Hà Nội gặp khó trong kiểm soát chất tạo nạc

Vinh Hải Thứ bảy, ngày 05/12/2015 07:15 AM (GMT+7)
“Vừa qua dư luận quan tâm đến chất tạo nạc nhưng các chất này đều do con đường buôn lậu đưa vào. Các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi không nhập, nhưng các cơ sở nhỏ lẻ vẫn có thể có buôn bán, rất khó kiểm soát”- Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội trả lời khi bị chất vấn về việc quản lý chất cấm.
Bình luận 0

Phải chặn từ cửa khẩu

Các đại biểu HĐND TP.Hà Nội cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) và quản lý chất cấm trong chăn nuôi. Đại biểu Lê Văn Thành đặt câu hỏi: “Việc đưa chất độc vào thực phẩm là tội giết người thầm lặng. UBND thành phố đã đưa ra rất nhiều chế tài nhưng việc vi phạm vẫn tràn lan và không kiểm soát được. Năm 2016, chúng ta có chế tài nào mạnh hơn để giảm bớt tình trạng này?”.

img

Ông Trần Xuân Việt - Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội trả lời chất vấn. Ảnh: HNM

Ông Nguyễn Khắc Hiền – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay: “Lĩnh vực an toàn thực phẩm là chủ yếu là trách nhiệm của 3 ngành Y tế, Công Thương và NNPTNT. Cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm thực hiện quy định của pháp luật, kiểm tra xử lý và tuyên truyền, có chế tài xử lý đảm bảo tính răn đe các cơ sở kinh doanh thực phẩm”.

Còn ông Trần Xuân Việt – Phó Chủ tịch UBND thành phố cho rằng có tình trạng buôn bán chất tạo nạc. Ông Việt cho biết: “Vừa qua dư luận quan tâm đến chất tạo nạc nhưng chất này đều qua buôn lậu đưa vào. Các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi không nhập nhưng các cơ sở nhỏ lẻ vẫn có thể có buôn bán, rất khó kiểm soát. Quan trọng nhất là phải ngăn chặn ngay các chất cấm từ cửa khẩu, biên giới”.

Về vấn đề VSATTP, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội đề nghị UBND thành phố tiếp tục bổ sung những vùng sản xuất thực phẩm sạch, rau sạch đang có cơ chế hỗ trợ. Đồng thời, Sở Y tế là cơ quan thường trực cần có cơ chế, giải pháp mạnh hơn, kiểm soát đầu vào tốt hơn, xử lý kiên quyết các cơ sở vi phạm.

Bao giờ phủ kín nước sạch nông thôn?

Đại biểu Nguyễn Thị Thùy (Gia Lâm) đặt vấn đề: “Đầu nhiệm kỳ, thành phố đặt mục tiêu có 50% dân số nông thôn dùng nước sạch, đến khi kết thúc mới có 38% người dân nông thôn được dùng nước sạch. Nếu theo tiến độ này, phải đến năm 2030 mới phủ kín nước sạch nông thôn”.

Bà Thùy cung cấp thêm thông tin trong năm 2015 không có hộ dân nông thôn nào được cấp thêm nước sạch bằng trạm nước sạch nông thôn mà chỉ có 0,23% người dân nông thôn được cấp nước sạch bằng hệ thống cấp nước đô thị. “Hà Nội có giải pháp nào để đẩy nhanh tiến độ cấp nước sạch nông thôn?” – bà Nguyễn Thị Thùy đặt câu hỏi chất vấn.

Ông Trần Xuân Việt – Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết: “Từ năm 2012 UBND TP.Hà Nội đã phê duyệt đầu tư 6 dự án cấp nước sạch liên xã tại các huyện Mê Linh, Thanh Oai, Ứng Hoà, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thường Tín. Các dự án này có tổng mức đầu tư 1.386,6 tỷ đồng, dự kiến đưa vào hoạt động năm 2015”.

Nếu thực hiện đúng tiến độ, các dự án này sẽ tăng công suất thêm 40.000m3/ngày đêm phục vụ cho hơn 240.000 người (tương đương 6,3% dân cư tại khu vực nông thôn) thuộc 27 xã.

Tuy nhiên, ông Trần Xuân Việt cho biết nguồn vốn đầu tư ngân sách giai đoạn 2013 – 2015 khó khăn nên mới bố trí được 40,5 tỷ đồng cho các dự án trên. “Số tiền trên chủ yếu để trả kinh phí thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, chưa bố trí được kế hoạch vốn để triển khai thực hiện” – ông Việt cho hay.

Ông Việt cho biết để đẩy nhanh tiến độ dự án, UBND thành phố đã đồng ý về nguyên tắc cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư, đồng thời kêu gọi xã hội hóa. Hiện đã có 2 doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị tham gia đầu tư 2/6 dự án kể trên. 

 Trên địa bàn thành phố hiện có 64 cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi, lớn nhất là CP, 400 cơ sở kinh doanh. Giá thành sản phẩm chăn nuôi chiếm đến 70% là do thức ăn chăn nuôi nên chất lượng thức ăn chăn nuôi đóng vai trò quyết định. Hàng năm Sở NNPTNT thanh kiểm tra, lấy mẫu của các cơ sở để kiểm nghiệm, qua kiểm tra 1.000 mẫu vừa qua đều ấm tính với các chất cấm ngoài danh mục; 70 mẫu do cơ quan ở T.Ư lấy cũng âm tính. 

 Ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội bổ sung thêm thông tin thành phố đang tập trung xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng và đã khởi công xây dựng nhà máy nước ngọt Bắc Thanh Trì. Các nhà máy này cũng đều chia sẻ, cung cấp nước cho các huyện Đan Phượng, Đông Anh.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem