Khởi nghiệp từ những ý tưởng đơn giản
Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo là vấn đề được nhắc đến khá nhiều trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) thời gian qua. Để thúc đẩy hơn nữa hoạt động này và kết nối đầu tư nhằm hỗ trợ các dự án, biến dự án này thành hiện thực, ngày 17/10, Tổng cục GDNN, Bộ LĐTBXH cùng với Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) đã tổ chức Hội thảo “Xây dựng và phát triển mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các cơ sở GDNN và kết nối đầu tư”.
Học sinh nghề tham gia học theo phương pháp STEM tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội.
Ảnh: Nguyệt Tạ
Ngày 17/10, trong khuôn khổ chương trình, Ban tổ chức cũng tổ chức Ngày Hội khởi nghiệp sáng tạo vùng đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía Bắc. Chương trình có sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp khởi nghiệp thuộc 5 lĩnh vực công nghệ và hàng trăm dự án khởi nghiệp của các bạn học sinh đến từ các cơ sở GDNN thuộc các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Hồng và trung du miền núi phía Bắc. Bên lề sự kiện các doanh nghiệp còn trưng bày hơn 3.000 sản phẩm khoa học, công nghệ. |
Ông Nguyễn Trung Dũng - Trưởng phòng Quản lý khoa học (Trường CĐ Công nghệ cao Hà Nội) cho biết, thực tế việc khởi nghiệp của học sinh trong các cơ sở GDNN hiện nay còn gặp khá nhiều khó khăn. Nhiều nhất có thể kể tới các vấn đề như: Vốn, kinh nghiệm, khoa học, giải pháp hiện thực hóa ý tưởng... Chính bởi vậy, việc kết nối các ý tưởng tới các chuyên gia tư vấn và các doanh nghiệp là việc hết sức cần thiết.
“Mặc dù vậy, việc kết nối nhà đầu tư với ý tưởng khởi nghiệp là không hề đơn giản. Lý do được đưa ra là bởi chúng ta đang có quá ít các sân chơi, các cuộc thi, hội thảo để có thể chắp nối đôi bên lại với nhau” - ông Dũng nói.
Còn theo ông Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ cao Hà Nội, nhà trường đang rất khó khăn trong việc hỗ trợ, kết nối học sinh có ý tưởng tốt với các nhà đầu tư. Ông Khánh cho biết, hiện nay mỗi năm nhà trường vẫn tổ chức cuộc thi “Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp HHT”. Mỗi cuộc thi có tới 50 - 60 sản phẩm tham dự, tuy nhiên, nhìn chung số sản phẩm tham gia mới chỉ dừng lại ở mức phong trào và chưa thật sự hiệu quả về mặt công nghệ với lý do thiếu tư vấn của các chuyên gia và nhà khoa học; thiếu vốn; thiếu kinh nghiệm kinh doanh; thiếu thông tin.
“Vượt qua những khó khăn, một số sinh viên của nhà trường sau khi ra trường đã tự khởi nghiệp - mở cửa hàng, công ty với quy mô nhỏ và vừa. Sau thời gian ngắn các cửa hàng, công ty và doanh nghiệp của các em đã và đang hoạt động, phát triển rất tốt... ” - ông Khánh nói.
Ông Khánh cho rằng, khởi nghiệp trong các cơ sở GDNN không cần ý tưởng quá cao sang, các ý tưởng bắt nguồn từ cuộc sống. Các bạn chỉ cần có tay nghề giỏi, có kiến thức công nghệ, maketing... thì có thể khởi nghiệp được. Hiện nay, để giúp sinh viên có cơ sở để khởi nghiệp, ngoài việc đầu tư nội dung vào chương trình khởi nghiệp (chiếm khoảng 15 - 20% thời lượng học), nhà trường còn xúc tiến nhiều hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Hỗ trợ toàn diện
Mặc dù có những ý tưởng tốt, nhưng không phải ý tưởng nào cũng có thể triển khai những dự án khởi nghiệp thành công. Nguyên nhân được chỉ ra là do thiếu sự kết nối, tư vấn hỗ trợ của các chuyên gia, các doanh nghiệp.
Ông Đỗ Năng Khánh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN (Bộ LĐTBXH) cho biết trong những năm qua, các cơ sở GDNN đã cung cấp hàng triệu lao động cho các doanh nghiệp. Đáng mừng nhiều sinh viên sau tốt nghiệp nghề đã có thể tự tạo việc làm, khởi nghiệp. Nhiều đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đã tạo ra một môi trường khởi nghiệp toàn diện cho học sinh, sinh viên. Mặc dù vậy, hiện nay vẫn còn một số khó khăn khiến cho hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp của sinh viên, học sinh chưa đạt được hiệu quả như mong đợi.
“Trước thực tế đó, mới đây Tổng cục GDNN đã có những hỗ trợ một các toàn diện cho các cơ sở GDNN, học sinh để các em có thể khởi nghiệp. Cụ thể hỗ trợ kết nối với doanh nghiệp để huy động vốn, tư vấn giải pháp, huy động kinh nghiệm... ngoài ra còn kết nối với các đơn vị khác để huy động sức mạnh giúp học sinh khởi nghiệp thành công” - ông Khánh nói.
Ông Phạm Tuấn Hiệp - Giám đốc Trung tâm Ươm tạo BKHOLDING - Trưởng ban giám khảo chấm giải “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng đồng bằng Sông Hồng và trung du miền núi phía Bắc năm 2019” cho biết, so với cuộc thi ở năm trước, năm nay các dự án dự thi đã có những khởi sắc hơn rất nhiều.
“Các dự án có tính thực tiễn, triển khai và nhân rộng trong thực tế. Thêm vào đó, một số dự án còn hoàn thiện khâu kêu gọi đầu tư, đánh giá tác động dự án tới khả năng kinh doanh, nguồn thu tài chính, thậm chí tác động xã hội... nếu được hoàn thiện thêm sẽ tăng tính ứng dụng, hoàn toàn có thể triển khai trong thực tế” - ông Hiệp nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.