Hà Giang - mùa đá nở hoa

Thanh Thảo Thứ năm, ngày 24/10/2019 09:30 AM (GMT+7)
Phát huy lợi thế du lịch, Hà Giang phấn đấu đưa ngành “công nghiệp không khói” này trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, đồng thời bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc vùng cao nguyên đá.
Bình luận 0

Du lịch nông thôn đang là động lực thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới  ở Hà Giang,  không chỉ góp phần vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang dịch vụ, mở rộng đầu ra của sản phẩm mà còn bảo tồn được các giá trị văn hóa của bà con dân tộc nơi đây.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang từ năm 2010 đến nay, lượng khách quốc tế đến với Hà Giang đã tăng gấp 6 lần và khách nội địa tăng 4 lần, tổng doanh thu từ du lịch tăng từ 208,9 tỷ đồng (năm 2016) lên gần 1.150 tỷ đồng (năm 2018). Đến nay trong tổng thu nhập của các hộ làm dịch vụ tại các làng văn hóa trung bình đạt từ 30 – 50 triệu đồng/năm.

Trong bối cảnh là địa phương với đa phần là bà con dân tộc thiểu số sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa chủ yếu làm nông nghiệp thì với những con số trên có thể nói Hà Giang có tiềm năng phát triển kinh tế từ du lịch nông thôn rất lớn.

img

 Hà Giang đẹp mê hồn mùa hoa tam giác mạch. Ảnh: I.T

Là một trong những hộ gia đình tham gia làm dịch vụ homestay, anh Sình Gỉ Gai (thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn) chia sẻ: "Khi chưa tham gia chương trình này, thu nhập của gia đình rất thấp, điều kiện kinh tế khó khăn. Nhưng từ cuối 2015 tôi được địa phương cho đi học về hướng dẫn, quản lý du lịch và được Đại sứ quán Luxembourg tài trợ thiết bị sinh hoạt... nhờ vậy lượng du khách đến với gia đình ngày một đông hơn, thu nhập ổn định, đạt trên 40 triệu đồng/năm - cao hơn rất nhiều so với trước đây trồng lúa, ngô”.

Đặc biệt, từ khi mô hình du lịch cộng động phát triển, lượng khách đến với bản ngày một tăng, cũng nhờ đó mà các sản phẩm nông nghiệp bà con sản xuất ra được tiêu thụ dễ dàng hơn, có khi khách vào tận nhà mua,  nên kinh tế của các hộ gia đình trong thôn giờ đã phát triển hơn rất nhiều so với trước đây, đời sống của ngày càng được nâng cao, no ấm hơn – anh Gai vui vẻ cho biết thêm.

Nhận thấy được tiềm năng, thế mạnh của mô hình du lịch cộng đồng đang là một trong những hướng đi đúng, mang lại hiệu quả để phát triển kinh tế của địa phương, Hà Giang đã và đang tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ. Theo đó, được sự tuyên truyền vận động của các cấp chính quyền, bà con nhân dân đã tự chỉnh trang nhà cửa, bản làng của mình để làm du lịch. Công tác bảo vệ Môi trường đã được cấp ủy chính quyền các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm.  Đồng thời UBND tỉnh cũng từng bước xây dựng các điểm du lịch xanh (homestay), Lễ hội  hoa tam giác mạch, điểm du lịch cột cờ Lũng Cú... để thu hút  du khách du lịch.

img

 Mỗi năm thôn Nặm Đăm, huyện Quản Bạ đón 5.380 lượt khách, trong đó khách du lịch nước ngoài chiếm tỷ lệ cao. 

Để quản lý và phát triển du lịch đúng hướng, các huyện, xã đã thành lập và duy trì hoạt động của Ban Quản lý du lịch cộng đồng, câu lạc bộ Homestay, nhìn chung các hộ gia đình đã cố gắng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau phát triển, 100% các hộ gia đình tham gia mô hình đã làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, giữ gìn được kiến trúc, phong tục.

Nhờ làm tốt công tác nâng cao dịch vụ, nên tại diễn đàn du lịch Đông Nam  Á (ATF) 2017 tại Singapo, Tổng thư ký ASENA và bộ trưởng du lịch các nước thành viên đã đánh giá và quyết định cấp chứng nhận nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê đạt tiêu chuẩn ASEAN cho 5 nhóm cộng đồng của Việt Nam, trong đó có cộng đồng Dao của thôn Nặm Đăm (xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ), đây là dấu ấn có sức lan tỏa cho du lịch cộng đồng của địa phương.

Chia sẻ về kinh nghiệm làm du lịch tại thôn Nặm Đăm, ông Sèn Thăng Long – Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ cho biết: Qua quá trình thực hiện chương trình, địa phương và nhân dân đã lồng ghép các chương trình, huy động được hàng chục tỷ đồng để phát triển du lịch, dịch vụ trong thôn.  Đến nay, các hộ gia đình trong thôn đã đạt tiêu chuẩn để phục vụ khách du lịch với quy mô hơn 100 khách/ngày/đêm . Số khách đến thăm quan, nghỉ dưỡng tại địa phương tăng đều hàng năm.

Theo ông Long: Để xây dựng thành công mô hình du lịch cộng đồng thì trước hết môi trường phải trong sạch, khuôn viên bản phải gọn gàng. Đây cũng là điểm nhấn để huyện hướng tới phát triển du lịch cộng đồng, thu hút du khách đến thăm quan tìm hiểu.

Bên cạnh, việc giữ gìn môi trường, các mô hình phát triển du lịch cộng đồng Hà Giang còn tổ chức các buổi giao lưu, biểu diễn văn hóa nghệ thuật để thu hút du khách đồng thời cũng nhằm quảng  bá những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc nơi đây tới đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Những sản phẩm tiểu thủ công nghiệp của bà con cũng là một trong những điểm thu hút khách du lịch. Khi tới bản khách du lịch có thể hoàn toàn được trải nghiệm cuộc sống của bà con, tự tay làm các sản phẩm và có thể mua những sản phẩm thủ công này về làm quà.

Khung cảnh bản làng xanh – sạch – đẹp, với nhiều  ngôi nhà mang đậm nét kiến trúc của đồng bào các dân tộc là điểm nhấn để thu hút du khách. Đây là kết quả sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Giang trong việc xây dựng Nông thôn mới với phát triển du lịch nông thôn, qua đó góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem