dd/mm/yyyy

Hà Giang quyết tâm nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 30% năm 2021

Trong bối cảnh đại dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp và điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh Hà Giang vẫn quyết tâm đưa 8 xã về đích NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên 53 xã.

Đây là sự nỗ lực rất lớn, thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị nhằm viết tiếp thành công của quá trình chung sức, đồng lòng xây dựng NTM của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Hà Giang.

Theo đó, Hà Giang sẽ đưa 8 xã nằm trong lộ trình đạt chuẩn NTM năm 2021 gồm: Yên Thành, Tân Nam (Quang Bình); Vô Điếm, Liên Hiệp, Việt Hồng, Đồng Tâm (Bắc Quang); Thanh Thủy (Vị Xuyên); Nậm Dịch (Hoàng Su Phì).

Hà Giang quyết tâm nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 30% năm 2021 - Ảnh 1.

Hà Giang hoàn thiện đường giao thông nông thôn.

Ngoài ra, tỉnh Hà Giang cũng phấn đấu 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 45 thôn đạt chuẩn thôn NTM; toàn tỉnh tăng 154 tiêu chí, bình quân đạt 14,4 tiêu chí/xã; duy trì và nâng cao chất lượng tại các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM.

Hiện thực hoá mục tiêu trên, UBND tỉnh Hà Giang đã đề ra nhiều giải pháp triển khai, phù hợp với tình hình thực tế như: Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, phát huy cao sự tham gia tích cực, chủ động của nhân dân; phổ biến và nhân rộng cách làm hay, các mô hình hiệu quả; phát động và duy trì các phong trào thi đua hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM tại cơ sở.

Bên cạnh đó, Hà Giang còn tiếp tục thực hiện nghiêm túc nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch; tăng cường sự tham gia của người dân trong suốt quá trình xây dựng và thực hiện chương trình; thực hiện hiệu quả việc lồng ghép chính sách phát triển KT-XH với tiêu chí của các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đồng thời, tăng cường phân cấp, phân quyền cho các huyện, xã; bố trí, sử dụng hợp lý các nguồn lực, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, gây thất thoát, lãng phí; huy động đóng góp tự nguyện của nhân dân.

Ông Đỗ Tấn Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Giang chia sẻ: Với quan điểm xuyên suốt trong quá trình triển khai: "Dễ làm trước, khó làm sau; cần ít tiền làm trước, cần nhiều tiền làm sau" nên sau 10 năm (2010 - 2020), bộ mặt nông thôn Hà Giang đã có nhiều thay đổi, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể; hơn 5.900 km đường giao thông nông thôn toàn tỉnh đã nâng cấp và làm mới, hiện 100% số xã có đường ô tô, 100% thôn, bản có đường dân sinh đến trung tâm.

Đặc biệt Hà Giang luôn chú trọng nguyên tắc "Dân cần, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng" trong quản lý và sử dụng nguồn lực gắn với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Vì vậy đến nay chương trình NTM đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của nhân dân trong tỉnh. Đã có hơn 3 triệu m2 đất và gần 2,9 triệu ngày công được nhân dân hiến tặng, đóng góp – ông Sơn cho biết thêm.

Kết thúc giai đoạn 2 của chương trình MTQG xây dựng NTM, tổng số xã đạt chuẩn NTM của tỉnh Hà Giang là 45; số tiêu chí đã đạt của toàn tỉnh là 2.359 tiêu chí, tăng 182; bình quân toàn tỉnh đạt 13,5 tiêu chí/xã.

Hà Giang quyết tâm nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 30% năm 2021 - Ảnh 2.

Toàn tỉnh Hà Giang đã thực hiện được trên 2.400 mô hình phát triển sản xuất, 10 chuỗi giá trị, xuất hiện hiện nhiều tập thể, cá nhân, hộ dân, doanh nghiệp, HTX điển hình tiên tiến. Đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Từ những thành công trên, năm 2021 tỉnh Hà Giang tiếp tục phấn đấu có thêm 8 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã trên địa bàn toàn tỉnh lên 53. Nguồn kinh phí dự kiện bố trí 491.463 triệu đồng; trong đó, ngân sách Nhà nước 453.837 triệu đồng; ngân sách huyện, xã và xã hội hoá 37.626 triệu đồng.

Cũng theo ông Sơn, để đạt được kế hoạch đề ra, tỉnh Hà Giang đã phân công các ban ngành chuyên môn phụ trách hỗ trợ từng xã. 

Trong quý 1/2021, tỉnh đã lập các đoàn công tác liên ngành làm việc với các xã để rà soát lại các tiêu chí, lắng nghe tâm tư nguyện vọng và các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Từ đó điều chỉnh cơ chế, chính sách cho phù hợp với từng địa phương.

Chia sẻ về quá trình thực hiện xây dựng NTM, ông Sơn cho biết, khó khăn lớn nhất của Hà Giang là vấn đề giao thông. Nhưng nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền nên mới chỉ trong quý 1/2021, các xã đã cơ bản hoàn thành xong mặt bằng chuẩn bị cho việc triển khai bê tông hóa giao thông nông thôn. Nhiều nơi, người dân đã tự tổ chức đóng góp kinh phí thuê phương tiện về để giải phóng mặt bằng điển hình như xã Vô Điếm (huyện Bắc Quang), xã Nậm Dịch (huyện Hoàng Su Phì)…

Với sự quyết tâm, nỗ lực của các ban ngành cùng nhân dân trong toàn tỉnh, chúng tôi tin tưởng Hà Giang sẽ sớm hoàn thành mục tiêu đề ra góp phần nâng cao đời sống cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi địa đầu tổ quốc - ông Sơn cho hay.

Trang Thảo