Hà Nội: Xử lý nhiều dự án sai phạm tại huyện Ba Vì

Thành An Thứ ba, ngày 11/09/2018 16:35 PM (GMT+7)
Liên quan đến một số dự án sai phạm trên địa bàn huyện, điển hình ở xã Yên Bài (54 biệt thự sai phạm), Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, sau khi phát hiện sai phạm huyện đã vào cuộc xử lý.
Bình luận 0

Chiều 11.9, UBND huyện Ba Vì tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội đã báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng nông thôn mới (NTM) 8 tháng đầu năm 2018.

img

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ  Mạnh Hưng phát biểu tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 11.9. Ảnh: T.A

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ  Mạnh Hưng, trong 8 tháng đầu năm, tổng giá trị sản xuất (theo giá hiện hành) huyện Ba Vì ước đạt 13.564 tỷ đồng, bằng 51,4% kế hoạch (KD) năm, tăng 32% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm ngành dịch vụ - du lịch đạt 5.432 tỷ đồng, bằng 49,3% KH năm, tăng 24% so cùng kỳ;  Nông - lâm nghiệp đạt 5.332 tỷ đồng, bằng 55,4% KH năm, tăng 47% so với cùng kỳ; Công nghiệp - xây dựng đạt 2.800 tỷ đồng, bằng 48,5% KH năm, tăng 24% so cùng kỳ.

Trả lời một số câu hỏi của báo chí, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, Ba Vì xác định du lịch là mũi nhọn trực tiếp tăng thu nhập cho huyện. Tuy nhiên, so với tiềm năng phát triển hiện chưa xứng tầm. 

Lý giải cho việc này, ông Hưng cho rằng, trong quá trình phát triển chưa có nhiều tập đoàn, công ty lớn đầu tư, nếu có cũng manh mún; sản phẩm cộng đồng homestay ít, khách du lịch chưa lớn, nhiều dự án đầu tư chưa được triển khai. Khu du lịch Suối Hai chưa được Chính phủ đồng ý phát triển,…

Theo ông Hưng, để Ba Vì phát triển trong thời gian tới, huyện sẽ chú trọng tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của huyện. Đồng thời, phát triển du lịch cộng đồng, thu hút nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn quan tâm mạnh mẽ hơn. “Với những tiềm năng như vậy, nếu làm được thì chắc chắn phát triển” – ông Hưng nói.

Liên quan đến một số dự án sai phạm trên địa bàn huyện, điển hình ở xã Yên Bài (54 biệt thự sai phạm), Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, sau khi phát hiện sai phạm huyện đã vào cuộc xử lý.

“Đối với khu du lịch sinh thái Điền viên thôn, TP và thanh tra đã có kết luận và xử lý cán bộ; Đối với Cung điện Công chúa nhà trời (Cung điện Công chúa), huyện đã tổ chức cưỡng chế trả lại hiện trạng ban đầu, toàn bộ diện tích giao cho UBND xã quản lý, không có việc xây dựng lại; Một số dự án không ảnh hưởng đến quy hoạch, huyện đã có văn bản gửi đến TP xin được giữ lại nhưng chưa được TP chấp thuận” – ông Hưng cho hay.

img

Cơ quan chức năng cưỡng chế công trình "Cung điện Công chúa) tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì sau khi phát hiện sai pham. Ảnh: Nguyễn Chương

Theo báo cáo của UBND huyện Ba Vì, trong 8 tháng đầu năm, UBND huyện Ba Vì đã phê duyệt phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ GPMB 25 tiểu dự án: Đã tiến hành chi trả và bàn giao mặt bằng cho Chủ đầu tư 20 tiểu dự án trên tổng diện tích 54,65ha với số tiền 272,84 tỷ đông của 1.327 phương án.

Đến thời điểm này, huyện đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch chi tiết thị trấn Tây Đằng và quy hoạch chi tiết khu đô thị Tản Viên; Hoàn thành sản phẩm Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 lang sinh thái chè Việt Mông, khu chức năng đặc thù và các chức năng khác tại xã Yên Bài đề nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định trình BBND TP phê duyệt. Hoàn thành chỉ đinh đơn vị tu vấn lập điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu trung tâm 29/30 xã trên địa bàn huyện Ba Vì.

