Thưa ông ông có thể nói về tiến độ triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng ở các địa phương?
- Hiện nay, hầu hết các địa phương trong cả nước đã và đang triển khai rà soát 7 nhóm đối tượng thụ hưởng. Một số địa phương đã thực hiện rà soát, thống kê danh sách và bước đầu hỗ trợ cho 3 nhóm đối tượng đầu (người có công; hộ nghèo, cận nghèo; người bảo trợ) như: Hải Phòng, Hà Nam và Hà Nội.
Riêng một số nhóm khá như lao động tự do, lao động mất việc không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, hay lao động có hợp đồng tạm ngưng việc... thì chưa thể triển khai. Điều này đang khiến cho tiến độ thực hiện bị chậm trễ.
Nguyên nhân của tình trạng chậm trễ trong khâu rà soát các nhóm đối tượng này là gì thưa ông?
- Thông tin từ Hội nghị trực tuyến Bộ LĐTBXH vừa triển khai cùng TƯ MTTQ Việt Nam và các địa phương cho thấy, các địa phương đang gặp một số vướng mắc trong quá trình rà soát, thống kê với một số nhóm như: Lao động tự do, lao động có hợp đồng nghỉ việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp... hoặc phát sinh các đối tượng mới trong nhóm nghèo, cận nghèo, người có công, người bảo trợ...
Đây cũng chính là khó khăn khiến cho tiến độ hỗ trợ chưa được nhanh. Tuy nhiên, sau buổi họp trực tuyến về cơ bản các địa phương đã nắm được tinh thần và nguyên tắc của việc việc triển khai, hỗ trợ.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Quân tham gia hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết số 42 và Nghị định số 15 chiều 27/4. (Ảnh: T.N)
Vậy nguyên tắc thực hiện hỗ trợ dành cho các nhóm là gì, thưa ông?
- Nghị quyết số 42 và Quyết định số 15 quy định nguyên tắc hỗ trợ cơ bản là: Chỉ những người bị ảnh hưởng sâu, thực sự khó khăn, có mức thu nhập thấp hơn mức chuẩn nghèo của địa phương hoặc quốc gia. Như vậy không phải ai thuộc 7 nhóm đối tượng trên đều được hưởng, chỉ những người thực sự gặp khó khăn mới được hưởng.
Thêm vào đó Quyết định 15 cũng quy định, nếu một cá nhân trùng 2 đối tượng, thì chỉ được hưởng một mức hỗ trợ cao nhất. Nếu cá nhân đó không muốn nhận hỗ trợ thì có thể gạch tên, hoặc đúng ra được nhận mức hỗ trợ cao nhưng nhường cho người khác và chỉ nhận mức hỗ trợ thấp, thì vẫn thực hiện theo nguyện vọng cá nhân đó.
Quá trình thực hiện đảm bảo sự công bằng, chính xác, kịp thời không để xảy ra sai phạm, khiếu kiện.
Tỉnh Hà Nam đã bắt đầu thực hiện hỗ trợ cho một số nhóm đối tượng như: Người có công; người nghèo cận nghèo; người bảo trợ. (Ảnh: N.T)
Ông có thể đề cập cụ thể hơn thông tin về các đối tượng được hưởng, điều kiện hưởng của các nhóm đối tượng được không?
- Như đã nói ở trên, dù đã có 7 nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 được nhận hỗ trợ, nhưng không phải nhóm nào cũng sẽ được hỗ trợ. Nguyên tắc chỉ những người thực sự khó khăn mới được nhận. Ví dụ, nhóm bảo trợ đang được chăm sóc, nuôi dưỡng trong trung tâm bảo trợ, nhà dưỡng lão, trại trẻ mồ côi... thì không được nhận hỗ trợ. Chỉ nhóm bảo trợ ngoài cộng đồng mới được hưởng.
Tương tự, nhóm người nghèo và cận nghèo được hỗ trợ sẽ được tính dựa trên danh sách điều tra và thống kê đến hết ngày 31/12/2019 (rà soát hộ nghèo hàng năm), nếu có khẩu mới phát sinh trong hộ nghèo như trẻ sơ sinh, quân nhân xuất ngũ... vẫn không được tính.
Với nhóm lao động tự do cũng vậy. Lao động tự do phải thực sự khó khăn, giảm sâu thu nhập dưới mức chuẩn nghèo. Đồng thời lao động cũng phải có tạm trú, thường trú. Với lao động cư trú cả hai nơi thì phải có giấy xác nhận là chưa thụ hưởng chính sách ở nơi còn lại thì mới nhận được hỗ trợ. Riêng với nhóm bán vé số thì việc hỗ trợ sẽ do Công ty xổ số kiến thiết chi trả, không dùng ngân sách chung từ gói 62.000 tỷ đồng.
Với nhóm doanh nghiệp, thì chỉ các doanh nghiệp thực sự khó khăn, chứng minh qua báo cáo tài chính. Doanh nghiệp phải chi trả được 50% mức lương tối thiểu vùng cho người lao động rồi mới được hỗ trợ vay vốn 50% còn lại để trả lương tiếp cho người lao động. Tiền sau khi được Ngân hàng Chính sách duyệt chi sẽ được chuyển thẳng vào tài khoản của người lao động trả lương để tránh sử dụng sai mục đích.
Với hộ kinh doanh cá thể thì điều kiện nhận hỗ trợ là: Hộ kinh doanh phải có khai báo kinh doanh, có báo cáo thu nhập với cơ quan thuế, thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm.
Thời gian tới Bộ LĐTBXH sẽ có phương án nào hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện đề án thưa ông?
- Chiều 27/4 Bộ LĐTBXH cùng với TƯMTTQ Việt Nam và các bộ ngành có liên quan cũng đã tổ chức hội nghị triển khai gói 62 nghìn tỷ. Nhiều thắc mắc của các địa phương đã được đưa ra để bàn bạc, tháo gỡ. Tuy nhiên, để đẩy nhanh việc thực hiện, tới đây Bộ LĐTBXH sẽ lập đường dây nóng và chuyên trang hỗ trợ an sinh, qua đó có một số các bảng hỏi - đáp mẫu để hướng dẫn thực hiện.
"Bộ LĐTBXH đã phối hợp với TƯMTTQ Việt Nam để đẩy mạnh quá trình giám sát thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Mục tiêu là vừa thực hiện, vừa giám sát nhằm góp phần giảm các sai phạm và khả năng trục lợi chính sách", Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Quân nhấn mạnh.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.