Góc khuất bóng chuyền Việt Nam (Kỳ 4): Tiền thưởng như lá mùa thu

Nguyễn Thịnh Thứ sáu, ngày 03/07/2020 19:10 PM (GMT+7)
Thể thao nói chung và bóng chuyền nói riêng muốn phát triển thì phải có tài chính, tài trợ đủ mạnh. Nhưng với bóng chuyền Việt Nam, trong 5 năm qua, “đời sống” của VĐV chưa được quan tâm thực sự.
Bình luận 0

Nhà báo Nguyễn Lưu từng nói: "Lương một cầu thủ bóng đá cũng bằng cả đội bóng chuyền". Tất nhiên mọi so sánh là khập khiễng, thế nhưng hàm ý của "Tàng kinh các" bóng chuyền Việt Nam đó là lương-thưởng dành cho VĐV bóng chuyền còn hạn chế quá.

Ở nhiệm kỳ trước, bóng chuyền Việt Nam đã từng có một người "trọn một chữ tâm với bóng chuyền": Ông Lê Minh Hồng.

Góc khuất bóng chuyền Việt Nam: Tiền thưởng như lá mùa thu - Ảnh 1.

Ông Lê Minh Hồng từng rất tâm huyết và hỗ trợ nhiều về tài chính cho bóng chuyền.

Ông Lê Minh Hồng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (năm 2006), được yêu quý bởi tính cách nhẹ nhàng, cởi mở và sẵn sàng gánh vác mọi việc. Riêng với bóng chuyền, ông thể hiện sự tận tâm mà đến ai cũng phải thừa nhận: Một con người đầy trách nhiệm.

Nhờ đam mê đặc biệt với bóng chuyền, ông Hồng được Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam gửi lời mời. Và đến tháng 12/2008, người con Quảng Bình chính thức nhận lời đảm nhiệm vai trò chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam.

Khi bắt đầu với cương vị mới, ông Lê Minh Hồng cũng tỏ rõ sự quyết tâm xen lẫn sự hào hứng. Ông muốn hết cái Tâm và cái tầm của mình ra cống hiến hết mình cho bóng chuyền Việt Nam.

Là một người ngoại đạo, nhưng ông luôn trăn trở phải làm sao đưa bóng chuyền Việt Nam phát triển ngang tầm với bạn bè quốc tế, bởi lực lượng bóng chuyền khi đó còn quá mỏng và yếu. Ông mong muốn phong trào bóng chuyền được lan rộng, tỏa khắp ở mọi sân chơi trên đất nước, muốn xây dựng một trung tâm đào đạo trẻ, giúp bóng chuyền Việt Nam có được một lực lượng VĐV đủ mạnh, thi đấu ngang tầm với những cường quốc thể thao khác.

Với phẩm chất của người quản lý, lại có tâm sáng và sự trợ lực mạnh mẽ về tài chính, ông Lê Minh Hồng xây dựng phong trào bóng chuyền, hỗ trợ rất nhiều cho bóng chuyền Việt Nam. Những nguồn tài trợ, từ nhỏ nhất đôi giày bộ quần áo, đến tìm chuyên gia giỏi, rồi cải thiện chế độ cho VĐV, ông Hồng đều theo sát.

Góc khuất bóng chuyền Việt Nam: Tiền thưởng như lá mùa thu - Ảnh 2.

Những khoản thưởng, tài trợ cho bóng chuyền giờ rất ít ỏi.

Thế nhưng những công sức của ông Hồng không được ghi nhận đúng nghĩa. Tất cả vì cách điều hành kém và ôm đồm quá nhiều việc của ông Tổng thư ký khi ấy. Ông Hồng thậm chí còn bị vạ lây khi bị lôi vào những chuyện không đáng có. Đến đầu năm 2015, ông Hồng quyết định từ chức.

Trong nhiệm kỳ sau này từ 2015-2019, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam chưa khi nào hết "dậy sóng". Tình hình tài chính của Liên đoàn gặp nhiều khó khăn. Đội tuyển luôn phải tập luyện trong điều kiện thiếu thốn, từ bóng cho đến các trang phục cơ bản như quần áo, giày, tất…

Thi đấu ngay trên sân nhà nhưng đội ngũ chăm sóc cho chính chúng ta lại rất thiếu thốn, càng khẳng định cho sự thiếu chuyên nghiệp của VFV. Với những gì nhận được, không qúa khó hiểu khi các VĐV đang dần "buông xuôi", không mặn mà khi được triệu tập lên tuyển. Thậm chí những hình thức kỷ luật hay biện pháp răn đe đều đã không còn tác dụng.

Lâu nay, có một thực tế là ông Lê Trí Trường (Tổng thư ký của VFV) bị chính những đồng nghiệp ở VFV cô lập, ít khi được giao nhiệm vụ quan trọng, định hướng hoặc quyết định những vấn đề liên quan đến công tác chuyên môn của các đội tuyển, của hệ thống giải đấu quốc gia, dù trên danh nghĩa ông được bầu để thực hiện những công việc này.

Lý do cũng dễ hiểu, vì ông Trường hay nói thẳng, nói thật nên đụng chạm đến "nhóm lợi ích" tồn tại lâu nay ở VFV, do ông cựu Tổng thư ký nhiệm kỳ trước kiểm soát.

Nội bộ VFV lục đục, các nhà Mạnh Thường Quân, những người có tâm huyết với bóng chuyền cũng không tha thiết. Khi ấy, những VĐV chịu thiệt thòi nhất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem