Hà Nội: Cần ngăn chặn thâu tóm "đất vàng" khi di dời bến xe ra khỏi vành đai 3

26/04/2022 20:14 GMT+7
Các chuyên gia giao thông cho biết, việc di dời các bến xe hiện hữu đi ra khỏi khu vực đường vành đai 3 TP.Hà Nội trong thời kỳ quá độ là một vấn đề nan giải, cần phải tính toán kỹ lượng thận trọng vì việc này tác động rất lớn tới xã hội.

UBND TP.Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, các bến xe hiện có (trong khu vực đường vành đai 3) gồm Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm được tạm thời giữ lại tiếp tục khai thác trong giai đoạn quá độ và chỉ nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất của bến xe trên cơ sở quy mô hiện có.

TP.Hà Nội cũng tính toán tới phương án lâu dài các bến xe trên sẽ được thay thế bằng các bến xe theo quy hoạch tại khu vực lân cận đường Vành đai 3 (bến Đông Anh, bến Cổ Bi) và Vành đai 4 (bến xe Nội Bài, bến Phùng, bến phía Nam...).

Quỹ đất các bến xe khách hiện có này sẽ được chuyển chức năng ưu tiên cho nhu cầu phục vụ giao thông công cộng và giao thông đô thị (bãi đỗ xe công cộng, điểm trung chuyển xe buýt, trạm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ...). Trong giai đoạn trung hạn, xây dựng bến Yên Sở (diện tích khoảng 3,2ha) theo dự án đầu tư được duyệt.

Hà Nội: Di dời bến xe ra khỏi vành đai 3 cần ngăn chặn thâu tóm  "đất vàng" - Ảnh 1.

Bến xe khách Giáp Bát đang hoạt động trong thời gian vừa qua. Ảnh: Phạm Hưng

Tuy nhiên, việc chọn vị trí và tìm quỹ đất để xây dựng các bến xe mới đang là vấn đề khiến nhiều người quan tâm, thông tin về vấn đề này, ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, việc lựa chọn vị trí các bến xe được xác định trên cơ sở phù hợp với định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô; các đồ án quy hoạch chung xây dựng các huyện, đô thị vệ tinh; các quy hoạch phân khu đô thị.

Các bến xe được quy hoạch có đủ diện tích để bố trí kết nối các loại hình phương tiên giao thông công cộng phục vụ vận chuyển hàng hóa, hành khách cũng như dự phòng quỹ đất cho việc mở rộng, phát triển trong tương lai.

Theo các chuyên gia giao thông, việc di dời các bến xe hiện hữu đi ra khỏi khu vực đường vành đai 3 trong thời kỳ quá độ là một vấn đề nan giải, cần phải tính toán kỹ lượng thận trọng vì việc này tác động rất lớn tới xã hội.

Cùng với đó, khi di dời bến xe ra khỏi khu vực nội đô thì phải giữ bằng được các quỹ đất của bến xe cũ đó để phục vụ cho hoạt động vận tải công cộng của đô thị.

Bến xe được giữ lại và chuyển công năng bãi đỗ xe thì không thể chuyển đổi mục đích đó sang xây dựng thêm các khu chung cư hay trung tâm thương mại, để tránh làm gia tăng mật độ người và phương tiện, gây tăng thêm tình trạng ùn tắc giao thông.

Hà Nội: Di dời bến xe ra khỏi vành đai 3 cần ngăn chặn thâu tóm  "đất vàng" - Ảnh 2.

Bến xe Nước Ngầm trong thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: Thế Anh

Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải cho biết, cần phải ngăn chặn ý đồ muốn tận dụng các vị trí đắc địa của các bến xe hiện nay để xây dựng các khu nhà cao tầng bởi đã có nhiều "mảnh đất vàng" dành cho giao thông đã biến thành các chung cư, khách sạn, nhà hàng.

Theo ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, việc định hướng kết nối các loại hình giao thông công cộng tại các bến xe khách liên tỉnh đã được xác định ngay trong quá trình lập, trình thẩm định và phê duyệt quy hoạch.

Các bến xe khách liên tỉnh xây dựng mới được kết hợp với các điểm đầu cuối của hệ thống xe buýt công cộng và gần các nhà ga của các tuyến đường sắt đô thị nhằm kết nối, vận chuyển hành khách vào khu vực nội đô và ngược lại; bố trí các bãi đỗ xe công cộng phục vụ cho hành khách chuyển đổi loại hình phương tiện vận chuyển từ xe cá nhân sang đi phương tiện giao thông công cộng...

TP.Hà Nội duy trì công bố danh mục kêu gọi đầu tư nhằm kêu gọi các nhà đầu tư triển khai các dự án; đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thiện mạng lưới đường giao thông để kết nối giao thông cho hệ thống mạng lưới giao thông tĩnh (đặc biệt là các bến xe và các đầu mối giao thông); cải cách đơn giản hóa thủ tục hành chính rút ngắn thời gian giải quyết từ khâu quy hoạch, chuẩn bị dự án, thiết kế đến thẩm định, phê duyệt và giải phóng mặt bằng.

Thế Anh
Cùng chuyên mục