dd/mm/yyyy

Hà Nội: Tháo gỡ rào cản, “chắp cánh” cho các chủ trang trại làm ăn lớn, thu về tiền tỷ

Sở NNPTNT Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp để cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó có phát triển kinh tế trang trại với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, có tổng số 2.000 trang trại trở lên đạt tiêu chí theo quy định của Bộ NNPTNT.

Thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại

Sở hữu trang trại rộng 10ha, nuôi vịt đẻ và cá thịt ứng dụng công nghệ cao, mỗi năm anh Lê Văn Trẻo (xã Liên Châu, huyện Thanh Oai, Hà Nội) xuất bán ra thị trường hơn 4 triệu quả trứng vịt và gần 100 tấn cá các loại, thu lãi hơn 700 triệu đồng/năm.

Anh Trẻo cho biết: "Từ khi huyện Thanh Oai thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa, quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tập trung cùng với đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tôi đã thuê lại diện tích ruộng của nhiều hộ dân trong thôn, sau đó đầu tư khu chuồng trại, kè bờ ao để thả cá và nuôi vịt đẻ".

“Chắp cánh” cho các chủ trang trại Hà Nội làm ăn lớn  - Ảnh 1.

Trang trại chăn nuôi bò của anh Nguyễn Đình Lượng (xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Hà Nội). Ảnh: Bình Minh

"Để xây dựng được trang trại quy mô lớn đòi hỏi có nguồn vốn lớn, hàng năm, Sở NNPTNT đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ cho vay hàng trăm tỷ đồng để các trang trại đầu tư mở rộng sản xuất, ứng dụng công nghệ cao hiệu quả".

Ông Nguyễn Văn Chí

Bắt đầu nuôi vịt đẻ từ năm 2003, đến năm 2016, sau nhiều lần đi thăm quan mô hình nuôi vịt đẻ ở các tỉnh, anh Trẻo mới áp dụng nuôi theo hướng khép kín. Từ 500 con vịt ban đầu, đến nay sau 16 năm, đàn vịt của gia đình anh đã tăng lên 6.000 con, trung bình mỗi ngày bán ra thị trường 3.000 quả trứng. 

Để tăng hiệu quả kinh tế, tạo sản phẩm trứng vịt lộn an toàn, anh Trẻo còn đầu tư 3 lò ấp trứng, mỗi ngày tiêu thụ hơn 3.000 quả trứng vịt lộn.

Không chỉ nuôi vịt đẻ thành công, anh Trẻo còn đầu tư rất nhiều trang thiết bị hiện đại để nuôi cá trắm, chép, trôi... Từ hệ thống máy sục ôxy, máy trộn thức ăn, hệ thống quạt nước và sử dụng các loại chế phẩm sinh học xử lý môi trường ao nuôi đã giúp cá nuôi của gia đình anh đảm bảo chất lượng, dễ bán, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong khi đó, đối với ông Đặng Văn Chung (ở thôn Nghi Lộc, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa), việc được vay số vốn 400 triệu đồng từ Quỹ Khuyến nông Hà Nội đã tạo động lực quan trọng, giúp gia đình ông đầu tư hiệu quả vào việc tái đàn lợn, nuôi lợn nái ngoại.

Ông Chung cho biết: Nếu không có số vốn vay kịp thời này, gia đình tôi không biết xoay sở thế nào. Khởi nghiệp chăn nuôi lợn từ năm 2015, vừa xây dựng xong hệ thống chuồng trại thì cạn sạch tiền.

 May mắn, tôi được Quỹ Khuyến nông Hà Nội cho vay 95 triệu đồng để nhập 16 con lợn hậu bị. Năm 2017 trả hết gốc và lãi, tôi vay tiếp 300 triệu để mở rộng quy mô lên 60 lợn nái.

Tuy nhiên, cũng như nhiều hộ nuôi lợn khác trong cả nước, hai năm 2018, 2019 là quãng thời gian cực kỳ khó khăn đối với ông. Giá lợn hơi có lúc giảm chỉ còn 20.000 đồng/kg, rồi dịch lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi liên tiếp xảy ra khiến ai cũng lao đao. 

Tuy vậy, ông Chung vẫn cố gắng trả cả gốc lẫn lãi đúng kỳ hạn nên đầu năm 2020, ông tiếp tục được Quỹ Khuyến nông TP.Hà Nội cho vay 400 triệu đồng.

Lần này, ông Chung thiết kế chuồng trại khép kín theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học, nâng quy mô lên 70 lợn nái, 4 lợn đực và 500 lợn thương phẩm. Định kỳ hàng tuần, hàng tháng, ông vệ sinh, khử trùng, sát khuẩn khắp trang trại. Ngay cả cám mua về ông cũng sát trùng sạch vỏ bao mới đổ cho lợn ăn, nước uống phải qua 2 lần lọc.

Hàng ngày, chỉ có 3 người trong nhà được phép vào trại, trước khi vào phải mặc quần áo đã được khử trùng. Khi thương lái đến bắt lợn, cũng chỉ được xem lợn qua màn hình camera, còn chủ trại sẽ tự lùa đàn lợn ra. Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch, trại lợn của ông Chung luôn an toàn trước dịch bệnh, liên tục thu lãi khá từ năm 2020 đến nay.

Tháo gỡ các rào cản

“Chắp cánh” cho các chủ trang trại Hà Nội làm ăn lớn  - Ảnh 3.

Hệ thống nuôi vịt đẻ khép kín được anh Lê Văn Trẻo đầu tư hiện đại. Ảnh: Minh Ngọc

Theo Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, với việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp từ chính sách đến hỗ trợ vốn vay, đến nay, Hà Nội đã có 1.558 trang trại, trong đó: 34 trang trại trồng trọt, 1.294 trang trại chăn nuôi, 1 trang trại lâm nghiệp, 113 trang trại nuôi trồng thủy sản, 112 trang trại tổng hợp và 4 trang trại du lịch trải nghiệm.

Vốn đầu tư trung bình của 1 trang trại là 3,4 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng của các trang trại trung bình 2,173ha. Bình quân lao động thường xuyên của 1 trang trại là 3,3 người. Tổng doanh thu của các trang trại năm 2020 đạt trên 6.785 tỷ đồng, bình quân 4,355 tỷ đồng/trang trại/năm.

Ông Nguyễn Văn Chí - Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh Thường trực Văn phòng điều phối nông thôn mới TP.Hà Nội cho biết, qua theo dõi, lĩnh vực kinh tế trang trại của Hà Nội thời gian qua phát triển cả theo bề rộng và chiều sâu. Đối với trang trại chăn nuôi, giá trị sản lượng hàng hóa bình quân đạt 2,369 tỷ đồng/trang trại/năm. 

Con số này đối với trang trại tổng hợp là 2,834 tỷ đồng/trang trại/năm. Trang trại trồng trọt đạt giá trị 2,064 tỷ đồng/trang trại/năm, trang trại du lịch 2,4 tỷ đồng/trang trại/năm và trang trại lâm nghiệp đạt 1,1 tỷ đồng. Nhìn chung, kinh tế trang trại trên địa bàn thành phố phát triển theo hướng tập trung, quy mô lớn, gia tăng giá trị, bền vững.

Để có được kết quả này, theo ông Chí, cùng với việc tháo gỡ các rào cản về cơ chế, chính sách, giai đoạn từ 2016-2020, TP.Hà Nội đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, văn bản cụ thể hóa cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển kinh tế trang trại. Đơn cử trong công tác đào tạo, tập huấn, 5 năm qua, Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội đã tổ chức 90 lớp tập huấn với 5.400 lượt học viên là các chủ trang trại tham dự.

Năm 2021, con số này là 15 lớp tập huấn, hiện đã tổ chức được 6 lớp với 360 học viên tham gia, qua đó giúp các chủ trang trại nâng cao năng lực, trình độ quản lý sản xuất, kỹ năng xây dựng, lập phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả…

Nhằm giải quyết đầu ra cho sản phẩm, các địa phương, ngành nông nghiệp cũng đã tạo điều kiện cho các chủ trang trai tham gia hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm; hỗ trợ, hướng dẫn các chủ trang trại thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất… Nhờ đó, nhiều trang trại đã được thuê quỹ đất công ích để phát triển sản xuất, vươn lên làm ăn lớn.


Thiên Hương