Gỗ Việt nhắm đến đích 20 tỷ USD

Khánh Nguyên Thứ tư, ngày 02/12/2020 08:34 AM (GMT+7)
Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn cho biết, trong bối cảnh khó khăn của dịch Covid-19, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu lâm sản vẫn đạt trên 12,6 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2019.
Bình luận 0

Đánh giá cơ hội phát triển ngành chế biến, xuất khẩu gỗ, tại Hội nghị giải pháp thúc đẩy sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 diễn ra sáng 1/12 tại Nghệ An, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, cần phát triển công nghiệp chế biến gỗ theo hướng liên kết chuỗi từ trồng rừng đến chế biến.

Xuất khẩu lâm sản đứng thứ 2 châu Á

Phát biểu tại hội nghị giải pháp thúc đẩy sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn cho biết, trong bối cảnh khó khăn của dịch Covid-19, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu lâm sản vẫn đạt trên 12,6 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2019. 

Giá trị xuất khẩu lâm sản tiếp tục đứng đầu khối ASEAN, thứ hai châu Á và thứ 5 thế giới; giá trị lâm sản xuất siêu đạt trên 10 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Gỗ Việt nhắm đến đích 20 tỷ USD - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ ở Bình Dương tích cực đổi mới công nghệ sản xuất. Ảnh: P.V

Xuất khẩu lâm sản tăng 11,5% so với năm 2019

Năm 2020, giá trị xuất khẩu lâm sản tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, ước đạt trên 12,6 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2019, tiếp tục đứng trong 10 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực của đất nước.

Giá trị xuất khẩu lâm sản tiếp tục đứng đầu khối ASEAN, thứ hai châu Á và thứ 5 thế giới; giá trị lâm sản xuất siêu đạt trên 10 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.


Đồng quan điểm, ông Cao Quốc Hưng - Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá, tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành gỗ Việt Nam trong thời gian qua có sự đóng góp rất lớn từ sự thông thoáng của hệ thống pháp luật trong nước cùng với các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới được Việt Nam ký kết như: Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA)...

Về thuế suất, các nước ký FTA thường đưa ưu đãi mức thuế nhập khẩu về 0% ngay hoặc trong 4-6 năm cho ngành gỗ Việt Nam; giúp nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm gỗ Việt Nam với sản phẩm từ các nước xuất khẩu gỗ khác.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, thuận lợi, lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh, ngành gỗ đã, đang và sẽ phải đối mặt với không ít thách thức trong thời gian tới.Về yếu tố khách quan, đó là sự gia tăng cạnh tranh của các nước sản xuất chính trên thế giới, cả về giá cả, mẫu mã, chất lượng… sự gia tăng đầu tư công nghệ tiên tiến để chế biến gỗ xuất khẩu của các nước ASEAN.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng:

Cụ thể hóa mục tiêu 1 tỷ cây xanh

Để phát huy những thành công, kết quả đạt được thời gian qua và thực hiện mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, Bộ NNPTNT cần chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án kiểm kê rừng theo Nghị quyết 118/NQ-CP, chiến lược và quy hoạch phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045, các chương trình và đề án liên quan. Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng ngành chế biến gỗ; phát triển công nghiệp chế biến gỗ theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm từ khâu trồng rừng tạo nguyên liệu gỗ lớn đến chế biến, thương mại lâm sản.

img

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị về giải pháp phát triển ngành gỗ tại Nghệ An. Ảnh: P.V

Khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nguyên liệu, thân thiện với môi trường vào ngành chế biến gỗ; phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu gỗ Việt.

Bộ NNPTNT tiếp tục chỉ đạo các địa phương tiếp tục quan tâm, phát triển nguồn nguyên liệu gỗ lớn. Tại diễn đàn Quốc hội vừa qua, Thủ tướng đã nêu sáng kiến từ nay đến 2025 trồng 1 tỷ cây xanh. Yêu cầu Bộ NNPTNT chủ trì sớm cụ thể hoá sáng kiến này thành các kế hoạch, chương trình hành động để triển khai thực hiện.

P.V

Bên cạnh đó, các quốc gia trồng rừng và cung cấp nguyên liệu lớn trong khu vực đã và đang có các chính sách hạn chế, quản lý chặt chẽ việc khai thác và xuất khẩu gỗ nguyên liệu.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam phần lớn chưa thực sự mạnh, thiếu bền vững (đầu tư dàn trải, quy mô nhỏ, sử dụng nguồn vốn vay, ít có khả năng đầu tư công nghệ và quy trình quản lý chuỗi tiên tiến; chủ yếu là gia công, phụ thuộc nhiều vào đơn đặt hàng, thiết kế cũng như mẫu mã của khách hàng…).

Các lợi thế cạnh tranh của Việt Nam (như nhiều nhân công, lao động rẻ) không còn chiếm ưu thế như trước. Nguồn nguyên liệu còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, trong khi việc kiểm soát nguồn gốc gỗ nhập khẩu hợp pháp chưa được chặt chẽ.

Trong khi đó, theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, công tác quy hoạch và cơ chế, chính sách đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp vẫn còn một số bất cập, chưa thực sự tạo động lực và đột phá trong công tác phát triển trồng rừng, chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ có hiệu quả cao và bền vững. 

Hạ tầng và công nghiệp phụ trợ phục vụ chế biến gỗ còn yếu; thiếu trung tâm thương mại quảng bá, giới thiệu sản phẩm ngành gỗ có tầm cơ khu vực và thế giới.

Việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm quốc gia, đầu tư thiết kế mẫu mã, sản phẩm chưa được chú trọng đúng mức; công nghiệp phụ trợ phục vụ cho ngành chế biến lâm sản chưa phát triển; phân bố doanh nghiệp chế biến lâm sản chưa đồng đều giữa các vùng miền để gắn kết trực tiếp với vùng nguyên liệu; tình trạng gian lận thương mại, giả xuất xứ sản phẩm hàng hóa có diễn biến phức tạp trong bối cảnh thuế nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam thấp hơn so với một số nước trong khu vực.

Chú trọng tổ chức thị trường

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, kinh tế rừng có vai trò vô cùng quan trọng với sự phát triển đất nước. Năm 2021, toàn ngành phấn đấu xuất khẩu đạt 14 tỷ USD và năm 2025 là 20 tỷ USD.

Muốn đạt được kết quả này, cần chú trọng các khâu tổ chức sản xuất, chế biến, đặc biệt là tổ chức thị trường. "Thị trường thế giới còn tiềm năng rất lớn. Thị trường trong nước với 100 triệu dân, tốc độ đô thị hóa nhanh cũng là dư địa để tập trung ngành hàng chế biến" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Để phát huy thế mạnh, tiềm năng của ngành chế biến gỗ, và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong những năm tới đây, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại để khai thác các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như các thị trường mới nổi, tiềm năng.

Ở góc độ đảm bảo nguyên liệu cho ngành gỗ, Bộ Công Thương kiến nghị Bộ NNPTNT sớm có quy hoạch phát triển nguồn nguyên liệu ổn định cho chế biến gỗ, đồng thời tăng cường trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho ngành chế biến và xuất khẩu gỗ đang tăng trưởng cao.

Xem xét việc miễn kiểm dịch thực vật đối với gỗ tròn, gỗ xẻ nhập khẩu khi các nước xuất khẩu gỗ cho Việt Nam đã có giấy kiểm dịch thực vật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp nhập khẩu…

Từ góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập cũng nhấn mạnh vào góc độ gian lận thương mại.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung một mặt tạo ra cơ hội vàng cho các doanh nghiệp Việt nhằm thay thế các mặt hàng gỗ của Trung Quốc tại Mỹ. Tuy nhiên điều này cũng làm phát sinh ra các rủi ro về gian lận thương mại, lẩn tránh xuất xứ, đầu tư "núp bóng" từ một số doanh nghiệp Trung Quốc hiện đang hoạt động tại Việt Nam.

Hiện gỗ là một trong những nhóm mặt hàng có thâm hụt thương mại lớn nhất. Đến nay, mặc dù Chính phủ và các bộ ngành đã và đang có những cơ chế kiểm soát loại hình rủi ro về gian lận trong đầu tư nhưng cần phải có các cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn nữa để giải quyết hiệu quả vấn đề này.

"Chúng tôi đề nghị Thủ tướng chỉ đạo tăng cường cơ chế về kiểm soát chống lẩn tránh, trốn xuất xứ; kiến nghị Bộ Công Thương hỗ trợ thông tin, kỹ năng, kiến thức cho các Hiệp hội Gỗ về phản biện trong lĩnh vực này; kiến nghị Bộ Tài chính, đặc biệt là Tổng cục Hải quan, tăng cường kiểm soát việc nhập khẩu bán thành phẩm đã qua sơ chế để sản xuất các mặt hàng gỗ đang bị áp thuế chống bán phá giá của Mỹ"-Chủ tịch Đỗ Xuân Lập nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem