Gỡ sự nhập nhèm "uống sữa bột pha ngỡ sữa tươi"

Ngọc Lê Thứ tư, ngày 13/04/2016 19:50 PM (GMT+7)
Khi bản chất sữa tiệt trùng trên thị trường hiện nay phần lớn là sữa bột pha lại thì khái niệm quy định rõ ràng hơn sẽ tháo gỡ “nút thắt” gây nhầm lẫn này.
Bình luận 0

Ngày 13.4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã tổ chức cuộc Hội thảo lấy ý kiến về việc sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng QCVN 5-1:2010/BYT. Đây là hội nghị công khai đầu tiên có sự tham dự của các cơ quan báo chí kể từ khi đơn vị này công bố dự thảo lấy ý kiến sửa đổi từ gần… 1 năm trước.

Đã lắng nghe ý kiến nhiều phía

Dự thảo này có nhiều diễn biến mới. Khi lấy ý kiến các bộ ngành, dự thảo gộp khái niệm sữa tươi (chỉ còn 1 khái niệm) và đưa ra khái niệm sữa hỗn hợp. Tuy nhiên, tại Hội thảo này, dự thảo đã được thay đổi và làm rõ các khái niệm đang gây tranh cãi.

img

Nông dân Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh chăm sóc đàn bò sữa. Ảnh: Minh Trung

Theo dự thảo mà Cục An toàn thực phẩm (ATTP) đưa ra lần này, tới đây sẽ có 6 tên gọi về sữa dạng lỏng, bao gồm: Sữa tươi nguyên chất, sữa tươi, sữa tươi tách béo, sữa hoàn nguyên, sữa pha lại và sữa hỗn hợp. Trong đó sữa hoàn nguyên, sữa pha lại và sữa hỗn hợp trước đây được gọi chung tên gọi là “Sữa tiệt trùng”. Đây là tên gọi đã được các đại biểu thừa nhận là “gây nhầm lẫn giữa sữa bột và sữa tươi” khi bản chất sữa tiệt trùng trên thị trường hiện nay phần lớn là sữa bột pha lại. Với dự thảo mới, các đại biểu đánh giá khái niệm quy định rõ ràng hơn sẽ tháo gỡ “nút thắt”  gây nhầm lẫn.

 Tại Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Phong- Cục trưởng Cục ATTP cũng xin ý kiến các doanh nghiệp tham dự là có phân loại 2 loại sữa tươi ra thành sữa tươi nguyên chất (100% sữa tươi) và sữa tươi có bổ sung (có từ 90% sữa tươi, bổ sung thêm đường, dịch quả…).

Phát biểu mở đầu buổi thảo luận, bà Thái Hương- Chủ tịch Tập đoàn TH bày tỏ ý kiến, chúng ta không thể nhập nhèm mãi khái niệm sữa được nữa, mà phải gọi đúng tên gọi, sữa tươi nguyên chất là sữa tươi 100%, còn sữa tươi có bổ sung các chất gì thì phải ghi rõ là sữa tươi có bổ sung các loại chất gì, nhưng phải đảm bảo tỷ lệ sữa tươi tối thiểu trong sản phẩm từ 95% trở lên. “Chúng ta phải có lộ trình áp dụng theo các tiêu chuẩn của Codex để cho người dân hiểu thế nào là sữa tươi, nên cần phải giữ lại khái niệm này”, bà Hương nói.

Trao đổi với Dân Việt tại cuộc họp hôm qua, ông Trần Mạnh Hùng- Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả (389) cho biết:  “Với các khái niệm sữa nhập nhèm trong suốt thời gian qua, người tiêu dùng Việt Nam đã bị lừa dối khi phải bỏ tiền ra mua những sản phẩm sữa thực chất là từ sữa bột pha lại. Đó chính là hành vi gian lận thương mại và nhờ có các cơ quan truyền thông thông tin, chúng tôi mới nắm rõ sự việc này. Trong thời gian sắp tới, Ban Chỉ đạo 389 sẽ chính thức có ý kiến và giám sát việc thực hiện các quy định này”.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cũng cho rằng: “Chúng ta phải phân rõ các khái niệm sữa tươi nguyên chất, sữa tươi có bổ sung một số chất khác và sữa hoàn nguyên, sữa pha lại để đảm bảo quyền được thông tin cho người tiêu dùng”.

