Gỡ khó giúp nông dân chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả

Thùy Trang – Nga Lê Thứ tư, ngày 22/06/2016 13:20 PM (GMT+7)
Tại huyện Đan Phượng (Hà Nội) vừa diễn ra Hội thảo “Nhịp cầu nhà nông” với sự tham gia của hơn 200 nông dân (ND) cùng các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp.
Bình luận 0

Đây là một trong các hội thảo được Sở NNPTNT Hà Nội phối hợp các huyện tổ chức thường xuyên nhằm giúp ND tại các xã, huyện của Hà Nội có cơ hội giao lưu, học hỏi kiến thức sản xuất từ các nhà khoa học, chuyên gia nông nghiệp.

“Nóng” vấn đề chất cấm trong chăn nuôi

Có mặt tại hội thảo, phóng viên nhận thấy không khí trao đổi rất sôi nổi, các ND liên tục đặt câu hỏi cho các nhà khoa học, các chuyên gia. Các câu hỏi chủ yếu liên quan đến các vấn đề thực tiễn trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, trong đó nhiều câu hỏi về việc phòng trị bệnh cho vật nuôi.

img

Chăn nuôi an toàn đang mang lại thu nhập cao cho người dân các xã
huyện Đan Phượng (Hà Nội).  Ảnh: Hải Đăng

Bên cạnh việc giải đáp thắc mắc, cung cấp kiến thức cho bà con về tên cũng như cách tiêm các loại vaccine phòng, trị bệnh thường gặp ở lợn, bò, gà như viêm phổi, cúm, hen suyễn, tai xanh…, các chuyên gia cũng khuyên bà con nên sử dụng những bài thuốc dân gian để phòng trừ một số bệnh ở vật nuôi. Ví dụ như bài thuốc trị tiêu chảy cho lợn con mà nhiều ND hỏi, chuyên gia Nguyễn Lân Hùng –Tổng Thư ký Hội các ngành Sinh học Việt Nam cho rằng, có thể sử dụng thuốc thú y để chữa bệnh tiêu chảy, song để tiết kiệm chi phí bà con nên dùng bài thuốc dân gian cũng rất hiệu quả. Chỉ với những nguyên liệu dễ kiếm xung quanh nhà như 1 củ gừng, 1 quả đu đủ non, 4 củ tỏi ngâm nước trong 24 giờ, cho lợn con uống 5CC mỗi ngày sẽ trị dứt được bệnh tiêu chảy.

Đặc biệt, câu hỏi về phun thuốc gì để diệt trừ ốc bươu vàng được khá nhiều ND quan tâm. Trả lời câu hỏi, TS Ngô Vĩnh Viễn – nguyên Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật (BVTV) khuyên bà con thay vì sử dụng các loại thuốc hóa học gây hại đến môi trường, nên sử dụng các cách như bắt thủ công, sau đó thu về đập vụn ra làm thức ăn cho vịt rất tốt, hay có thể đập ốc bươu vàng rồi ngâm vào nước, sau đó dùng nước đó để tưới cây ăn quả cũng rất hiệu quả…

TS Viễn cũng khuyến cáo bà con ND khi sử dụng thuốc BVTV phải tuân thủ nghiêm nguyên tắc “4 đúng – 1 phải”: Đúng thuốc – đúng thời gian – đúng liều lượng - đúng phương pháp và phải đảm bảo thời gian cách ly ít nhất 15-20 ngày trước khi thu hoạch.

Đáng chú ý là câu hỏi của anh Trần Văn Phong - một ND đang nuôi trên 1.000 con lợn ở xã Trung Châu (huyện Đan Phượng). Anh Phong cho biết: “Muốn sản xuất ra sản phẩm rau, thịt, cá an toàn thì vật tư đầu vào phải đảm bảo. Tuy nhiên, hiện nay bà con ND rất khó phân biệt đâu là thuốc BVTV loại chuyên dùng và đâu là loại thuốc, hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, theo Bộ luật Hình sự 2015 quy định hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ bị xử phạt, vậy người nông dân có bị xử phạt hay không nếu sử dụng chất cấm do thiếu hiểu biết hoặc do cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi cố tình đánh lừa?”.

Ông Ngô Đại Ngọc – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, câu hỏi của anh Phong chính là vấn đề rất “nóng”, được dư luận quan tâm. Vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo rất rõ là tất cả những người đứng đầu các cấp sẽ phải chịu trách nhiệm về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất nông nghiệp cũng xoay quanh vấn đề an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, thực trạng quản lý vật tư nông nghiệp hiện nay còn nhiều hạn chế. Trên địa bàn thành phố có 1.963 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, trong đó riêng thuốc BVTV là 1.300 cơ sở và có trên 4.000 loại thuốc BVTV, vì vậy rất khó để bà con ND có thể nhận biết đâu là loại thuốc có trong danh mục.

“Sở đang kết hợp chi cục quản lý thị trường thực hiện việc kiểm soát các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp; đề xuất dẹp bỏ những cơ sở không đủ điều kiện” – ông Ngọc khẳng định.

Để đảm bảo quyền lợi, ông Ngọc khuyến cáo ND nên lựa chọn những cơ sở có uy tín, có đủ trình độ tư vấn cho bà con quy trình sử dụng thuốc. “Về việc xử lý vi phạm khi ND sử dụng chất cấm thì tùy vào từng trường hợp cụ thể, cơ quan chức năng sẽ xem xét. Nếu người dân dùng thuốc do thiếu hiểu biết hoặc bị các cơ sở kinh doanh lừa gạt thì sẽ điều tra xử đúng người, đúng tội nên bà con cứ yên tâm chăn nuôi an toàn” – ông Ngọc khẳng định.

Nông dân phấn khởi

Hàng ngày bà con ND thường chỉ tìm hiểu về cây trồng, vật nuôi trên truyền hình. Hôm nay, được trao đổi trực tiếp với các nhà khoa học, được biết thêm nhiều cách chữa trị, phòng chống bệnh cho cây trồng, vật nuôi chúng tôi mừng lắm. Chúng tôi sẽ đem những kiến thức mình thu được hôm nay về phổ biến cho mọi người trong gia đình, làng xóm để cùng sản xuất hiệu quả”.

Ông Bùi Văn Nhật - Hội ND thị trấn Phùng

Tại Hội thảo “Nhịp cầu nhà nông”, ND không chỉ được giải đáp những thắc mắc trong chăn nuôi, trồng trọt, được chia sẻ về cách trồng hoa, thông tin về chính sách hỗ trợ ND mà còn được phát các tài liệu để nhận biết một số sâu hại trên cây có múi và biện pháp phòng trừ; các bệnh thường gặp ở gà như: bệnh đầu đen, bệnh đậu; biện pháp phòng trị bệnh trong nuôi trồng thủy sản…

Trong hơn 3 giờ diễn ra hội thảo, các chuyên gia đã trao đổi và giải đáp hơn 60 câu hỏi của ND. GS Lê Văn Năm - một chuyên gia về chăn nuôi đã giới thiệu đến bà con 2 cuốn sách: “Kỹ thuật nuôi lợn công nghiệp và phòng trị bệnh hiệu quả” và “Bệnh lợn Việt Nam 2013, bệnh gia cầm Việt Nam 2012”. Ông Năm cho biết, trong những cuốn sách này ông đã giải đáp hầu hết những câu hỏi về bệnh lý, cách nhận biết cũng như cách phòng trị bệnh, phác đồ điều trị cho từng bệnh trong chăn nuôi gia súc gia cầm... Đây sẽ là những cuốn “cẩm nang” bổ ích giúp người dân chăn nuôi hiệu quả.

Anh Lê Thanh Tuân - một hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Đan Phượng cho biết: “Rất mong huyện sẽ thường xuyên tổ chức những hội thảo hay chuyên đề bổ ích về nông nghiệp để giúp bà con giải đáp những thắc mắc trong trồng trọt, chăn nuôi để giúp ND vơi bớt nhọc nhằn trong sản xuất, chăn nuôi”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem