Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng: Không ai muốn làm khó dân

Thứ tư, ngày 12/06/2013 07:05 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội từ khi có hiệu lực triển khai trên thực tế (1.6) liên tục thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, bởi vẫn còn quá nhiều vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện.
Bình luận 0

Ngày 11.6, đại diện NHNN, Bộ Xây dựng, các ngân hàng và doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội đã cùng giải đáp nhằm tháo gỡ về mặt thủ tục, chính sách cho những vướng mắc này.

img
Với mức thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng, người có thu nhập thấp khó có thể vay gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội.

Điều kiện cần và đủ

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định: Những đối tượng có thu nhập thấp và có khó khăn về nhà ở sẽ nằm trong diện có điều kiện “cần” để được tiếp cận gói tín dụng này. “Tuy nhiên, nếu chỉ có vậy vẫn chưa đảm bảo sẽ được vay, mà cần thêm điều kiện “đủ”, đó là phải có hợp đồng mua nhà và phải được ngân hàng thẩm định có khả năng trả nợ” - ông Nam nhấn mạnh.

Câu trả lời của ông Nam phần nào làm rõ thêm những thắc mắc của rất nhiều khách hàng về đòi hỏi “vòng vo” giữa ngân hàng và doanh nghiệp thời gian qua (ngân hàng đòi có hợp đồng mới cho vay, còn doanh nghiệp đòi có tiền mới ký hợp đồng - PV). “Khách hàng buộc phải có hợp đồng trước, còn nếu không đủ điều kiện được vay vốn thì tùy nhu cầu họ vẫn có thể tiếp tục mua nhà hoặc không” - ông Nam nhấn mạnh thêm để làm rõ quy định.

Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN - ông Vũ Viết Mạnh đồng tình với lời giải thích của Thứ trưởng Bộ Xây dựng khi khẳng định thêm: “Không ai muốn làm khó người dân. Gói này không thể giải quyết cho tất cả các đối tượng thụ hưởng mà phải đủ điều kiện hoàn trả vốn cả gốc lẫn lãi mới được vay. Vì vậy, ngay khi thiết kế các điều kiện cho vay vốn, các ngân hàng phải đưa yếu tố thu hồi nợ lên hàng đầu để tránh nợ xấu sau này”.

Lo chỗ ở, không lo sở hữu nhà cho dân

Thắc mắc của dư luận về việc gói tín dụng không thực sự nhắm vào người thu nhập thấp, bởi trên thực tế với thu nhập chỉ 4-5 triệu đồng/tháng thì ngân hàng không chấp nhận cho vay. Giải thích về vấn đề này, ông Trần Xuân Hoàng cho rằng: “Vì mức thu nhập này không đủ để trả nợ”. Với mức vay 500 triệu đồng mà thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng thì hoàn toàn không khả thi. Bởi với thu nhập đó, ít nhất họ phải chi 3-4 triệu đồng/tháng cho sinh hoạt, 1-2 triệu đồng còn lại là quá ít để trả nợ hết trong 10 năm đối với khách vay là cá nhân.

Các dự án nhà ở xã hội được giải ngân trong đợt 1 bao gồm: Dự án nhà ở xã hội Đặng Xá; dự án nhà ở xã hội 143 Trần Phú, Hà Đông; dự án nhà ở xã hội Đồng Dâu (Vinh, Nghệ An); dự án nhà ở xã hội tại Đà Nẵng; dự án nhà ở xã hội CEO tại Quốc Oai, Hà Nội; dự án nhà ở xã hội tại Hưng Yên... Tổng số vốn đợt 1 dành cho các doanh nghiệp vay trong gói 30.000 tỷ đồng là 9.000 tỷ đồng.

Đồng tình với lời giải thích trên, ông Nguyễn Trần Nam làm rõ thêm: Tôi cho rằng với gia đình thu nhập quá thấp thì phải theo phương thức đi thuê, rồi tích lũy. “Nhà nước cố gắng lo chỗ ở cho người dân, chứ không cố gắng lo sở hữu nhà cho người dân. Việc này chúng ta phải giải quyết trong hàng chục năm, chứ không phải trong một vài năm” - ông Nam khẳng định.

Ông Nam cho biết thêm: “Chúng tôi đang dự thảo thí điểm một số dự án nhà cho thuê dưới hình thức cho thuê theo gói hợp đồng 6 năm hoặc 12 năm mà người thuê có thể cho thuê lại nhưng giá cả sẽ ổn định. Chúng ta đang cố gắng tìm nhiều cách khác nhau để có thể giải quyết từng bước nhu cầu về nhà ở cho người dân”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem