dd/mm/yyyy

Hà Giang: Triển khai mạnh mẽ nhiều giải pháp nhằm nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững

Phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn… Đó là một trong nội dung quan trọng trong kế hoạch thực hiện xây dựng NTM tỉnh Hà Giang thời gian tới.

Tập trung triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)

Theo kế hoạch triển khai chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025, Hà Giang đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ có trên 51% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 10 về thu nhập; 100% số xã đạt chuẩn tiêu chí về lao động; 97,7% số xã đạt chuẩn tiêu về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM.

Hà Giang: Triển khai mạnh mẽ nhiều giải pháp nhằm nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững - Ảnh 1.

Khu du lịch H’mong Village (Tráng Kìm, xã Đông Hà, huyện Quản Bạ) kết hợp hoàn hảo các vật liệu tự nhiên mang đến một không gian gợi nhớ những dấu ấn xa xưa mà vẫn mang hơi thở đương đại

Có 50% số xã đạt chuẩn tiêu chí về thu nhập, 50% số xã đạt tiêu chí về Lao động, 50% số xã đạt tiêu chí về Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao.

Đặc biệt, có ít nhất 30% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn tiêu chí số 6 về Kinh tế thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM.

Để đạt được mục tiêu, Hà Giang đã đề ra các nội dung cần làm. Trong đó tập trung triển khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái...

Triển khai các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu chuẩn chất lượng, mã vùng nguyên liệu; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Đặc biệt Hà Giang trú trọng triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với lợi thế sẵn có của địa phương; bảo tồn, phát triển nghề truyền thống, làng nghề.

Ông Hoàng Gia Long, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu địa phương, đã được tỉnh Hà Giang bắt đầu triển khai thí điểm từ năm 2018 trên địa bàn huyện Quản Bạ với một số sản phẩm như dược liệu, mật ong, chè…

Hà Giang: Triển khai mạnh mẽ nhiều giải pháp nhằm nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững - Ảnh 2.

Du khách trải nghiệm thêu trang phục dân tộc Lô Lô tại Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn), Ảnh: TRẦN KẾ

Đến nay, các sản phẩm đã được mở rộng, phát triển bền vững, xác định được hướng đi phù hợp làm cơ sở để triển khai mở rộng thêm các sản phẩm chủ lực, truyền thống có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh trong toàn tỉnh.

Giai đoạn 2019 - 2021, Hà Giang đã công nhận 233 sản phẩm của 105 chủ thể đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao. Trong đó, có 2 sản phẩm là Trà xanh, Hồng trà được đánh giá công nhận đạt 5 sao cấp Quốc gia.

Cũng theo ông Long, để giúp các chủ thể đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng sản phẩm Hà Giang đã hỗ trợ trên 30 tỷ đồng đầu tư máy móc, trang thiết bị.

"Giai đoạn 2021 - 2025, Hà Giang tiếp tục định hướng, hỗ trợ người dân phát triển các loại cây, con để trở thành hàng hóa gắn các điểm du lịch cộng đồng như: Chè Shan tuyết, dược liệu, dệt thổ cẩm; hoàn thiện và phát triển các làng du lịch cộng đồng trên địa bàn. Từ đó đã góp phần thay đổi diện mạo NTM của tỉnh" ông Long cho biết thêm.

Tiếp tục phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM

Chương trình "Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025" được Hà Giang xác định là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển kinh tế nông thôn.

Việc phát triển các loại hình du lịch cộng đồng tại vùng dân tộc thiểu số không những giúp Hà Giang bảo tồn các nét văn hóa và các làng nghề truyền thống của đồng bào, mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương khi bán các sản phẩm làng nghề.

Hà Giang: Triển khai mạnh mẽ nhiều giải pháp nhằm nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững - Ảnh 3.

Phát triển du lịch sinh thái, nâng cao thu nhập cho người dân luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Giang đặc biệt quan tâm.

Có thể thấy, tiềm năng phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng của Hà Giang còn rất lớn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hàng chục điểm du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng tiêu biểu như: Thôn Tha, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang); thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ); thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn); thôn Khiềm, xã Quang Minh (Bắc Quang); thôn Nà Ràng, xã Khuôn Lùng (Xín Mần)...

Theo đó, Hà Giang cũng công nhận các tuyến du lịch có kết nối các sản phẩm du lịch cộng đồng, như: Tuyến du lịch vòng cung phía Tây Hà Giang đi Cao nguyên đá Đồng Văn đến lòng hồ Bắc Mê; tuyến du lịch kết nối 4 huyện Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; tuyến du lịch tâm linh lịch sử "Thăm chiến trường xưa"...

Bí thư Đảng ủy xã Hồ Thầu, Phượng Chàn Nu cho biết: Được thiên nhiên ban tặng cảnh quan tươi đẹp cùng với lợi thế nằm trên cung đường khám phá đỉnh núi Chiêu Lầu Thi, cấp ủy, chính quyền xã xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Hiện nay, xã Hồ Thầu đang đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các gia đình nhân rộng loại hình du lịch cộng đồng; tích cực chỉnh trang, vệ sinh đường làng, ngõ xóm sạch đẹp. Chú trọng gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc gắn với đẩy mạnh tổ chức các hoạt động trình diễn lễ hội như Lễ cúng Bàn Vương, Lễ Cấp sắc, Nhảy lửa…tạo điểm nhấn thu hút du khách.

Hà Giang: Triển khai mạnh mẽ nhiều giải pháp nhằm nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững - Ảnh 4.

Khu du lịch Khuổi Xíu Homestay (thôn Cầu Ham, TT Việt Quang, Bắc Quang) vừa được công nhận là điểm du lịch sinh thái của Hà Giang

Bên cạnh đó, Hồ Thầu cũng đẩy mạnh việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch như sản phẩm thêu dệt thổ cẩm, dược liệu, thịt gác bếp, chè Shan tuyết, các nông sản của địa phương để phục vụ khách du lịch.

"Sau khi được đưa vào hoạt động, khai thác, điểm du lịch đã góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương, gìn giữ và bảo tồn nét văn hóa truyền thống bản địa, phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên". Ông Nu cho hay.

Các điểm du lịch nông thôn, cộng đồng sau khi được đầu tư và đi vào hoạt động cơ bản khai thác hiệu quả, thu hút được lượng khách lớn; hàng chục nghìn lượt khách mỗi năm. Thu nhập bình quân của các hộ làm dịch vụ, du lịch tại các làng văn hóa đạt từ 50 - 200 triệu đồng. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo.

PV