Hà Nội quy hoạch nội đô lịch sử: Chủ những ngôi nhà “hộp diêm” ở phố cổ mong muốn gì?

Triệu Quang –Như Hoàn Chủ nhật, ngày 04/04/2021 12:55 PM (GMT+7)
Cuộc sống ở phố cổ Hà Nội là niềm mơ ước của nhiều người, nhưng thực tế có không ít người đang sống ở đó lại cảm thấy bất tiện vì điều kiện sống quá chật chội.
Bình luận 0

Những ngôi nhà “kì lạ” giữa phố cổ

Mới đây, Hà Nội đã công bố đồ án quy hoạch phân khu đô thị (nội đô lịch sử) tại 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Trong đó, có việc giảm dân số ở khu vực nội đô khoảng trên 215.000 người.

img

 Ông Xuân chưa từng được đứng trong ngôi nhà của mình do nó quá thấp, nhỏ

Nhắc đến nội đô Hà Nội, không thể bỏ qua khu vực phố cổ với những con phố sầm uất, giao thông nhộn nhịp và đầy đủ các tiện ích sống hiện đại… Tuy nhiên, đằng sau những phồn hoa phố thị ấy, có những cảnh đời, phận đời mà người ta nhìn vào phải thốt lên: “Khổ như ở phố cổ”.

Nằm sâu trong ngõ 44 phố Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), ngôi nhà của ông Hoàng Văn Xuân (58 tuổi) được hàng xóm xung quanh gọi vui là “ngôi nhà bé nhất Hà Nội”. Cũng không sai khi ngôi nhà chỉ cao khoảng 1,2m, rộng 2m và dài 3m. Bao nhiêu năm qua, ông Xuân chưa từng được đứng trong ngôi nhà của mình mà chỉ biết quỳ, bò, nằm… Ngôi nhà trông chẳng khác gì “hộp diêm”.

Ông Xuân kể, đây là ngôi nhà bố mẹ ông để lại, nhà 7 anh em, trong đó có 5 trai 2 gái nên phân chia mỗi anh em vài ba mét. Bên cạnh nhà ông là nhà của cậu em trai cũng cùng cảnh ngộ.

Do điều kiện kinh tế khó khăn, quanh năm chạy xe ôm chỉ đủ cơm cháo qua ngày nên ông Xuân vẫn phải bám trụ nơi đây.

Cũng trong cảnh ngộ éo le không kém là gia đình ông Nguyễn Phùng Hải (86 tuổi) cùng vợ là bà Nguyễn Thị Sâm (76 tuổi) sống tại ngõ 107 phố Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

img

Ngôi nhà được cơi nới trên nóc nhà vệ sinh của vợ chồng ông Hải, bà Sâm ở phố Hàng Bạc

Căn nhà rộng khoảng 10m2 của ông Hải nằm trên nóc một nhà vệ sinh tập thể của 6 hộ gia đình khác. Nói là “nhà” cho sang chứ căn hộ này được dựng bởi những tấm kim loại cũ, ván gỗ và vài tấm xốp, bạt cũ nhặt về.

Hằng ngày, công việc chính của ông Hải là ra đầu ngõ sửa xe đạp, còn bà Sâm gánh hàng bún riêu đi bộ bán dọc quanh các ngõ phố cổ.

Ông Hải tâm sự, ông là người Hà Nội gốc, cũng là những người đầu tiên sống tại khu dân cư này. Trước đây, ông từng có một căn nhà riêng, nhưng vì số phận đẩy đưa, ông thành kẻ không nhà cửa. Cũng từ đó, ông phải sống trên nóc nhà vệ sinh.

Vợ chồng chị Lý ở phố Hàng Khoai (quận Hoàn Kiếm) nhiều năm nay cũng phải sống trong một căn nhà vô cùng chật hẹp. Nhà của gia đình chỉ là một gác xép ở trong một căn nhà khác.

Nó chỉ rộng khoảng 10m2, là nơi sinh hoạt của 2 vợ chồng chị và 2 đứa con. Mỗi lần vào nhà, chị Lý phải leo lên, chui qua 1 ô thoáng. Mọi việc như vệ sinh, tắm rửa đều bên dưới nhà nên mỗi lần dùng phải đi lên đi xuống rất bất tiện.

Ủng hộ giãn dân nhưng còn băn khoăn kế sinh nhai

Ở phố cổ còn không ít những ngôi nhà “kì lạ” như ở trên khiến chủ nhân chúng nhiều khi chẳng muốn về nhà. Mang tiếng sống ở phố cổ nhưng điều kiện sống của họ thiếu thốn, bất tiện, chật chội vô cùng. Chính vì thế, khi nghe đến đồ án quy hoạch nội đô lịch sử của TP Hà Nội, họ có chút hào hứng.

Ông Hoàng Văn Xuân bày tỏ mong muốn lớn nhất của ông là được nhà nước quan tâm. “Nếu có thể ở khu tái định cư, xa phố cổ tôi cũng sẵn sàng đi”, ông nói.

Ông Xuân tâm sự thêm, do nhà chật hẹp nên vợ ông đã bỏ đi. Con trai ông từ khi lớn lên, đi làm bảo vệ cho một khách sạn gần nhà thì xin ngủ ở đó luôn. Cách đây hơn nửa năm, cháu vào Đà Nẵng làm cùng bạn, thế nhưng mỗi lần về thăm bố, cháu chỉ gặp ở ngoài quán trà đá rồi lại đi… Những điều đó khiến ông rất khổ tâm, suy nghĩ.

Còn đối với gia đình ông Hải, bà Sâm, sống trên nóc nhà vệ sinh đã quá nửa đời người, ông bà mong muốn có một nơi cư trú sạch sẽ hơn, khang trang hơn nên rất ủng hộ đề án giãn dân của thành phố.

img

Ông Hải ủng hộ chủ trương giãn dân phố cổ nhưng băn khoăn về kế sinh nhai của 2 vợ chồng già

“Chúng tôi đã sống quá nửa đời người ở đây rồi, giờ nhà nước có chính sách gì hay muốn chúng tôi rời đi thì chúng tôi cũng hoàn toàn đồng ý làm theo. Ở đây cũng khổ quá rồi”, ông Hải chia sẻ.

Thế nhưng ông Hải tỏ vẻ lo lắng cho cuộc sống mới nếu được chuyển đến nơi ở mới. Hai vợ chồng ông đã già, không có nguồn thu nhập ổn định sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống.

img

Nhà của chị Lý ở phố Hàng Khoai là gác xép trên cùng của một toà nhà khác

Đó cũng là suy nghĩ của chị Lý. Chị nói rằng: “Ở nơi khác rộng rãi hơn ai cũng muốn nhưng nếu thành phố quy hoạch giãn dân phố cổ thì nhiều người không biết làm gì sống cả. Từ trước tời giờ, cả nhà tôi trông chờ vào việc bán hàng, giờ mà đi nơi khác chẳng biết làm gì, bên cạnh đó con cái đi lại cũng là điều trở ngại”.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem