Xã viên lần lượt ra khỏi HTX
Theo thống kê, trên địa bàn TP.Hà Nội hiện có 1.669 hợp tác xã (HTX), trong đó có 977 HTX dịch vụ nông nghiệp (chiếm 59%), còn lại là các HTX phi nông nghiệp và ngành nghề khác, với doanh thu năm 2011 đạt hơn 2.586 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị mà các HTX nông nghiệp đem lại còn rất khiêm tốn, thậm chí nhiều HTX thu không đủ chi.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Cương – Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Diễn (Từ Liêm) cho hay, HTX được thành lập hơn 20 năm nay với nhiệm vụ chủ yếu là phát triển cây bưởi Diễn, cung ứng vật tư nông nghiệp, đảm nhiệm tưới tiêu cho các xã viên. Song vài năm gần đây do quá trình đô thị hóa đất nông nghiệp liên tục bị thu hẹp, khiến các xã viên trong HTX đã bị “rơi rụng” dần.
|
HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Diễn đang cải tạo lại các phòng trọ để cải thiện thêm thu nhập. |
“Từ hơn 200ha đất nông nghiệp, đến nay chúng tôi chỉ còn khoảng 56ha, chủ yếu là đất của các hộ dân, chứ HTX chỉ còn mỗi cái trụ sở. Khoảng chục năm gần đây, hầu như HTX không có thu, chúng tôi vẫn phải lo sửa chữa kênh mương, bơm nước tưới, tiêu cho người dân, nhưng không thu được đồng nào. Gần đây chúng tôi phải xin thêm làm nước sạch để tạo nguồn thu, nhưng chỉ có 9 xã viên tham gia. Cứ thua lỗ thế này chắc chúng tôi phải xin giải thể mất” – ông Cương giãi bày.
Tương tự, theo tìm hiểu của chúng tôi, ở HTX Dịch vụ nông nghiệp 2 Tây Tựu (Từ Liêm), vốn vừa sản xuất rau màu, hoa và kiêm cả việc liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, do nguồn vốn có hạn, mạng lưới tiêu thụ còn hẹp, nên cơ bản các xã viên vẫn phải tự lo khâu đầu ra cho sản phẩm của mình. Đó cũng là lý do khiến nhiều hộ xin ra khỏi HTX.
Cần đa dạng hóa lĩnh vực hoạt động
Ông Phạm Văn An – Chủ tịch Liên minh các HTX Hà Nội cho biết, hiện trên địa bàn Hà Nội còn khoảng 50% số HTX hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả và thua lỗ. Mặc dù gần đây ở Hà Nội đã thành lập nhiều HTX kiểu mới, trong các ngành, lĩnh vực và đa dạng về đối tượng. Riêng năm 2011, đã có 32 HTX được thành lập, trong đó có 21 HTX nông nghiệp…
Song trên thực tế tình hình hoạt động của các HTX, nhất là các HTX nông nghiệp vẫn đang bộc lộ nhiều yếu kém, hạn chế. “Các HTX ở các lĩnh vực khác tuy có lãi, nhưng lãi ít, không ổn định và chủ yếu vẫn phải dựa vào sự hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị của địa phương”- ông An nói thêm.
Còn theo ông Nguyễn Văn Cương, để giải quyết những khó khăn cho các HTX hiện nay, trước tiên phải có một cơ chế thông thoáng như thay đổi về mặt con người trong bộ máy lãnh đạo, tạo điều kiện cho các HTX vay vốn và giúp các HTX kết nối với các doanh nghiệp để giải quyết khâu đầu ra cho sản phẩm.
“Theo Luật HTX thì các HTX sẽ được vay tối đa 500 triệu đồng, nhưng phía ngân hàng đòi hỏi phải có tải sản thế chấp. Tuy nhiên, hiện hầu hết các HTX đều không có tài sản cố định, đất không được cấp sổ đỏ, nên không thể vay vốn” – ông Cương nói.
Về vấn đề này, ông An cho rằng, khó khăn của các HTX ở Hà Nội là quy mô nhỏ, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các HTX với nhau và giữa các HTX với các doanh nghiệp, nên chưa tạo ra được một chuỗi từ cung ứng vật tư, sản phẩm, đến khâu tiêu thụ.
Ông An nói: “Để các HTX hoạt động có hiệu quả, nhất là HTX nông nghiệp, trước tiên cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích của việc tham gia vào HTX, đổi mới nâng cao trình độ cho đội ngũ lãnh đạo, đa dạng hóa lĩnh vực hoạt động, áp dụng khoa học vào sản xuất, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ…”.
Nam Tùng Sơn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.