Trước đó, Dân Việt đã đưa tin, tại buổi làm việc của Đoàn giám sát số 1 Thường trực HĐND TP.Hà Nội về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn hai huyện Ba Vì trong ngày 10.5, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.Hà Nội Nguyễn Hoài Nam đặt ra hàng loạt câu hỏi.

Cụ thể, theo ghi nhận của Đoàn giám sát, huyện Ba Vì hiện đang sở hữu 11.000 ha trên tổng số hơn 22.000 ha đất nông, lâm nghiệp của toàn TP, nhưng công tác quản lý còn nhiều bất cập, hạn chế, phát sinh nhiều sai phạm. 

Ngoài ra, huyện cũng có 8 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách và cả 8 dự án này đều chậm triển khai. Nguyên nhân chủ yếu do chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính; chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng.

Đáng chú ý, dự án Khu du lịch Quốc tế cao cấp Tản Viên do Công ty cổ phần Kinh doanh dịch vụ cao cấp dầu khí Tản Viên làm chủ đầu tư được giao đất từ năm 2008, đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng 158,34 ha, nhưng đến nay dự án vẫn chưa triển khai...

Đặc biệt, liên quan đến các công trình xây dựng tại xã Yên Bài, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.Hà Nội Nguyễn Hoài Nam cho biết, thời điểm hiện tại, xã Yên Bài “mọc” lên một công trình rộng 9.000 mét vuông như một cung điện.

Ông Nguyễn Hoài Nam đặt ra hàng loạt câu hỏi: “Không thể không biết ở đây có chuyện gì. Người dân đồn thổi, phải chăng của một lãnh đạo cấp cao. Tôi sẽ đề nghị Chủ tịch UBND TP làm rõ vấn đề này, làm đến cùng xem nó là cái gì. Chúng ta đang nói đến phòng chống tham nhũng mà ngang nhiên thế này, coi thường kỷ cương thì không được. Các đồng chí phải báo cáo đã kiểm tra thế nào, phát hiện thế nào, lập biên bản chưa, giấy phép xây dựng có hay không có, làm đúng quy định hay không?”

13/30 xã đạt chuẩn Nông thôn mới

Tại buổi họp báo, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết, thực hiện Chương trình số 02-CTr/HU của Huyện Ba Vì về “Phát triển  kinh tế, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nhân dân” giai đoạn 2016-20120, đến hết năm 2017, toàn huyện có 13/30 (đạt 43,33%) xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM; năm 2018 phấn đấu thêm 2 xã.

Đối với 15 xã còn lại chưa hoàn thành xây dựng NTM, UBND huyện các xã đã tích cực triển khai kế hoạch thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, trong đó tập trung triển khai thực hiện các tiêu chí dễ làm cần ít kinh phí như giữ gìn cảnh quan, vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa,… Đến năm 2019, phấn đấu thêm 6 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 21/30 xã (70%).

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, để đạt được những kết quả trên huyện nhận được sự quan tâm của TP, chỉ đạo tích cực của Huyện ủy, HĐND huyện, sự  phối hợp có hiệu quả trong đó tổ chức thực hiện giữa các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội, huy động được cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tạo được sự đồng thuận của toàn dân đối với chủ trường xây dựng NTM.

Bên cạnh đó, hệ thống quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện Chương trình đã được thành lập từ huyện đến cơ sở và luôn được củng cố, kiện toàn.

Ngoài ra, do xuất phát điểm của các xã còn thấp, kinh tế xã hội chậm phát triển, đặc biệt là 7 xã đồng bào dân tộc miền núi và 1 xã giữa sông. Nhu cầu cần đầu tư nâng cấp về xây dựng cơ sở hạ tầng quá lớn như trường học, nhà văn hóa, sân vận động trung tâm, hệ thống đường giao thông nông thôn, đường giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi,…

Nguồn lực đầu tư xây dựng NTM từ ngân sách còn hạn chế, chưa huy động và thu hút được nhiều doanh nghiệp trên địa bàn, các đơn vị xã hội hóa tham gia phát triển nông nghiệp chất lượng cao.

Để hoàn thành kế hoạch nhiệm vụ công tác xây dựng NTM đến năm 2020, UBND huyện đề nghị Ban chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội, UBND và các sở ngành TP tiếp tục có cơ chế chính sách huy động nguồn lực và ưu tiên hỗ trợ kinh phí cho huyện Ba Vì đầu tư đạt chuẩn  các tiêu chí còn chưa đạt đối với 15 xã còn lại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem