Hà Nội: Lại phát sinh nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới

Đăng Hải Thứ tư, ngày 31/10/2018 18:00 PM (GMT+7)
Hết năm 2017, Hà Nội không còn nợ vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV NTNN, một số địa phương lại phát sinh nợ mới trong lĩnh vực này. Huyện Chương Mỹ có số nợ tới hơn 100 tỷ đồng.
Bình luận 0

Khó khăn về nguồn vốn

Tính đến hết tháng 8.2018, huyện Chương Mỹ còn nợ vốn xây dựng cơ bản của 186 dự án với hơn 121,6 tỷ đồng. Số nợ này chủ yếu thuộc phần trách nhiệm ngân sách cấp xã.

Ông Đinh Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, từ năm 2010 đến nay, các xã trên địa bàn huyện đã tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng NTM, song do nguồn thu của các xã hạn chế, chủ yếu trông chờ vào nguồn đấu giá quyền sử dụng đất. Việc này gặp khó khăn nên nhiều địa phương thiếu vốn đối ứng để thực hiện công trình xây dựng cơ bản...

img

Đường giao thông nông thôn ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội) được đầu tư xây dựng khang trang hiện đại. Ảnh:  Đăng Hải

Theo Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội, từ đầu năm 2016 đến hết quý III/2018, Hà Nội huy động được tổng kinh phí thực hiện chương trình xây dựng NTM đạt hơn 26.804,4 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách T.Ư 46 tỷ đồng, ngân sách thành phố 10.667,6 tỷ; huyện 12.782,5 tỷ; xã 804,5 tỷ và vốn huy động ngoài ngân sách là 2.503,8 tỷ đồng.

Đứng sau huyện "đội sổ" Chương Mỹ, là huyện Ba Vì với số nợ xây dựng cơ bản lên đến 50 - 60 tỷ đồng. Theo kết quả rà soát của Phòng Tài chính và kế hoạch huyện Ba Vì, khoản nợ này thuộc phần người dân đóng góp khi huyện thực hiện hàng trăm dự án xây dựng hạ tầng trong xây dựng NTM.

Ông Hoàng Văn Hùng - Phó Trưởng phòng Tài chính và kế hoạch huyện Ba Vì cho hay, thực hiện Quyết định 16/2012/QĐ-UBND của UBND TP.Hà Nội, huyện đã triển khai nhiều công trình, dự án đầu tư xây dựng sử dụng ngân sách thành phố, huyện, xã và nhân dân đóng góp, trong đó, phần vốn do nhân dân đóng góp chiếm 20%.

Các xã có dự án đầu tư phải đứng ra huy động nhân dân đóng góp, nhưng nhiều địa phương chưa huy động được nguồn lực này.

Tương tự, tính đến 30.9.2018, thị xã Sơn Tây cũng còn nợ vốn đầu tư xây dựng cơ bản hơn 2,4 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thị xã nợ 421 triệu đồng, ngân sách xã nợ hơn 2 tỷ đồng...

Cần nhiều giải pháp

Theo ông Hoàng Văn Hùng, nợ xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện chủ yếu là nguồn huy động đóng góp của người dân, do vậy không thể dùng tiền ngân sách để trả. Do đó, huyện Ba Vì sẽ tiếp tục phát động phong trào toàn dân chung sức xây dựng NTM, huy động doanh nghiệp và nhân dân ủng hộ đóng góp để trả nợ.

Trong báo cáo gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, huyện Chương Mỹ đề xuất hướng xử lý nợ bằng cách đẩy mạnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất, đồng thời kiểm soát chặt việc thực hiện đầu tư công, không để phát sinh nợ mới.

Còn thị xã Sơn Tây đề xuất xử lý nợ xây dựng cơ bản theo hướng, đối với phần nợ thuộc trách nhiệm của thị xã thì chờ phê duyệt quyết toán dự án đầu tư xây dựng hạ tầng rồi sẽ bố trí trả nốt phần còn thiếu. Đối với phần nợ thuộc trách nhiệm của ngân sách xã, sẽ chỉ đạo các địa phương cân đối, bố trí nguồn vốn trả nợ cho các dự án từ nguồn kết dư, nguồn tăng thu ngân sách xã và từ xã hội hóa...

Để giải quyết dứt điểm việc thanh toán nợ xây dựng cơ bản trong năm 2018, mới đây, văn phòng UBND TP.Hà Nội đã có công văn gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, báo cáo UBND thành phố.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, các huyện, thị xã cần kiểm tra, rà soát hồ sơ nghiệm thu công trình các dự án còn nợ xây dựng cơ bản đến ngày 30.9.2018; đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt quyết toán để xác định chính xác số nợ thuộc trách nhiệm các cấp ngân sách.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem