Kết quả nghiên cứu về cấu trúc nền đất yếu ở đây do Liên đoàn Địa chất Thủy văn - Địa chất công trình thì khu vực bán đảo Linh Đàm và Thành Công có nguy cơ rất cao về biến dạng lún khi xây dựng công trình hoặc khi có khai thác nước dưới đất quá mức.
Theo một nghiên cứu đã công bố của Viện Khoa học Công nghệ và Kinh tế Xây dựng Hà Nội (Sở Xây dựng Hà Nội), Hà Nội mỗi năm lún vài chục mm là chuyện... “bình thường”! Những khu vực sụt lún đáng chú ý là Thành Công với 41,42mm/năm, Ngô Sĩ Liên: 31,52mm/năm, Pháp Vân: 22,16 mm/năm...
|
Nguy cơ sụt lún đe dọa tới an toàn của những dự án nhà cao tầng tại Hà nội. Ảnh minh họa |
Nguy cơ cao
PGS.TS Đỗ Minh Toàn, nguyên Chủ nhiệm khoa Địa chất, Trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội cho biết: Khu vực nội thành Hà Nội là nơi phân bố rộng rãi nền đất yếu, nơi có nguy cơ biến dạng lún thấp nhất có thể là Khu đô thị mới Nam Thăng Long. Còn lại, các vị trí có nền đất yếu được xếp vào dạng nguy cơ gây biến dạng lún cao là Ngọc Khánh, Giảng Võ (khu vực xung quanh khu nhà B6 Giảng Võ), Thành Công, Thanh Nhàn (gần bệnh viện Thanh Nhàn); Việt Hưng, Mễ Trì, Mỹ Đình, Bán đảo Linh Đàm. Đáng ngại, là những khu vực có nguy cơ cao như vậy lại đã và đang được chọn để xây dựng các khu đô thị mới trong đó bao gồm nhiều nhà cao tầng.
Theo TS Đỗ Minh Toàn, việc hạ mực nước ngầm đang tiềm ẩn mối nguy cơ lớn về việc sẽ gây biến dạng, đổ vỡ các công trình xây dựng. Sự sụt lún đang làm mất đi sự chính xác của toàn bộ số liệu về độ cao tuyệt đối - số liệu đặc biệt quan trọng trong việc thiết kế thi công. Bên cạnh đó, sụt lún đang là nguyên nhân “tiếp tay” cho hiện tượng ngập lụt.
Công trình chưa sập ngay
Một bản đồ chi tiết phân vùng nền đất yếu ở Hà Nội đã được xây dựng và chỉ rất rõ khu vực có nguy cơ cao về sụt lún. Tuy nhiên, đáng buồn, các số liệu này gần như bị bỏ quên. Trong khi đó, KS Lê Tứ Hải cho biết một khoảng rỗng trong lòng đất đã hình thành và khả năng chịu lực, chịu tải trọng của nền đất rỗng này là rất kém.
Vì vậy, cùng với hiện tượng lún, nhiều hậu quả kèm theo mà không phải một sớm một chiều có thể nhận thức được là nguy cơ biến dạng, đổ vỡ các công trình xây dựng.
Hậu quả dễ nhận thấy hơn là những biến dạng, nứt tại các công trình có móng nông.
TS Nguyễn Văn Đản, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất Thủy văn, Địa chất công trình Việt Nam cho biết Hà Nội là vùng có nền địa chất được xếp vào nguy cơ sụt lún cao do nằm trong khu vực đồng bằng, mới hình thành trầm tích ở kỷ Đệ Tứ...
Không chỉ ở Hà Nội, các nhà cao tầng xây trên nền đất yếu vẫn đang được thi công ở nhiều nơi. Trong khi hàng lang pháp lý, sự giám sát việc khảo sát địa chất công trình còn thiếu thì nguy cơ đối với các nhà cao tầng đang rất lớn.
Bên cạnh đó, việc xây nhiều nhà cao tầng trên nền đất lún có thể gây hiện tượng lún rộng hơn. Đáng lo ngại, những công trình ở khu vực này sẽ không sập ngay, nhưng lại không ai dám đảm bảo, nó có thể đứng vững bao lâu.
Theo PGS.TS Đỗ Minh Toàn, để an toàn khi xây dựng công trình trên nền đất lún cần phải tìm đến cơ quan chuyên ngành có giấy phép hành nghề, cán bộ thực hiện phải có kinh nghiệm, uy tín. Ví dụ như Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng; Viện Khoa học Công nghệ Giao thông vận tải; Tổng công ty tư vấn xây dựng Thủy Lợi; Tổng công ty tư vấn xây dựng giao thông vận tải; Công ty tư vấn xây dựng điện 1...Sau đó, việc thiết kế thi công trình cần tính đến các số liệu khảo sát địa chất. Kỹ sư thiết kế nền móng phải thật am hiểu và có kiến thức về địa chất và cuối cùng là tuân thủ nghiêm thiết kế thi công đã được đề ra.
Theo Đất Việt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.