GS Trần Văn Khê: Lời hát ru thắm vào tim tôi

Thứ ba, ngày 01/05/2012 18:49 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Thuở nhỏ, tôi rất thích đi từ nhà đến chợ cá làng Vĩnh Kim, dọc theo con sông Sầm chảy từ chợ Giữa đến Rạch Gầm, vì trong nhiều nhà vọng ra tiếng bà ru cháu, mẹ ru con, chị ru em. Lời hát ru đã thắm vào tim tôi từ dạo ấy”- GS Trần Văn Khê chia sẻ.
Bình luận 0

Thưa Giáo sư Trần Văn Khê, là người cả đời lo lắng cho sự tồn vong của âm nhạc dân tộc, thường xuyên đề cập đến việc phải khôi phục những làn điệu hát ru, xin ông giải thích rõ hơn về những suy nghĩ và mong muốn này?

- Đã rất nhiều lần tôi lên tiếng về vấn đề này, rằng muốn cho âm nhạc truyền thống của người VN được khôi phục, được trường tồn thì bước đầu tiên là chúng ta phải làm sống lại tiếng hát ru để cho trẻ sơ sinh có được bài giáo dục âm nhạc đầu tiên trong cuộc đời.

img
 

Trong thế hệ của chúng tôi, nét nhạc đầu tiên đến với mỗi người từ lúc mở mắt chào đời là qua tiếng hát ru. Cùng một lúc với dòng sữa ấm của mẹ truyền sang cơ thể của em bé, những câu thơ dân gian, hay điệu nhạc dân tộc được rót vào tiềm thức của em bé.

Bài "giáo dục âm nhạc" đầu tiên đó được ghi vào bộ nhớ của đứa trẻ để khi khôn lớn nên người, tình thương mẹ sẽ gắn liền với tình yêu thi ca âm nhạc dân gian. Những chàng trai, cô gái lớn lên, chưa đi học ở trường nhạc bao giờ, nhưng nhờ có tiếng hát ru của người mẹ, đã có thể hát rất hay những câu hò, điệu lý của quê hương mình.

Liệu đó có phải là một trải nghiệm mà Giáo sư rút ra từ bản thân? Chắc hẳn khi tuổi nhỏ, ông cũng thường xuyên được nghe mẹ hát ru?

- Khi má mang thai tôi, cậu Năm tôi- ông Nguyễn Tri Khương là người chú ý đến việc chăm sóc thai nhi khi đề nghị cho má được về nhà ngoại sống vì ở gần nhà ông bà nội tôi có lò mổ heo, tiếng heo kêu thét lúc bị chọc tiết sẽ không tốt cho tôi... Tôi còn được biết chính cậu Năm là người thổi sáo cho mẹ tôi nghe khi mang thai như là một cách để giáo thai bằng âm nhạc.

Tôi mồ côi cha mẹ tử thuở lên mười, thèm nghe tiếng ru em như thèm bàn tay ấm vuốt ve của mẹ. Lúc nhỏ, khi còn ở làng Vĩnh Kim (trước thuộc Mỹ Tho, nay là Tiền Giang), tôi thường đi bộ đến nhà một người chị trong làng mua cốm để được nghe giọng ru cháu của chị, ngọt ngào, êm ái, rót vào tai đứa bé. Lời ru của chị cũng lọt vào tai, thắm vào tim tôi. Tình yêu âm nhạc dân tộc trong tôi chắc chắn cũng bắt nguồn từ những lời hát ru ấy.

Có một thực tế là những lời hát ru ngày nay đang vắng bóng dần trên khắp đất nước, liệu đó có phải là một điều tất yếu trong xã hội hiện đại hay còn vì lý do nào khác?

- Đó là điều đáng buồn, đáng tiếc. Dường như tiếng hát ru đã tắt trên môi các bà mẹ, tiếng ru em nhường chỗ cho giọng ca tân nhạc, tiếng đàn organ tấu nhạc nước ngoài làm náo động không gian yên tĩnh của mỗi gia đình. Tiếc thay!

Cuộc sống ngày nay có bận rộn hơn xưa, người mẹ thường phải đi làm, gửi con nhà trẻ, có bao nhiêu bài ca, bản nhạc từ đài phát ra đã gieo tiết tấu kích động vào tiềm thức non nớt của trẻ thơ. Nhưng cái căn cốt nhất không phải từ cuộc sống hiện đại mà là sự tự ti, coi thường âm nhạc dân tộc của người Việt mình.

Giáo sư có thể nói kỹ hơn điều này?

- Nếu nói rằng do nhịp sống hiện đại ở VN khiến hát ru bị triệt tiêu thì không phải, bởi so với cuộc sống các nước Âu, Mỹ, chúng ta chưa bằng họ, nhưng tôi vẫn còn bắt gặp được tiếng mẹ ru con tại Honolulu (Hawaii, Hoa Kỳ) hay Toronto (Canada).

Khi tôi đến Hà Lan để giới thiệu âm nhạc truyền thống VN cho các bạn Việt kiều bên ấy, tôi đã gặp được một gia đình VN, hai vợ chồng còn trẻ đều đi làm, vậy mà người vợ vẫn còn thì giờ dỗ con ngủ bằng những câu hát ru VN. Ấy là do tình yêu với điệu hát ru, với âm nhạc truyền thống của dân tộc trong những bạn trẻ đó đã chiến thắng tất cả. Còn ngày nay, nhiều khi các bà mẹ trẻ lại cho rằng, hát ru con là... lạc hậu, là phiền toái, nhiều người còn không biết ru con ra sao nên cũng thôi luôn, không tìm hiểu học hỏi.

Nhà thơ Nguyễn Duy trong bài "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa" đã nhắc đến việc hát ru góp phần đào tạo ra bản sắc của người Việt Nam: “Mẹ ru cái lẽ ở đời/Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn...”.

Vậy theo Giáo sư, chúng ta phải làm thế nào để khôi phục lại những lời hát ru trên môi những bà mẹ trẻ?

- Không còn cách nào khác ngoài việc tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể, ở các nhà văn hóa, các câu lạc bộ thanh niên phải có những buổi nói chuyện để các nữ thanh niên hiểu hơn về tác dụng của hát ru với tâm hồn non nớt của trẻ thơ. Năm 1989, tại TP. HCM đã có được Liên hoan Hát ru đầu tiên do Viện Nghiên cứu Âm nhạc và Múa cùng với Sở VHTTDL, Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức. Theo tôi, ngành văn hóa cần phải có nhiều cuộc liên hoan như thế, trong các nhà trẻ, cần phải có chương trình cho trẻ em nghe hát ru qua các băng đĩa để nuôi dưỡng tâm hồn các cháu nhỏ.

Xin cảm ơn Giáo sư!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem