Hà Nam: “Kéo” công nghiệp về làng

Thứ tư, ngày 29/05/2013 09:54 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bằng cách xây dựng cụm công nghiệp để thu hút các doanh nghiệp về đứng trên địa bàn, một số địa phương của Hà Nam đã giải quyết được bài toán chuyển đổi cơ cấu lao động, tăng thu nhập cho người nông dân, mà người dân vẫn không phải “ly hương”.
Bình luận 0

Một xã có... 27 doanh nghiệp

Thi Sơn - xã điểm nông thôn mới (NTM) của huyện Kim Bảng vốn là một xã thuần nông. Để giải quyết bài toán các tiêu chí về cơ cấu lao động, thu nhập, xã này đã chú trọng việc thu hút doanh nghiệp về nông thôn.

img
Mô hình trồng nấm đã tạo ra công ăn việc làm cho hàng trăm lao động ở xã Thi Sơn.

Ông Đinh Văn Hào – Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Thi Sơn cho biết, xã có 2.477 hộ/9.326 nhân khẩu với khoảng 575ha đất nông nghiệp. Năm 2010, khi được tỉnh chọn làm xã điểm, lãnh đạo xã xác định đây là cơ hội để xã “làm mới” mình. Ban Chỉ đạo đã tích cực rà soát các tiêu chí, đồng thời lập quy hoạch, hoạch định bước tiến của xã, trong đó đặc biệt chú ý đến phát triển sản xuất, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và nghề mới.

Đặc biệt, xã đã quy hoạch cụm tiểu thủ công nghiệp với diện tích hơn 30ha, đang thu hút 27 doanh nghiệp, tạo việc việc làm cho hơn 300 lao động. Ngoài ra xã cũng đang ưu tiên phát triển các nghề như hàn, mộc… là những nghề truyền thống của địa phương, thu hút hàng trăm lao động. Hiện xã có hơn 90% số lao động có việc làm thường xuyên, trong đó lao động trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm 47%, thương mại – dịch vụ 33,5%, nông nghiệp 19,5% và lĩnh vực khác 7,6%.

Trong 3 năm, tổng kinh phí của 5 xã đầu tư cho xây dựng NTM là 273,125 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách tỉnh trên 95 tỷ đồng, ngân sách xã 95 tỷ và vốn nhân dân đóng góp là trên 67 tỷ đồng.

Anh Nguyễn Văn Trung - công nhân làm việc cho một công ty mộc ở đây nói: “Khi chưa có các doanh nghiệp về, chúng tôi chủ yếu làm nông nghiệp, nhưng thu nhập chẳng được bao nhiêu. Tôi cũng từng vào Nam làm công nhân, nhưng đi xa tốn kém nhiều khoản như thuê nhà, đi lại... lắm. Kể từ khi về làm công nhân ở gần nhà, cuộc sống của tôi ổn định hơn hẳn với mức lương thu nhập 3-4 triệu đồng/tháng”.

Chú trọng biến đổi “chất”

Để chuyển đổi về “chất” cho các lao động nông nghiệp sang làm phi nông nghiệp, Thi Sơn đã giao trực tiếp cho Đoàn thanh niên tiếp cận, nắm bắt nguyện vọng và vận động để thanh niên tham gia học nghề. Ông Hảo cho biết: “Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, xã sẽ mở 4 lớp dạy nghề như: Điện dân dụng, cơ khí, hàn, trồng nấm… cho các lao động trong độ tuổi”.

Song song với việc chuyển đổi lao động sang các ngành nghề phi nông nghiệp, Thi Sơn tiếp tục chú trọng vào xây dựng các mô hình nông nghiệp có hiệu quả hơn. Cụ thể, xã đã triển khai 40 mô hình trồng nấm, 30 mô hình chăn nuôi lợn dùng đệm lót sinh học… đang giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm lao động. Anh Đinh Văn Sơn (xóm 2) - một trong những hộ khấm khá nhờ áp dụng mô hình đệm lót sinh học chia sẻ: “Nuôi lợn bằng đệm lót sinh học rất tiết kiệm chi phí, công chăm sóc, hạn chế ô nhiễm môi trường, rất phù hợp cho chăn nuôi hộ gia đình, góp phần tích cực vào xây dựng NTM”.

Cách làm trên đã giúp Thi Sơn trở thành một trong những xã đạt được nhiều tiêu chí NTM nhất của Hà Nam.

Trong khi đó, theo đánh giá của UBND tỉnh Hà Nam, sau 3 năm thí điểm xây dựng mô hình NTM ở 5 xã của tỉnh, diện mạo nông thôn các xã này đã thay đổi rõ rệt, nhất là hạ tầng cơ sở và tiêu chí chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống người dân nông thôn dần được cải thiện. Hiện tỉnh đang có kế hoạch nhân rộng cách làm của Thi Sơn, đó là kéo thêm nhiều doanh nghiệp về làng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem