Ông K’ha, dân tộc Cơ Ho (huyện Di Linh, Lâm Đồng) đã “thổi hồn” vào những gốc cà phê cổ thụ tưởng chừng chỉ làm củi đốt thành những sản phẩm có giá trị.
Ông K’ha - trưởng bản, thấy những gốc cà phê có hình dạng kỳ quái đã đem về tạo tác. Ông muốn làm ra sản phẩm để kiếm thêm thu nhập của bán thân và người dân ở bản.
“Tôi thấy những gốc cà phê cổ thụ có hình dạng nu lớn nếu làm củi đốt rất phí, tôi đã đi lấy và thu gom thêm của bà con trong bản. Hiện, những sản phẩm tôi làm ra bán cho thương lái có giátừ 300.000 – 500.000 đồng/sản phẩm. Còn họ bán ra bao nhiêu tôi cũng không biết”, ông K’ha cho biết.
Trưởng bản cho hay sau khi có thương lái ngoài Bắc vào hỏi mua với số lượng lớn, ông đã vận động người dân trong bản đi tìm về bán, ông là người thu mua. "Họ rất vui vì có thêm thu nhập từ cây cà phê, có người đi tìm cả đêm, sáng hôm sau mới đem đến bán", ông nói tiếp.
Theo lời trưởng bản, nhiều thế hệ dân làng Cơ Ho sống nhờ cây cà phê. Những cây cà phê tuổi đời 80-90 năm có gốc xù xì, u bướu chết khô thường hay làm củi đốt. Ông thấy điều đó rất lãng phí nên đã đem về tạo tác.
Những khối u sần sùi của cây cà phê chính là những họa tiết đắt giá mà những loại cây gỗ khác khó có được.
Ông K’ha tự nhận mình không phải là một nghệ nhân, ông làm theo ý thích, tạo tác theo hình thù gốc cây cà phê.
Để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn chế tác từ làm sạch, mài, phay, khoan, đục... Tất cả đều đòi hỏi tỉ mỉ và cẩn thận của người làm.
Dù không được đào tạo bài bản, những gốc cà phê cổ thụ qua bàn tay của ông trưởng bản đều trở nên đẹp bí ẩn.
Gốc cà phê nu được ông K'ha tạo tác thành hình một “cụ” rùa.
Tuyệt tác của tạo hóa đã tạo thêm thu nhập cho người dân sống ở vùng núi cao nguyên Lâm Đồng.
Hình ảnh con chim hay đại bàng sống ở vùng cao nguyên được ông K'ha điêu khắc một cách rất sinh động.
Ông Lê Mình (Lào Cai, Sa Pa), người mua những sản phẩm của ông K’ha cho biết, bản thân rất bất ngờ vì ông trưởng bản lại có thể tạo tác được những tác phẩm “có hồn” như vậy.
“Tôi muốn thu mua sản phẩm, tạo thêm thu nhập cho người dân tộc vì họ làm ra nhưng không biết bán đi đâu. Sản phẩm từ những gốc cà phê cổ thụ rất độc đáo bởi loại cây này có tuổi đời 80-90 năm rất ít”, ông Minh cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.