Đại diện Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) thì đề nghị, cần làm rõ khái niệm sữa pha lại có bổ sung các chất, thì đó là các chất gì, bởi nếu không thì sản phẩm dễ bị nhầm lẫn và chuyển sang thực phẩm chức năng. Đại diện Vinamilk cũng đề nghị chỉ có một khái niệm là sữa tươi thay vì sữa tươi nguyên chất và sữa tươi, song đề xuất này đã lập tức bị các ý kiến bác bỏ, vì cho rằng nếu áp dụng như vậy sẽ càng không minh bạch.

Tiếp tục xin thêm ý kiến

Ông Tống Xuân Chinh- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho rằng, quan điểm của Cục là phải minh bạch thị trường sữa, để mỗi người dân bỏ đồng tiền trong túi ra họ nhận được sản phẩm đúng chất lượng sản phẩm mà họ uống hay cho con em mình uống. Vì thế, việc xây dựng quy chuẩn lần này là rất quan trọng.

“Tôi nói thật, dù làm trong ngành sữa, nhưng nhiều khi ra siêu thị tôi cũng rơi vào ma trận của các sản phẩm sữa, vì thế trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là phải chuẩn hóa tên thuật ngữ của các loại sữa và tôi nhất trí có 5 sản phẩm sữa, theo hướng tiếp cận với các tiêu chuẩn của quốc tế”- ông Chinh nói. Theo ông Chinh, Việt Nam phải minh bạch khái niệm, tên gọi sữa như vậy để thúc đẩy sản xuất trong nước: “Sữa tươi chúng ta có nhiều mà lại cứ phải bỏ ngoại tệ ra để đi nhập sữa về rồi lại hoàn nguyên. Do đó, dứt khoát phải nói rõ sữa tươi là sữa tươi, sữa hoàn nguyên, pha lại thì phải nói rõ như thế”- ông Chinh nói.

Riêng về khái niệm sữa hỗn hợp, ông Chinh cũng đề nghị phải có quy định thành phần sữa trong đó chiếm bao nhiêu % trong sản phẩm, nếu không họ cứ đưa nhập nhèm các loại nước hoa quả rồi đủ thứ linh tinh vào nhưng vẫn được gọi là sữa. “Tôi cho rằng thành phần sữa tươi ít nhất phải là 70%, còn lại là các thành phần khác trong sản phẩm này”- ông Chinh nói.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cũng đề nghị Bộ Y tế cần chốt ngay các khái niệm về sữa, để sớm thiết lập lại một thị trường sữa minh bạch tại Việt Nam. Tuy nhiên, kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, dự thảo về 6 khái niệm sữa mới chỉ là dự kiến và sau cuộc họp này, Bộ Y tế sẽ tiếp tục xin thêm ý kiến rồi mới quyết định chốt lại các khái niệm về sữa như thế nào.

Ông Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam thông tin: "Trong năm 2015 ngành sữa tại Việt Nam đã có bước tăng trưởng kỷ lục đạt 23%, từ tổng doanh thu 75.000 tỷ đồng năm 2014 lên 92.000 tỷ đồng (khoảng 4,5 tỷ USD) vào năm 2015. Trong số này, sữa bột chiếm 45% tổng doanh thu, sữa nước chiếm 30%, còn lại là các sản phẩm khác".

Như vậy, có thể nói ở Việt  Nam hiện nay sữa đang là một thị trường béo bở, song rất tiếc, phần lớn lợi nhuận hiện nay lại rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài. Và sự nhập nhèm trong khái niệm sữa tươi đã tác động nặng nề đến thu nhập của những người làm nghề nuôi bò sữa.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem