dd/mm/yyyy

Hà Nội: Nên làm con đường gốm sứ mới thế nào?

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc xây dựng con đường gốm sứ mới (đoạn từ cửa khẩu An Dương đến cầu Nhật Tân) là cần thiết.
Hà Nội: Nên làm con đường gốm sứ mới thế nào? - Ảnh 1.

Toàn cảnh trục đường Âu Cơ - Nhật Tân - nơi con đường gốm sứ mới của Hà Nội sẽ hình thành

Tuy nhiên, không gian nghệ thuật cần tránh sự khuôn mẫu, trùng lắp và đơn điệu.

Mong có đường gốm sứ để bớt nhếch nhác

Ngày 25/7, có mặt tại trục đường Yên Phụ - Nghi Tàm, PV Báo Giao thông ghi nhận tuyến đường khang trang, êm thuận hơn kể từ khi Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên (đoạn đê Âu Cơ từ khách sạn Thắng Lợi đến cầu Nhật Tân) giai đoạn 1 hoàn thành. Cây cầu vượt dài hơn 270m được xây dựng kết hợp với mở rộng, nâng cấp mặt đường Yên Phụ cho 3 làn xe chạy.

Xây dựng phải đi cùng với bảo tồn

Năm 2010, con đường gốm sứ đầu tiên của Hà Nội được khánh thành. Tuy nhiên, do làm theo hình thức xã hội hóa, nguồn kinh phí huy động được chủ yếu sử dụng vào xây dựng dẫn tới nguồn vốn bảo trì dự án bị hạn chế. Vì vậy, khi con đường gốm sứ mới hình thành, Hà Nội cần dành ra một nguồn kinh phí nhất định để trùng tu, bảo tồn nhằm duy trì tính mỹ thuật và chất lượng cho công trình.

Nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến

Tuy nhiên, sự khang trang tại khu vực này lại chưa trọn vẹn khi trên những bức tường bê tông cốt thép ven đường xuất hiện nhan nhản những bức tranh có hình thù quái dị được kẻ vẽ bằng đủ màu sơn khác nhau.

Chị Hương, một người dân sống tại số nhà 186 đường Nghi Tàm cho biết: “Đơn vị quản lý duy tu tuyến đường nhiều lần tẩy bóc, sơn sửa lại nhưng được vài ngày lại có người khác đến vẽ bậy, nhìn rất phản cảm”, chị Hương nói và mong muốn các cơ quan chức năng sớm triển khai xây dựng con đường gốm sứ để tạo văn minh đô thị cho tuyến đường.

Hơn một tháng qua, người dân khu vực đường Âu Cơ cũng đang mang sự tiếc nuối khi hơn 300m con đường gốm sứ Hà Nội đột nhiên bị phá dỡ nhằm phục vụ thi công giai đoạn 2 của dự án xây dựng cầu vượt nút giao An Dương - đường Thanh Niên.

Cụ Đinh Văn Bền, một người dân sống gần đây cho biết, hơn một thập kỷ trước, con đường gốm sứ chưa xuất hiện, ven đường đê Âu Cơ rất bừa bộn với đủ thứ rác thải, cây cỏ um tùm. Người dân dọc tuyến đường không chỉ mong giữ lại đoạn đường gốm sứ cũ mà còn muốn công trình này được kéo dài cả trục đường từ đầu Âu Cơ đến cầu Nhật Tân.

Nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, trục đường Yên Phụ - Nghi Tàm - Âu Cơ hiện có vai trò quan trọng trong việc kết nối trục giao thông từ sân bay Nội Bài về trung tâm thành phố. Đây là trục đường có du khách quốc tế, trong nước thường xuyên đi qua, trong khi đó, cảnh quan hai bên đường hầu như không có gì. “Việc Hà Nội nghiên cứu hình thành một con đường gốm sứ tiếp theo, tạo thêm cho Thủ đô một tác phẩm nghệ thuật công cộng mới là cần thiết”, ông Tiến nói.

Tránh làm theo khuôn mẫu lịch sử

Hà Nội: Nên làm con đường gốm sứ mới thế nào? - Ảnh 2.

Con đường gốm sứ đầu tiên được xây dựng năm 2010

Được biết, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa thống nhất về chủ trương triển khai con đường gốm sứ Hà Nội, đoạn từ cửa khẩu An Dương đến cầu Nhật Tân (theo hướng tuyến từ An Dương đến cầu Nhật Tân). Sở VH&TT được giao chủ trì, phối hợp mời các nhà điêu khắc, hội họa, kiến trúc sư... thành lập Hội đồng nghiên cứu đề xuất ý tưởng, chất liệu, lên phương án tổng thể về con đường gốm sứ theo chiều dài lịch sử Thăng Long - Hà Nội.

Đề xuất về ý tưởng dự án, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, chủ đề thể hiện trên con đường gốm sứ mới của Hà Nội không nhất thiết phải bê khuôn mẫu lịch sử Thăng Long bởi việc bám vào lịch sử, nếu làm không khéo rất dễ bị trùng lặp, đơn điệu. Thay vào đó, có thể nghiên cứu đưa yếu tố vùng dân cư vào tác phẩm để giới thiệu nét văn hóa đặc thù.

“Thay vì theo khuôn mẫu về chiều dài lịch sử, chúng ta nên lột tả một câu chuyện văn hóa đặc biệt của vùng dân cư có con đường gốm sứ đi qua. Ví dụ, khi đi qua khu vực Nhật Tân, con đường gốm sứ cần thể hiện yếu tố người dân lao động, trồng đào… du khách nhìn vào đó sẽ biết được mình đang đi tới đâu, nơi này của Thủ đô có đặc trưng gì nơi khác không có”, họa sĩ Sơn nói.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, con đường gốm sứ xây dựng nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long đã để lại dấu ấn rất đậm nét và gây ấn tượng cho mọi người bởi chất liệu mới mẻ, tạo ra cảnh quan thân thiện với cộng đồng. Tuy nhiên, thời điểm ấy, với hình thức làm bằng nguồn vốn xã hội hóa, dù con đường gốm sứ đa dạng phong cách, được hình thành với nhiều chủ đề khác nhau, nhưng lại thiếu tính hệ thống, mang nặng tính trang trí nhiều hơn là chiều sâu lịch sử.

“Với sự chủ động lần này của Hà Nội, cơ quan chức năng nên tạo ra một tác phẩm có tính hệ thống hơn, có thể chú trọng vào chủ đề: Ấn tượng phát triển của Thủ đô trong 10 năm kể từ mốc 1.000 năm Thăng Long trôi qua, kết hợp với con đường gốm sứ cũ, giúp du khách, người thưởng thức có thể mường tượng được về một Thủ đô ngàn năm văn hiến”, ông Quốc gợi ý.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, đơn vị này đã hoàn thành thủ tục, trình văn bản báo cáo Thường trực Thành ủy về việc xây dựng con đường gốm sứ mới của Hà Nội và đang thực hiện xây dựng Đề án. “Dự kiến, Đề án sẽ hoàn thiện trong khoảng 2 - 3 tháng tới”, ông Động thông tin.

Con đường gốm sứ đầu tiên dài gần 4km chạy dọc theo các quận: Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng. Công trình hoàn thành tháng 10/2010, gồm 21 trường đoạn theo các chủ đề khác nhau... Tác phẩm nghệ thuật công cộng này được Tổ chức Guinness thế giới công nhận là Bức tranh gốm dài nhất thế giới. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, công trình này cũng đã có dấu hiệu xuống cấp, bong tróc tại một số vị trí.

Nam Khánh