Hà Nội tiết kiệm gần 300 triệu đồng mỗi tháng khi khoán xe công

26/06/2020 07:03 GMT+7
Trước đây chi phí bình quân sử dụng xe công tại 8 sở ngành, quận huyện ở thủ đô gần 700 triệu đồng/tháng, khi thí điểm khoán xe công chỉ còn gần 400 triệu đồng.

Ngày 25/6, UBND TP Hà Nội đã báo cáo kết quả thí điểm thực hiện khoán xe công tại 8 đơn vị sau gần ba năm thực hiện. Theo đó, trong 34 tháng qua, các đơn vị thí điểm tiết kiệm được gần 300 triệu đồng mỗi tháng. "Kết quả khoán xe giúp giảm biên chế, tiết kiệm chi phí sử dụng xe chung, tiết kiệm tiền mua xe mới", báo cáo nêu.

8 đơn vị của Hà Nội thực hiện thí điểm khoán xe công từ 1/3/2017, gồm bốn sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Lao động, Thương binh và Xã hội; hai quận Long Biên, Hà Đông và hai huyện Gia Lâm, Thanh Trì.

Hà Nội tiết kiệm gần 300 triệu đồng mỗi tháng khi khoán xe công - Ảnh 1.

Xe biển xanh của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội được niêm phong chờ phương án xử lý khi đơn vị này thực hiện thí điểm khoán xe công từ 1/3/2017. Ảnh: Võ Hải.

Trong đó, 7 đơn vị chọn hình thức khoán cố định hàng tháng đối với từng chức danh, mức khoán cao nhất là 9,3 triệu đồng, thấp nhất 6,5 triệu đồng một người một tháng. Riêng Sở Giao thông Vận tải Hà Nội khoán theo khoảng cách đi công tác thực tế của từng chức danh và đơn giá thanh toán 13.000 đồng/km.

Trước năm 2016, chi phí bình quân sử dụng xe phục vụ công tác chung tại các cơ quan trên gần 700 triệu đồng/tháng. Sau khi thí điểm, chi phí khoán bình quân một tháng của các đơn vị này gần 400 triệu đồng/tháng.

Tổng kinh phí "nuôi" xe công được tính bao gồm: Hao mòn xe, lương lái xe, xăng xe, bảo hiểm, đăng kiểm, bảo dưỡng sửa chữa và chi phí khác liên quan.

Khi khoán xe công, toàn bộ ôtô dôi dư được thu hồi để sắp xếp, xử lý theo đúng quy định. Thành phố đã điều chuyển 32 ôtô dôi dư còn thời gian sử dụng (dưới 15 năm) cho các cơ quan trên địa bàn để sử dụng theo tiêu chuẩn; tiết kiệm số tiền mua sắm trang bị xe khoảng 23 tỷ đồng (32 xe với định mức 720 triệu đồng/xe).

Ngoài ra, số lượng lái xe tại các cơ quan giảm 22 người, trong đó 8 người chuyển công tác sang đơn vị tiếp nhận xe, 2 người chuyển công tác sang cơ quan khác, 5 người chấm dứt hợp đồng lao động và 7 người nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội.

Khối lượng công việc của bộ phận văn phòng các cơ quan liên quan đến công tác quản lý, sử dụng xe, thanh toán chi phí sửa chữa, xăng xe, lệ phí cũng được giảm tải, tạo điều kiện để văn phòng dành nhiều thời gian hơn vào công việc chuyên môn khác.

Tuy nhiên, các đơn vị cũng phản ánh việc khoán xe phát sinh một số bất cập như: Giờ cao điểm hoặc thời tiết mưa, bão việc gọi thuê xe khó khăn, chờ đợi lâu; tài xế taxi không thông thạo đường như lái xe của cơ quan; đi xe taxi tạo tâm lý không an tâm như sử dụng xe cơ quan; khi phát sinh nhiệm vụ cấp bách khó huy động kịp thời xe đặc biệt tại huyện ở xa hoặc vào ban đêm.

Tháng 10/2016, Bộ Tài chính thí điểm khoán kinh phí đưa đón từ nhà đến nơi làm việc cho các Thứ trưởng, Tổng cục trưởng. Việc khoán này được tính theo số km khoán và đơn giá các hãng taxi bốn chỗ phổ biến trên thị trường. Mỗi cá nhân được khoán chi phí cho hai lượt đi và về trong ngày làm việc.

Sau đó, Hà Nội và TP HCM cũng thực hiện thí điểm khoán kinh phí xe công lần lượt vào tháng 3/2017 và tháng 5/2018. Thống kê đến giữa năm 2018 có khoảng 20 bộ, ngành, địa phương đã thực hiện thí điểm khoán xe công.



Theo Võ Hải/VnExpress
Cùng chuyên mục