Hà Nội: Di dời 4 bến xe, "đất vàng" sẽ dùng làm gì?

14/04/2022 11:02 GMT+7
Chuyên gia cho rằng, TP.Hà Nội cần phải tính toán kỹ việc khi di dời các bến xe ra khỏi trung tâm TP.Hà Nội thì quỹ đất "vàng" có bị "thâu tóm" rơi vào tay các doanh nghiệp tư nhân rồi "biến" thành các toà nhà cao tầng.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký Quyết định số 1218/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quyết định của Chủ tịch TP.Hà Nội nêu rõ, các bến xe hiện có (trong khu vực đường vành đai 3) gồm: Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm được tạm thời giữ lại tiếp tục khai thác trong giai đoạn quá độ và chỉ nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất của bến xe trên cơ sở quy mô hiện có.

Về lâu dài sẽ được thay thế bằng các bến xe theo quy hoạch tại khu vực lân cận đường vành đai 3 (bến Đông Anh, bến Cổ Bi) và vành đai 4 (bến Nội Bài, bến Phùng, bến phía nam...).

Hà Nội: Di dời 4 bến xe "đất vàng" sẽ dùng làm gì? - Ảnh 1.

Bến xe Giáp Bát. Ảnh: Phạm Hưng

Quỹ đất các bến xe khách hiện có này sẽ được chuyển chức năng ưu tiên cho nhu cầu phục vụ giao thông công cộng và giao thông đô thị (bãi đỗ xe công cộng, điểm trung chuyển xe buýt, trạm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ...). Trong giai đoạn trung hạn, xây dựng bến Yên Sở (diện tích khoảng 3,2ha) theo dự án đầu tư được duyệt.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên TP.Hà Nội "xóa xổ" bến xe nằm trong khu vực trung tâm đô thị, bởi trước đó, TP.Hà Nội đã từng "xoá sổ" bến xe Lương Yên vì nguyên nhân khu vực bến xe này thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông trên tuyến đường Nguyễn Khoái.

Tuy nhiên, kể từ khi bến xe Lương Yên bị "xoá sổ" tình hình ùn tắc giao thông khu vực này cũng không được cải thiện thậm chí tình trạng ùn tắc giao thông vẫn tiếp tục xảy ra. Nguyên nhân là do sau khi bến xe Lương Yên bị "xoá sổ" quỹ đất này bỗng trở thành một toà nhà cao tầng với mật độ căn hộ lớn.

Cụ thể, năm 2016, bến xe Lương Yên được quyết định di dời sau 12 năm tồn tại và được người dân kỳ vọng "xoá sổ" bến xe sẽ "xoá" được cảnh tắc đường, nhưng khu đất "vàng" đã được điều chỉnh xây dựng 3 tháp nhà ở cao tầng.

Cùng chung với số phận giống như bến xe Lương Yên, bến xe Hà Đông do tỉnh Hà Tây cũ quản lý, cũng đã ngừng hoạt động để xây dựng chung cư cao tầng. Thay thế là bến xe Yên Nghĩa nằm cách đó khoảng 4km, rộng 7ha và được đầu tư chừng 80 tỉ đồng.

Hà Nội: Di dời 4 bến xe "đất vàng" sẽ dùng làm gì? - Ảnh 2.

Bến xe Nước Ngầm đang hoạt động ổn định. Ảnh: BX Nước Ngầm

Trao đổi với PV Dân Việt, một chuyên gia giao thông cho rằng, dù có quy hoạch lại, xây mới bến xe bên ngoài thì vẫn phải giữ lại bến trong nội đô.

Nếu đẩy các bến xe ra ngoài, người dân nội thành muốn đi các tỉnh sẽ phải đi lại, di chuyển bằng xe cá nhân, xe taxi sẽ tăng áp lực lên hạ tầng giao thông và không làm giảm ùn tắc giao thông. 

Theo vị này, Hà Nội không nên đưa toàn bộ các bến xe liên tỉnh ra vành đai 4 mà cần có kết nối phù hợp tuyến cố định với khu vực tiệm cận trung tâm để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại.

Song song với việc xây thêm các bến xe mới, Hà Nội cần quy hoạch giữ ổn định các bến xe liên tỉnh hiện có nằm từ vành đai 3 trở ra (bến xe Mỹ Đình, Nước Ngầm...), đồng thời nâng cấp hiện đại hóa các bến xe này như áp dụng khoa học công nghệ trong tổ chức, điều hành bến, tổ chức hiệu quả việc phân luồng giao thông, xem xét nâng cấp thành bến xe nhiều tầng... đảm bảo phục vụ phù hợp nhu cầu đi lại của nhân dân.

Cùng với đó, TP.Hà Nội cũng cần phải tính toán kỹ việc khi di dời các bến xe ra khỏi trung tâm TP.Hà Nội thì quỹ đất "vàng" có bị "thâu tóm" rơi vào tay các doanh nghiệp tư nhân rồi biến thành các toà nhà cao tầng mọc lên tại những quỹ đất đó. Như vậy, di dời bến xe ra khỏi trung tâm ai mới là người được hưởng lợi.


Thế Anh
Cùng chuyên mục