Gỡ nút thắt hạ tầng, “cởi trói” cho đô thị vệ tinh Tây Bắc

Nguyễn Tường Thứ tư, ngày 19/07/2017 16:10 PM (GMT+7)
TP.HCM đã có quy hoạch đô thị vệ tinh Tây Bắc để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế và giãn dân đô thị vùng lõi. Tây Bắc được đánh giá là có tiềm năng nhất để phát triển đô thị vệ tinh kiểu mẫu vì có nhiều lợi thế. Tuy nhiên, nhiều năm qua quy hoạch lớn này vẫn chưa được như kỳ vọng vì nút thắt hạ tầng.
Bình luận 0

img

TP.HCM đang dồn sức gỡ nút thắt hạ tầng để chắp cánh cho đô thị vệ tinh Tây Bắc

Siêu đô thị “ngủ quên”

Hơn chục năm trước, TP.HCM đã có chủ trương xây dựng Khu đô thị Tây Bắc để tạo động lực phát triển nhanh khu vực và các vùng giáp ranh. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của địa phương sang dịch vụ đô thị, công nghiệp góp phần cải thiện đời sống người dân. Khu đô thị này sẽ góp phần giảm áp lực dân cư, điều hòa dân số và ô nhiễm trong nội thành. Theo quy hoạch ban đầu, Khu đô thị Tây Bắc rộng khoảng 6.000ha và có thể mở rộng thêm 3.000ha nữa, nằm trên các xã Tân Thới Nhì của huyện Hóc Môn và Tân Phú Trung, Tân Thông Hội, Tân An Hội, Phước Hiệp, thị trấn Củ Chi của huyện Củ Chi.

Đô thị vệ tinh Tây Bắc sẽ là “thủ phủ” của nông nghiệp công nghệ cao, một trung tâm giáo dục cấp thành phố với nhiều trường đại học tầm cỡ quốc gia và khu vực. Ngoài ra, vùng đất này vẫn có sức bật rất tốt nhờ ưu điểm gần trung tâm, thuận lợi cho cảng biển… nên thu hút được nhà đầu tư và cư dân đến sinh sống. TP.HCM kỳ vọng, sự phát triển của Khu đô thị Tây Bắc sẽ kéo các vùng đất khác của Long An, Bình Dương và Tây Ninh phát triển theo với sự hình thành của các khu công nghiệp, khu dân cư.

“Địa hình cao, dân số trẻ và quỹ đất rộng lớn. Tây Bắc là khu vực có tiềm năng nhất để hình thành đô thị vệ tinh kiểu mẫu. Tuy nhiên, cả chục năm sau với nhiều chủ trương mở để kêu gọi đầu tư, TP.HCM vẫn chưa thể đánh thức siêu đô thị ngủ quên này”- chuyên gia quy hoạch đô thị Phạm Sanh nói.

Tương tự, chuyên gia Trần Khánh Quang nhận định phát triển đô thị vệ tinh về hướng Tây Bắc theo hướng xanh là chủ trương đúng trong thời kỳ thích ứng với biến đổi khí hậu. Phần lớn diện tích đất tại huyện Cần Giờ thuộc Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn cần được bảo vệ. Do đó, quỹ đất TP.HCM hướng đến chủ yếu là ở Tây Bắc. Tuy nhiên, mặc dù khu này được đánh giá là vùng đất giàu tiềm năng nhưng đất rộng, người thưa nên chưa có nhà đầu tư nào lớn dám đầu tư mạnh tay ở khu vực Tây Bắc.

img

Đô thị vệ tinh Tây Bắc sẽ phát triển theo hướng xanh, vừa giãn dân vừa làm “lá phổi” cho TP.HCM

Nhận định của hầu hết các chuyên gia, rào cản lớn nhất đối với cánh cung Tây Bắc hiện tại là hạ tầng giao thông chưa phát triển nên chưa tạo được sự kết nối với trung tâm cũng như các vùng phụ cận. Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đơn cử trực quan như: Đường từ quận 12 lên Hóc Môn và Củ Chi hẹp dần theo khoảng cách. Quốc lộ 22 là một phần của đường Xuyên Á nhưng nó lại quá nhỏ rồi còn bị thắt cổ chai. Tỉnh lộ 8,9 nối “hạt nhân” đô thị Tây Bắc là Củ Chi với Long An, Bình Dương cũng chậm chạp phát triển. Hạ tầng không đồng bộ khiến Tây Bắc gần như đang bị… cô lập.

Gỡ nút thắt hạ tầng

Nhìn nhận vấn đề nút thắt hạ tầng, lãnh đạo TP.HCM đã đề ra chiến lược đầu tư lớn để hiện thực hóa kỳ vọng đô thị vệ tinh Tây Bắc. Ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết: “Về hướng Tây Bắc, thành phố đang xúc tiến triển khai nhiều dự án đường hướng tâm như Quốc lộ 22, đường Phan Văn Hớn, Tỉnh lộ 9, Tỉnh lộ 15… Một trong những dự án trọng điểm để tháo nút thắt cho cửa ngõ Tây Bắc đang được thi công hối hả ngày đêm là nút giao thông An Sương (quận 12). Việc xây dựng công trình này sẽ giúp thông thoáng trục đường huyết mạch từ TPHCM đi các tỉnh miền Đông, miền Tây và ngược lại, cũng như từ trung tâm TPHCM về huyện Củ Chi, tỉnh Tây Ninh...

img

Hầm chui An Sương, một công trình trọng điểm mở cửa cho khu vực Tây Bắc

Một dự án quan trọng khác nối các quận nội thành, đặc biệt từ sân bay Tân Sơn Nhất đi tỉnh Bình Dương là Tỉnh lộ 9 (nối đường Lê Văn Khương, quận 12 đi Củ Chi qua cầu Phú Cường đến TP Thủ Dầu Một) cũng đang được triển khai. Trên Tỉnh lộ 9 có hàng chục cây cầu đã được xây mới nhưng nhiều đoạn hiện hữu chỉ rộng 5 - 6m, gây ách tắc giao thông rất lớn trong thời gian qua. Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Tỉnh lộ 9 (đoạn từ cầu Rạch Tra đến Tỉnh lộ 8) huyện Củ Chi theo hình thức PPP (hợp đồng BT). Tổng chiều dài tuyến đường nâng cấp khoảng 5,76km, thuộc công trình cấp 2, tốc độ thiết kế 60km/giờ.

Việc TP.HCM đầu tư nhiều dự án hạ tầng nhằm tháo gỡ nút thắt về giao thông, chắc chắn sẽ góp phần thay đổi diện mạo vùng đất mà các con đường đi qua. Lãnh đạo thành phố cho rằng, quỹ đất để phát triển kinh tế - xã hội của thành phố ngày càng hạn hẹp, đắt đỏ. Trong khi, vùng đất Tây Bắc nói riêng và những nơi khác nói chung chưa được khai thác đúng tiềm năng (do hạ tầng giao thông kém) đã gây lãng phí rất lớn trong thời gian qua. Chính vì vậy, thành phố sẽ tạo cơ chế để kêu gọi các nguồn lực tham gia đầu tư trong thời gian tới.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM:

Việc TP.HCM đầu tư nhiều dự án hạ tầng để tháo gỡ nút thắt về giao thông sẽ góp phần thay đổi diện mạo Tuy nhiên, muốn phát triển khu vực Tây Bắc cần quyết tâm lớn hơn của TP.HCM. Đồng thời có một kế hoạch khoa học. Cần bốn trục hạ tầng để thúc đẩy cửa ngõ Tây Bắc phát triển là mở rộng Quốc lộ 22, metro cần kéo dài lên tới Củ Chi chứ không nên dừng lại ở Tham Lương, Đại lộ ven sông Sài Gòn của Chúa đảo Tuần Châu, phát triển đường thủy chạy dọc sông Sài Gòn. “Hạ tầng đa dạng và tích hợp, sẽ mở toang cánh cửa cho đô thị vệ tinh Tây Bắc phát triển trong tương lai gần”- ông Châu tin tưởng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem