Grab, Uber tăng giá gấp 3 lần dịp Tết: Cần minh bạch?

Thứ sáu, ngày 23/02/2018 10:46 AM (GMT+7)
Ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng nếu Uber, Grab cứ tăng giá đột biến, cơ quan quản lý Nhà nước cần có động tác kiểm soát tại sao tăng như vậy, làm rõ các yếu tố cấu thành giá.
Bình luận 0

Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, giá cước Uber, Grab tăng vọt khiến nhiều người tiêu dùng bức xúc. Trên các trang mạng xã hội không khó để tìm thấy những lời than thở của khách hàng khi phải trả mức giá cao gấp 2-3 ngày thường. Không hiếm những cuốc xe trong cùng thành phố nhưng có giá cả triệu đồng.

img

Một khách hàng bức xúc vì giá cước Uber quá cao so với ngày thường. Ảnh chụp màn hình.

Nhiều người đặt câu hỏi tại sao lại có chuyện Uber, Grab tăng giá cao như vậy và đề nghị cần có công cụ quản lý giá, áp giá trần. Một số khác thì kêu gọi cần kiểm tra, xử lý chuyện Uber, Grab tăng giá bất chấp trong những ngày vừa qua.

Trả lời PV, Grab lần đầu đã đưa ra giải thích về việc tăng giá những ngày Tết Nguyên đán vừa qua. Hãng này cho biết việc giá cước có thể thay đổi trong ngày là do nhu cầu tăng cao của khách hàng, giá tăng phụ thuộc vào khu vực, thời điểm nhất định.

Hãng cũng nhấn mạnh giá cước của từng dịch vụ đều đã được hiển thị rõ ngay trên ứng dụng. Qua đó khách hàng có thể so sánh và lựa chọn dịch vụ phù hợp nhất với túi tiền, nhu cầu di chuyển của mình.

'Dịp Tết, tôi chỉ đi taxi, không dùng Grab, Uber'

Tuy nhiên, nhiều khách hàng không cảm thấy thỏa mãn với những lời giải thích kiểu "truyền thống" là "nhu cầu cao" mà Uber, Grab thường đưa ra.

img

Anh Hồng Đức (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) kể lại câu chuyện anh có một người bạn ở nước ngoài về, do không thạo đường nên sử dụng dịch vụ của Uber đi quãng đường khoảng 10 km. Ngày thường, giá cước cho cuốc này chỉ dưới 100.000 đồng nhưng vào ngày mùng 2 Tết, chuyến đi được định giá 650.000 đồng, tăng khoảng 6 lần. 

Theo anh Đức, ngày Tết, nhu cầu của khách hàng không quá cao so với ngày thường do người ngoại tỉnh đã về quê ăn Tết. Lý do chính để Uber, Grab tăng giá có thể là thiếu tài xế.

Khách hàng này nêu quan điểm Uber, Grab đang đổ lỗi cho hành khách có nhu cầu cao để ép giá khách hàng lên tới 3-4 lần so với ngày thường.

"Họ đang gặp vấn đề với tài xế và gần như bất lực với việc không có người cung cấp dịch vụ. Việc tăng giá đã phản ánh nhược điểm chết người này của Grab và Uber”, anh Đức nói. 

Đồng tình, chị Khánh Linh (quận Cầu Giấy, Hà Nội), cũng cho rằng việc tăng giá tới 3-4 lần và giải thích là do nhu cầu cao là không thuyết phục. Theo chị Linh, tuy khách hàng có quyền quyết định lựa chọn đi hay không nhưng chuyện tăng giá 3-4 lần với một dịch vụ vận tải là vô lý.

Theo khách hàng này, dịp Tết, các loại phương tiện, vận tải khác đều chuẩn bị và tăng cường cho dịp cao điểm như Tết, giá có tăng cũng chỉ khoảng 20-30% so với ngày thường. 

“Uber và Grab không có cơ chế gì để tăng cường xe phục vụ khách. Tôi cho rằng họ tăng giá cao để ép khách hàng có đi hay không, thậm chí là từ chối khách hàng bằng giá cao. Đó là điều không thể chấp nhận được”, chị Linh nói.

Chị Linh cũng cho biết sẽ tẩy chay loại hình phương tiện này vì đã tin tưởng vào tính ưu việt của công nghệ mà quên đi rất nhiều nhược điểm kèm theo đó.

Chị Lan (Cầu Giấy) cho biết là khách hàng thường xuyên của Grab, Uber, nhưng ngày lễ tết, chị chuyển qua gọi taxi. "Các hãng bây giờ cũng có app, gọi xe cũng tiện lợi, trong khi giá không đổi. Mình thích thì lì xì đầu năm cho tài xế. Còn Grab, Uber tăng giá chóng mặt, gọi xe khó khăn, nhiều lần cuốc xe của tôi gặp tài xế cách đó 10-12 phút", chị nói.

Tăng giá đột biến, hãng cần giải thích yếu tố hình thành giá

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), hiện tại Nhà nước không quản lý giá trần, giá sàn của loại hình dịch vụ như Uber, Grab. Giá là do doanh nghiệp quyết định căn cứ vào tình hình thị trường.

img

Tuy nhiên, ông Thỏa nhấn mạnh nếu Uber, Grab cứ tăng giá đột biến, cơ quan quản lý Nhà nước cần có động tác kiểm soát tại sao tăng như vậy.

“Nếu tăng giá bất hợp lý có thể xử lý theo quy định của pháp luật giá và có biện pháp chấn chỉnh. Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan có thể kiểm tra, rà soát việc này”, ông Thỏa nói.

Trao đổi thêm, ông Thỏa cho biết Uber, Grab cũng đã tăng giá từ lâu vào giờ cao điểm và thường tăng giá gấp đôi bình thường. Uber, Grab là loại hình kinh doanh vận tải theo hình thức hợp đồng, không giống taxi truyền thống nên cũng không thể yêu cầu kê khai khi tăng giá. Tuy nhiên, tất cả phương tiện vận tải đều có thể kiểm soát theo pháp luật về giá.

Ông Thỏa dẫn lại Luật Giá và Nghị định 177 năm 2013 hướng dẫn Luật Giá đều có quy định rất rõ về việc kiểm tra yếu tố hình thành giá. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý có thể yêu cầu doanh nghiệp giải thích các yếu tố hình thành giá.

Còn ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, lại cho rằng Grab, Uber không có gì sai và vấn đề nằm ở chính khách hàng vì mỗi cuốc đi của hãng đều hiển thị giá trước. Còn quyết định đi hay không, theo ông, lại ở khách hàng. 

“Chúng ta không thể bắt Uber, Grab theo giá này giá kia. Uber Grab cũng không bắt khách hàng phải đi. Nếu thấy cao quá chúng ta hoàn toàn có thể tẩy chay, có thể sử dụng taxi truyền thống. Cũng như ra chợ mà bị nói thách, chúng ta có thể không mua”, ông nói.

Về việc áp dụng cơ chế giá trần, ông Thanh cho rằng không nên. Theo ông, hiện nay, Nhà nước không quy định giá cước vận tải mà hoàn toàn do thị trường và bản thân doanh nghiệp.

Nhà nước đang cởi trói cho hoạt động kinh doanh mà lại áp giá trần, theo ông, sẽ có thể gây khó dễ cho doanh nghiệp. Giá trần hiện giờ chỉ được áp dụng cho một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu, ảnh hưởng an sinh xã hội.

"Tốt nhất hãy để cho khách hàng là người quyết định", lãnh đạo Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, bày tỏ. 

Hiếu Công (Zing.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem