Hà Nội điều chỉnh quy hoạch "nâng tầng" cho 2 ô đất bỏ hoang
Hà Nội liên tiếp điều chỉnh quy hoạch "nâng tầng" cho 2 ô đất bỏ hoang nhiều năm
Trần Kháng
Thứ ba, ngày 26/10/2021 09:25 AM (GMT+7)
Bên cạnh điều chỉnh chức năng sử dụng đất, Hà Nội còn điều chỉnh quy hoạch tăng gấp đôi chiều cao công trình cho 2 lô đất trong Khu đô thị mới Mỹ Đình II và mặt đường Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm).
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn đã ký ban hành Quyết định số 4519 về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Mỹ Đình II tỷ lệ 1/500 tại ô đất ký hiệu CC1 tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm.
Theo Quy hoạch chi tiết Khu đô thị Mỹ Đình II tỷ lệ 1/500 được duyệt, ô đất CC1 được xác định chức năng đất công cộng thành phố và khu vực có các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc: Diện tích đất khoảng 7.782m2 (bao gồm cả đường giao thông); diện tích xây dựng 3.610m2; mật độ xây dựng 46,4%; tầng cao bình quân 5,3 tầng (công trình cao 5 - 9 tầng); hệ số sử dụng đất 2,45 lần.
Nay, giữ nguyên phạm vi ranh giới của ô đất theo quy hoạch được duyệt, đề xuất điều chỉnh thành ô đất ký hiệu NO có chức năng đất ở (gồm nhà ở chung cư kết hợp dịch vụ, thương mại, nhà trẻ và nhà ở liên kế) với các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc: Diện tích đường giao thông 674,8m2; diện tích đất thực hiện dự án 7,106,7m2; mật độ xây dựng 50%; hệ số sử dụng đất 6,0 lần; tầng cao công trình 6 và 21 tầng; tầng hầm 1 - 3 tầng; dân số 700 người.
Cũng vào khoảng đầu tháng 9 năm nay, UBND TP.Hà Nội đã có Quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết xây dựng cải tạo chỉnh trang hai bên tuyến đường Phạm Hùng, tỷ lệ 1/500 (đoạn từ đường Xuân Thủy đến Trần Duy Hưng) tại ô đất ký hiệu N6.3 (phần quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất và sơ đồ tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan).
Theo đó, khu đất điều chỉnh cục bộ quy hoạch có diện tích khoảng 4.506,8m2 thuộc phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm; phía Bắc giáp khu đất dự án Bệnh viện Đa khoa Y Cao; phía Đông giáp khu đất quy hoạch ký hiệu N6.4 và N6.5; phía Tây giáp đường quy hoạch 13,5m; phía Nam giáp đường quy hoạch 50m.
Được biết, theo Quy hoạch chi tiết xây dựng, cải tạo, chỉnh trang hai bên tuyến đường Phạm Hùng tỷ lệ 1/500 (đoạn từ đường Xuân Thủy đến Trần Duy Hưng) được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 5099/QĐ-UBND ngày 19/9/2016, ô đất ký hiệu N6.3 được xác định chức năng đất công cộng đô thị (Trung tâm giao lưu và phát triển văn hóa cộng đồng) với các chỉ tiêu: Diện tích đất 4.500m2, mật độ xây dựng 40%, tầng cao 15 tầng, hệ số sử dụng đất 6 lần, tổng diện tích sàn 27.000m2.
Nay, giữ nguyên phạm vi ranh giới, chức năng sử dụng của ô đất (đất công cộng đô thị); điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc và điều chỉnh công năng xây dựng công trình tại ô đất từ Trung tâm giao lưu và phát triển văn hóa cộng đồng sang xây dựng công trình khách sạn, văn phòng, thương mại và văn hóa cộng đồng với tầng cao 30 tầng (tăng 15 tầng), 4 tầng hầm, tổng diện tích sàn hơn 54.000m2.
Trong đó, dành diện tích sàn tại các tầng dưới để bố trí sử dụng làm Trung tâm giao lưu và phát triển văn hóa cộng đồng (khoảng 5.400m2). Quy mô, vị trí diện tích sàn phục vụ hoạt động văn hóa cộng đồng sẽ được xác định cụ thể trong quá trình thiết kế cơ sở, dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Liên quan tới 2 quyết định điều chỉnh quy hoạch này, UBND TP.Hà Nội giao quận Nam Từ Liêm chủ trì phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Công ty cổ phần Thương mại xây dựng và Đầu tư Miền Bắc, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) công bố công khai. 2 công ty trên có trách nhiệm triển khai thực hiện dự án đầu tư tại ô đất tuân thủ quy định, phù hợp với điều chỉnh quy hoạch được duyệt...
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, cả 2 ô đất được điều chỉnh quy hoạch nêu trên đều có vị trí đắc địa ở những khu vực đang có tốc độ phát triển đô thị cao. Đáng nói, trước khi được điều chỉnh, 2 ô đất này cũng rơi vào tình trạng quây tôn, cỏ mọc nhiều năm qua.
Trao đổi với PV Dân Việt về những bất cập trong việc điều chỉnh quy hoạch ở Hà Nội, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho rằng, 5 năm chúng ta điều chỉnh quy hoạch phân khu 1 lần, về một góc độ nào đó là đúng, nhưng đây là kẽ hở cho những quyết điều chỉnh sai.
"Ví dụ một khu đất 10 ha được quy hoạch quy mô dân số là 10.000 người, nhưng có một dự án người ta chỉ có 2ha nhưng họ triển khai trước, người ta xin 5.000 dân. Rõ ràng việc điều chỉnh quy hoạch không sai, nhưng bản chất là phá vỡ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội", ông Điệp nói.
Để khắp phục tình trạng bất cập trong quy hoạch, vị chuyên gia này cho rằng, Hà Nội và các cơ quan liên quan cần phải nhìn nhận nghiêm túc lại việc triển khai quy hoạch. Trong đó, cần nhìn tới quy hoạch có yếu tố kinh tế thay vì chỉ nhìn thấy quy hoạch thuần tuý về kiến trúc như hiện nay.
Điều chỉnh quy hoạch theo xu hướng nâng tầng, giảm diện tích cây xanh
Trong báo cáo gửi Quốc Hội mới đây, Chính phủ đã chỉ ra nhiều bất cập trong lĩnh vực xây dựng, đáng chú ý là việc lập, điều chỉnh quy hoạch cục bộ ở nhiều dự án.
Đơn cử, việc điều chỉnh quy hoạch, nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tại một số dự án còn tùy tiện, có xu hướng tăng tầng cao, mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, giảm diện tích đất cây xanh công cộng, đất công trình hạ tầng kỹ thuật diễn ra tại các thành phố lớn, có sức hấp dẫn và thu hút đầu tư cao.
Các dự án thường điều chỉnh quy hoạch chi tiết trong thời gian thực hiện, nội dung chủ yếu là tăng số tầng cao, diện tích sàn, chia nhỏ căn hộ, thay đổi công năng… dẫn tới gia tăng dân số.
Một số địa phương, việc điều chỉnh cục bộ không được nghiên cứu một cách đồng bộ trong quy hoạch phân khu, dẫn đến quy hoạch phân khu bị phá vỡ, các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị không đảm bảo, đặc biệt là khu vực đô thị trung tâm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.