Hà Nội: Gần 60.000 người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp

14/09/2020 18:03 GMT+7
Lượng hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp ở thủ đô tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái, theo thống kê của Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội.

Ngày 14/9, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, cho hay từ đầu năm đến 10/9, đã có gần 60.000 người trên địa bàn đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Riêng tháng tám có hơn 9.000 lao động của hơn 2.000 doanh nghiệp ở Hà Nội đến làm thủ tục, giảm hơn 400 hồ sơ so với tháng bảy.

"Lúc cao nhất là tháng sáu với hơn 10.000 hồ sơ", ông Thành nói và nhận định trong số gia tăng (22% so với cùng kỳ năm ngoái), một nửa là lao động mất việc do ảnh hưởng của dịch.

Gần 60.000 người ở Hà Nội đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp - Ảnh 1.

Cán bộ trung tâm liên tục nhắc người đến làm thủ tục giãn ra cho thoáng không gian. Ảnh: Hoàng Phương

Theo ông Thành, đến nay số lượng hồ sơ nộp vào vẫn đông, song không căng thẳng như hồi tháng sáu. Trong đợt dịch thứ hai, cơ quan chức năng không cách ly xã hội toàn thành phố. Trong tháng tám, gần 4.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại cũng giúp thị trường việc làm "bớt ảm đạm hơn".

Gần 11h ngày 14/9, khu vực làm thủ tục liên quan bảo hiểm thất nghiệp của Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội (215 Trung Kính) vẫn đông kín người. Bốn hàng ghế không còn chỗ trống. Người đứng vây quanh quầy thủ tục, người dựa vào tường cho đỡ mỏi, trên tay là cuốn sổ có bìa xanh nõn chuối. Đôi lúc, nhân viên trung tâm phải nhắc dòng người giãn bớt cho thoáng khí.

Cầm trên tay lá phiếu thứ tự, chị Thu Hảo kéo kín khẩu trang che mặt như chỉ sợ ai đó quen thuộc nhận ra mình. Sáng đưa con đi học, giao xong năm đơn hàng văn phòng phẩm cho khách, người mẹ 34 tuổi mới sực nhớ hôm nay là hạn cuối cùng đến trung tâm để thông tin về tình hình tìm kiếm việc làm.

Phóng xe từ Bắc Từ Liêm lên Cầu Giấy, Hảo vỗ ngực hú vía khi vẫn kịp lấy số thứ tự buổi sáng. Nếu không đến cập nhật theo quy định, chị sẽ mất luôn khoản tiền trợ cấp gần 2,8 triệu đồng trợ cấp thất nghiệp đang hưởng, cũng không được bảo lưu thời gian hưởng.

Gần 60.000 người ở Hà Nội đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp - Ảnh 2.

Người lao động đến làm thủ tục tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, ngày 14/9. Ảnh: Hoàng Phương

Hảo từng có chín năm làm tuyển dụng nhân sự của một công ty ở quận Đống Đa. Ngày chị nghỉ việc cũng là hôm đầu tiên Hà Nội thực hiện cách ly xã hội phòng chống dịch, 1/4. Việc mới khan hiếm, Hảo ở nhà bán văn phòng phẩm qua mạng. Đầu tháng bảy, trải qua ba buổi chen chân ở trung tâm, chị mới lấy được số thứ tự vì quá đông "chỉ cần chậm chân một phút là mất công cả buổi sáng chờ đợi".

Chín năm đóng bảo hiểm xã hội, Hảo được hưởng liên tục chín tháng trợ cấp thất nghiệp, tính từ tháng 7/2020 đến tháng 4/2021 với mức trợ cấp gần 2,8 triệu đồng mỗi tháng. Tổng trợ cấp gần 25 triệu đồng, theo Hảo, "không phải là món nhỏ trong lúc khan hiếm việc làm".

Thu nhập hơn chục triệu đồng bán hàng qua mạng cộng với trợ cấp thất nghiệp giúp gia đình chị "sống tạm ổn", trong khi chờ tìm công việc mới. Chị quan niệm "hưởng trợ cấp thất nghiệp là quyền lợi đương nhiên, khi gần chục năm đi làm đều đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ".

Gần 60.000 người ở Hà Nội đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp - Ảnh 3.

Dòng người xếp hàng làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội hồi tháng 6. Video: Ngọc Thành

Chở khách qua Cầu Giấy, anh Lê Phước Tài tranh thủ qua trung tâm cập nhật tình hình "chưa tìm được việc làm" để nhận trợ cấp thất nghiệp tháng thứ hai. Gần 2,5 triệu trợ cấp mỗi tháng vừa vặn để Tài đóng tiền phòng trọ, chưa tính điện nước. Tài 28 tuổi, từng làm quản lý sảnh đến của một khách sạn trên phố cổ chuyên phục vụ du khách nước ngoài.

Anh mất việc hồi tháng năm, khi vợ đang mang thai bốn tháng và không có việc làm. Họ sẽ đón con đầu lòng vào cuối tháng này. Tài đã ba lần nộp hồ sơ tìm việc, nhưng không có kết quả. Tháng trước, anh xách xe máy đi đăng ký chạy xe ôm công nghệ, kiếm tiền bỉm sữa cho con. Tài nhẩm tính "tiền trợ cấp thất nghiệp bây giờ đóng góp một phần ba chi tiêu của gia đình nhỏ".

Theo ông Vũ Quang Thành, lượng hồ sơ thụ hưởng trợ cấp thất nghiệp từ nay đến cuối năm sẽ còn biến động, phụ thuộc vào kết quả chống dịch. Số người đăng ký sẽ giảm dần qua các tháng nếu dịch được kiểm soát tốt. Nhưng nếu kịch bản xấu xảy ra, dịch diễn biến phức tạp và có ca lây nhiễm trong cộng đồng, các hoạt động công nghiệp, dịch vụ sẽ suy yếu. Số lao động mất việc làm hàng tháng sẽ tăng cao, khoảng 20.000 lao động mỗi tháng và 90% doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng.

Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.Trong thời hạn 3 tháng, tính từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý Nhà nước để làm thủ tục.

Mức hưởng trợ cấp thấp nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc, tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc lương tối thiểu vùng.

Thời gian hưởng tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, đóng đủ 12 - 36 tháng được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp; đóng thêm đủ 12 tháng được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp. Tối đa không quá 12 tháng.

Hoàng Phương
Cùng chuyên mục