Hà Nội: Công chứng giao dịch bất động sản, mất luôn sổ đỏ

Nguyễn Đức Thứ tư, ngày 04/03/2020 09:14 AM (GMT+7)
Hồ sơ của ông Nguyễn Quang H sau khi được chuyển đến văn phòng công chứng để làm thủ tục mua bán, đã bị nhóm đối tượng "phù phép" chiếm đoạt luôn sổ đỏ mảnh đất được định giá hơn 9 tỷ đồng.
Bình luận 0

Rao bán đất mất luôn sổ đỏ

Báo Điện tử Dân Việt nhận được đơn tố cáo của ông Nguyễn Quang H (ở phố Lê Thanh Nghị, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) về việc bị nhóm lừa đảo chiếm đoạt sổ đỏ đứng tên ông. 

Vụ việc có dấu hiệu tiếp tay của công chứng viên của Văn phòng Công chứng miền Bắc (địa chỉ 1A, Trần Đăng Ninh, phường Quang Trung, quận Hà Đông, TP. Hà Nội).

Cụ thể, ông Nguyễn Quang H được Sở TNMT TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa đất số 148-1, tờ bản đồ số 7, tại địa chỉ số 14, phường Long Biên, quận Long Biên, TP. Hà Nội ngày 4/9/2019.

Do gia đình gặp khó khăn về tài chính nên ông H muốn bán thửa đất có diện tích 102m2 nêu trên. Ông tìm đến nhờ môi giới của Công ty Bất động sản Hưng Anh có trụ sở tại phường Đại Kim (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) để thực hiện giao dịch. Ông H có ủy quyền cho ông Phạm Văn Hưng (môi giới nhà đất của Công ty Hưng Anh) thực hiện rao bán, đưa khách xem thửa đất, nhận đặt cọc,…

img

Các giấy tờ liên quan đến việc giao dịch thửa đất của ông H, sổ đỏ của ông bị rao bán bằng các giấy tờ cá nhân của người khác. Ảnh: Q.T

Ngày 21/1/2020, ông Phạm Văn Hưng (môi giới nhà đất) gọi thông báo có khách hỏi mua và yêu cầu ông H đưa sổ gốc để ông này giao dịch và nhận tiền đặt cọc. Sau đó, ông Hưng thông báo lại khách hẹn đặt cọc 21/2/2020 và ký hợp đồng công chứng nên ông này giữ lại sổ gốc làm giấy tờ, hợp đồng sẵn để chờ ngày giao dịch.

Tuy nhiên, ngày 14/2, ông Hưng thông báo với ông H thửa đất đã bị đối tượng giả mạo hồ sơ, bán và ký hợp đồng cho bà Nguyễn Thị Vân tại Văn phòng Công chứng miền Bắc, số 1A Trần Đăng Ninh, phường Quang Trung (quận Hà Đông, TP. Hà Nội) vào ngày 31/1/2020.

"Ngay sau đó, ông Hưng có đưa tôi đến văn phòng công chứng này để thông báo về vấn đề lừa đảo và yêu cầu cung cấp hồ sơ giấy tờ cũng như hợp đồng chuyển nhượng thửa đất liên quan đến thửa đất của tôi. Đối chiếu với hồ sơ gốc thì các tài liệu liên quan đều không trùng khớp, hồ sơ phòng công chứng cung cấp cho tôi là đối tượng khác giả tạo hình ảnh, không phải tôi, hộ khẩu không phải các thành viên trong gia đình tôi. Tôi đã yêu cầu phòng công chứng niêm phong giao dịch", ông H nêu trong đơn.

Giá trị thửa đất  102 m2 đất sổ đỏ chính chủ của ông H được định giá khoảng hơn 9 tỷ đồng.

Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Hưng - môi giới nhà đất xác nhận đã được ông H ủy quyền thực hiện giao dịch. Sau khi đăng thông tin bán đất lên các trang mạng có một người đàn ông tìm đến giao dịch.

img

Văn phòng Công chứng miền Bắc, nơi ông H tố đối tượng lừa đảo thực hiện giao dịch chiếm đoạt sổ đỏ đứng tên ông. Ảnh: Q.T

"Thời điểm đó vào khoảng 27 Tết Âm lịch (21/1/2020), họ còn đặt cọc trước 150 triệu đồng và yêu cầu xem sổ đỏ để tra cứu quy hoạch. Sau khi đặt cọc xong họ hẹn ngày làm hợp đồng công chứng và thanh toán tiền. Tuy nhiên, đến thời điểm hẹn giao dịch, tôi gọi cho người mua đất đều tắt máy, không liên lạc được", ông Hưng thông tin.

Công chứng viên có tiếp tay?

Sáng 3/3, trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Văn Linh, Trưởng Văn phòng Công chứng miền Bắc cũng xác nhận sau khi nhận được thông tin, đơn vị đã hướng dẫn ông H làm các thủ tục ngăn chặn việc sang tên sổ đỏ tại Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Long Biên (TP. Hà Nội).

"Sau đó, chúng tôi đã chuyển toàn bộ hồ sơ liên quan đến việc giao dịch trên lên Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội. Văn phòng Công chứng miền Bắc cũng đang phối hợp với cơ quan điều tra để xác minh làm rõ vụ việc nêu trên. Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Vân (người mua đất) cũng đã có đơn tố cáo hành vi lừa đảo này lên cơ quan công an", ông Linh thông tin.

Tuy nhiên, ông Linh cho rằng, tại sao lại có sổ đỏ, vì sao sổ đỏ lại chuyển cho người khác, việc này phải để cơ quan điều tra, tất cả các thông tin về ông H trong hồ sơ giao dịch hoàn toàn sai nên phải có giám định từ cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, về nghiệp vụ của công chứng, trao đổi với phóng viên, đại diện của một văn phòng công chứng ở Hà Nội (xin giấu tên) cho biết thêm, công chứng viên khi thực hiện việc công chứng phải tra cứu các thông tin để đối chiếu cẩn thận, tra cứu vân tay và sẽ nhận biết được hồ sơ giả mạo.

Trước câu hỏi của phóng viên liệu có sự tiếp tay cho đối tượng lừa đảo hay không, ông Nguyễn Văn Linh nói: "Việc có sự tiếp tay hay không phải chờ cơ quan điều tra xác minh, làm rõ và kết luận. Hiện tại, đơn tố cáo của ông Nguyễn Quang H đã được Cơ quan Điều tra Công an TP. Hà Nội thụ lý, tiến hành điều tra làm rõ".

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

Ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc Cty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay, Luật Công chứng số 53/2014/QH13 quy định về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, việc hành nghề công chứng, thủ tục công chứng và quản lý nhà nước về công chứng, trong đó, tại Điều 7 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm:

Nghiêm cấm công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng thực hiện các hành vi sau đây:

a) Tiết lộ thông tin về nội dung công chứng, trừ trường hợp được người yêu cầu công chứng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác; sử dụng thông tin về nội dung công chứng để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

b) Thực hiện công chứng trong trường hợp mục đích và nội dung của hợp đồng, giao dịch, nội dung bản dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội; xúi giục, tạo điều kiện cho người tham gia hợp đồng, giao dịch thực hiện giao dịch giả tạo hoặc hành vi gian dối khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem