Hà Nội sắp có trục giao thông mới vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng

16/12/2019 07:52 GMT+7
Dự án có tổng mức đầu tư 1.494,4 tỷ đồng, trong đó 823,5 tỷ đồng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng gần 400 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố. Dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm làm chủ đầu tư.

Quận ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã tổ chức lễ ra quân thực hiện dự án xây dựng đường Tây Thăng Long, đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến đường Văn Tiến Dũng.

Tuyến đường được xây dựng với chiều dài khoảng 3,24 km, điểm đầu giao với đường Phạm Văn Đồng thuộc phường Cổ Nhuế 2 và điểm cuối giao với đường Văn Tiến Dũng thuộc phường Minh Khai; quy mô mặt cắt ngang tuyến là 60,5m gồm: 2 làn đường xe chạy chính và 2 làn đường gom, dải phân cách trung tâm, 2 phần dải phân cách giữa lòng đường chính và đường gom, vỉa hè. Các hạng mục trên đường bao gồm: đường giao thông, cầu bắc qua sông Nhuệ, vỉa hè, cây xanh, hệ thống thoát nước mưa và nước thải, điện chiếu sáng, hào kỹ thuật...

Đến nay, quận đã hoàn thành giải phóng mặt bằng khoảng 20% toàn tuyến, trong đó đoạn từ đường Văn Tiến Dũng đến Cầu Noi đã giải phóng mặt bằng xong 60% khối lượng để bàn giao cho nhà thầu thi công.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng nhấn mạnh, đây là dự án quan trọng không chỉ đối với quận Bắc Từ Liêm mà còn đối với sự phát triển chung của thành phố. Đầu tư xây dựng tuyến đường này là bước tiếp theo hoàn thiện tuyến đường Tây Thăng Long theo quy hoạch, kết nối trung tâm Thủ đô với khu đô thị Tây Hồ Tây, khu công nghiệp Nam Thăng Long, phân khu đô thị F1 và các phân khu đô thị khác trên đường vành đai 4, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông chung, thúc đẩy phát triển hạ tầng đô thị và kinh tế - xã hội quận Bắc Từ Liêm.

Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu UBND quận Bắc Từ Liêm chỉ đạo Ban quản lý dự án, đơn vị thi công, thiết kế, tư vấn giám sát tuân thủ chặt chẽ các quy định về xây dựng, thủ tục xây dựng, các tiêu chuẩn, quy chuẩn quy phạm kỹ thuật để triển khai thi công công trình đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, thường xuyên theo dõi kiểm tra, giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công, giải phóng mặt bằng; đảm bảo an toàn giao thông; an toàn lao động, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

(Dân Việt)
Cùng chuyên mục