Cây sưa trên 130 tuổi ở làng Phụ Chính (Chương Mỹ, Hà Nội) từng được thương lái định giá 100 tỷ đồng
Khoảng 10 năm trở lại đây, gỗ sưa được coi như báu vật, giá bán đắt hơn vàng ròng. Sưa lớn, sưa bé đều được thương lái lùng mua ráo riết. Loại lõi nhỏ có giá bán 3-5 trăm ngàn đồng/kg, loại lâu năm có giá 40-50 triệu đồng/kg. Thậm chí, thời điểm sốt giá, kể cả cành, lá, gốc, rễ… cũng được thương lái mua hết.
Sưa được giá, nhiều gia đình vô tình sở hữu cây sưa lâu năm bỗng trở thành tỷ phú, đổi đời, sắm xe hơi, xây nhà lầu. Thế nhưng, hệ lụy kéo theo là nạn “sưa tặc” lộng hành một thời gian dài.
Gần đây, UBND TP.Hà Nội đồng ý cho bán đấu giá cây sưa trên 130 tuổi ở làng Phụ Chính, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ. Thời điểm sưa sốt giá, cây sưa này từng được thương lái định giá tới 100 tỷ đồng.
Nhiều người thắc mắc, tại sao cây sưa có giá trị kinh tế cao mà không được trồng rộng rãi. Thậm chí, Nhà nước có thể khuyến khích dân trồng để vừa làm cây bóng mát, vừa có tiền bổ sung ngân sách?
Liên quan đến vấn đề này, ngày 11/10, ông Triệu Văn Lực – Vụ trưởng Vụ Phát triển rừng (Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam, Bộ NN&PTNT) cho hay, hiện nay Bộ đang có đề án phát triển rừng và phát triển một nhóm loài cây (khoảng 40 cây), trong đó có cây sưa.
Đề án ưu tiên trồng những cây gỗ lớn, có giá trị cao trong chu kỳ 10-20 năm. Trong đó, ngoài sưa còn có lim, lát… trồng xen kẽ các loại cây chứ không phải trồng đồng loạt một loại cây nào.
Sưa đỏ được trồng rải rác một số nơi ở Hà Nội như Hồ Gươm, công viên Bách Thảo…
Lý giải việc mặc dù cây sưa có giá trị rất cao nhưng không được ưu tiên phát triển, ông Lực nói: “Đối với cây sưa, dù hiện tại có giá trị kinh tế cao nhưng không ai biết giá trị thật của nó. Sau 5-10 năm nữa, không ai có thể khẳng định, sưa sẽ được giá như bây giờ nữa”.
Ông Lực tiếp lời: “Gỗ sưa chủ yếu được các thương lái Trung Quốc thu mua nhưng ngay cả bên Trung Quốc, mặc dù cơ quan an ninh nước này đã vào cuộc nhưng cũng không trả lời được vì sao sưa lại đắt thế.
Người ta đồn thổi gỗ sưa dùng làm đồ tâm linh, phong thủy, bột gỗ sưa rắc lên xác người để siêu thoát linh hồn… nhưng tất cả những điều đó, khoa học đều chưa chứng minh được. Thế nên, không thể phát triển ồ ạt, còn người dân trồng tự phát thì không cấm và luật hiện tại chỉ cấm khai thác, buôn bán gỗ sưa trong rừng tự nhiên, rừng quốc gia”.
Cùng quan điểm, ông Lý Tuấn Trường – Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan – Nội thất (Đại học Lâm nghiệp) cũng cho rằng, sưa mặc dù có giá trị nhưng không nên trồng ồ ạt.
“Về bản chất, gỗ sưa không tốt hơn mấy gỗ như lim, táu… của mình. Thương lái Trung Quốc đồn thổi gỗ sưa làm đồ trong các công trình tâm linh để thúc đẩy giá lên cao. Nhưng khi người dân trồng ồ ạt chắc chắn giá sẽ lại xuống, lúc đó người khổ lại là người dân.
Với các mánh khóe buôn bán của thương lái Trung Quốc, người dân nên hết sức cảnh giác. Không thể bỏ hết các thứ khác mà trồng ồ ạt sưa. Bởi, thực chất cây sưa không dễ trồng và mọc nhanh như các loại cây ngắn ngày khác. Những gia đình nào có quỹ đất thì cứ trồng, còn lại không nên khuyến khích người dân trồng ồ ạt”, ông Trường chia sẻ.
Hình ảnh “khối vàng ròng” lộ thiên đang dần biến thành khối gỗ mục khiến nhiều người dân ở thôn Phụ Chính xót...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.