhiệm kỳ 2018 – 2023, triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2021.
Tại hội nghị, bà Hà Thị Lan Hương – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đã thông qua báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa khóa X, nhiệm kỳ 2018 – 2023.
Theo báo cáo, sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2018 - 2023, Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, đạt hiệu quả cao.
Về công tác xây dựng tổ chức hội, nửa nhiệm kỳ qua, toàn tỉnh Thanh Hóa đã kết nạp được 31.119 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh này là 488.253 hội viên, xây dựng được gần 150 tỷ đồng quỹ hội. Ngoài ra, Hội nông dân các cấp tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng được 29 chi hội nông dân nghề nghiệp và 182 tổ hội nông dân nghề nghiệp.
Đến nay, 100% các cấp Hội đã thành lập Ủy ban kiểm tra. Nửa nhiệm kỳ qua, đã phát hiện 420 vụ vi phạm đã kịp thời chấn chỉnh, xử lý, trong đó có 4 vụ phải xử lý kỷ luật.
Nhằm hỗ trợ hội viên có vốn phát triển kinh tế, hàng năm, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh tín chấp và ủy thác với các ngân hàng, các nguồn đầu tư cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, Hội mở rộng phối hợp thêm với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt để phục vụ nhu cầu vay vốn chính đáng của nông dân, tính đến 31/5/2021, tổng dư nợ của ngân hàng này là 132 tỷ đồng cho 2.992 thành viên vay vốn ở 223 tổ vay vốn tại 18 huyện.
Thực hiện "Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững", Hội nông dân tỉnh Thanh Hóa đã trao 441 con bò cái sinh sản, trị giá hơn 4,3 tỉ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, giúp đỡ 15.560 hộ thoát nghèo.
Về tổ chức dạy nghề, chuyển giao KHKT cho nông dân, các cấp Hội đã phối hợp với các đơn vị, các tổ chức để mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, dài hạn và giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động cho lao động nông thôn. Nửa nhiệm kỳ qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp tổ chức 575 lớp dạy nghề cho hội viên nông dân, hơn 4.000 người sau khi được đào tạo nghề có việc làm.
Thành tố quan trọng trong xây dựng NTM, phát triển OCOP
Trung bình mỗi năm, tỉnh Thanh Hóa có gần 400 hộ đăng ký SXKD giỏi 4 cấp, đẩy mạnh thực hiện các chương trình phối hợp để hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Tỉnh Hội cũng hoàn thiện hồ sơ đề nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận 143 hộ đạt SXKD giỏi cấp Trung ương.
Từ phong trào thi đua SXKD giỏi đã xuất hiện hàng trăm mô hình kinh tế có hiệu quả góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.
Toàn tỉnh Thanh Hóa có 8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn Nông thôn mới, có 330 xã và 858 thôn, bản đạt chuẩn Nông thôn mới, nhiều xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, nông thôn kiểu mẫu. Đặc biệt, có 100 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã được đánh giá xếp hạng và 1 sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Trong thời gian tới, các cấp Hội xác định rõ nhiệm vụ, vai trò của mình là hướng dẫn hội viên, nông dân thi đua phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng NTM, trong đó trọng tâm là nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững".
Các cấp Hội tiếp tục vận động nông dân tích cực tham gia tích tụ, tập trung đất đai, góp vốn, liên kết sản xuất phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao; tích cực hướng dẫn nông dân tham gia hình thức kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết, hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với đó, Hội đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân về vốn, hướng dẫn nông dân hưởng các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, ứng dụng KHCN để tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, Hội tập trung tham gia thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 của tỉnh.
Xây dựng những mô hình điểm của nông dân về An toàn thực phẩm và Bảo vệ môi trường phù hợp với vùng miền để tuyên truyền nhân rộng. Xây dựng mô hình tổ tự quản nông dân thu gom, phân loại xử lý chất thải, rác thải trong sản xuất nông nghiệp và rác thải sinh hoạt nông thôn…
"Những năm tới công tác hội sẽ gặp không ít những khó khăn do đại dịch Covid-19, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, các cấp Hội cần tập trung cao độ, tranh thủ thời cơ, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra, tuyên truyền vận động hội viên nông dân tiếp tục thực hiện "mục tiêu kép" vừa chống dịch Covid-19, vừa sản xuất kinh doanh có hiệu quả", ông Trần Bình Quân - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.