Hà Văn Thắm: Nếu biết hình sự, bị cáo ép đồng nghiệp cũng không làm

Thứ tư, ngày 06/09/2017 18:02 PM (GMT+7)
Nói về chi lãi ngoài gây thất thoát hơn 1.500 tỷ cho Oceanbank, Hà Văn Thắm nói lúc đó không biết sẽ bị xử lý hình sự. Nếu biết các đồng nghiệp của ông có bị ép cũng không làm.
Bình luận 0

Hà Văn Thắm phủ nhận môi giới để nhận 1.200 tỷ đồng Hà Văn Thắm khẳng định: “Không có chuyện môi giới để nhận 1.200 tỷ mà chỉ có 500 tỷ bị cáo chi cho Đại Tín chăm sóc khách ngân hàng nên nhận lại. Không có chuyện môi giới ở đây".

Chiều 6.9, phiên xử Hà Văn Thắm cùng 50 bị cáo khác tiếp tục diễn ra. Luật sư Trương Thị Minh Thơ và Nguyễn Thị Thanh Thảo (hai luật sư bào chữa cho bà Hứa Thị Phấn, đại diện nhóm cổ đông Ngân hàng Đại Tín - TrustBank) tham gia xét hỏi các bị cáo Hà Văn Thắm liên quan đến việc chuyển nhượng Ngân hàng TMCP Đại Tín và khoản vay 500 tỷ của Công ty Trung Dung.

"Không có chuyện môi giới để nhận 1.200 tỷ"

Trả lời câu hỏi của luật sư Trương Thị Minh Thơ, bị cáo Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank) cho biết ông quen bà Phấn năm 2010 -2011 vì người phụ nữ này là cổ đông lớn của Ngân hàng Đại Tín. Giữa Đại Tín và Oceanbank có quan hệ qua lại như gửi tiền liên ngân hàng, hợp tác.

Theo bị cáo Thắm, đầu năm 2011, cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank và phía bà Phấn ký thỏa thuận ghi nhớ chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín. Theo thỏa thuận biên bản ghi nhớ, phía Oceanbank được đưa người vào kiểm tra, tiếp cận hồ sơ của Ngân hàng Đại Tín để mua hay không. Thấy ngân hàng này có nhiều khoản vay lớn chưa được giải quyết, đồng thời đã chi một lượng tiền lớn để chăm sóc khách hàng nên Oceanbank quyết định dừng việc mua bán.

Trước câu hỏi của luật sư: "Như anh đã khai trong quá trình điều tra, khi giới thiệu chuyển cho ông Danh anh sẽ được 1.200 tỷ. Anh biết ngân hàng xấu, tại sao vẫn giới thiệu cho ông Phạm Công Danh, để anh Danh gánh hậu quả?, bị cáo Hà Văn Thắm nói: “Không có chuyện môi giới để nhận 1.200 tỷ mà chỉ có 500 tỷ bị cáo chi cho Đại Tín chăm sóc khách ngân hàng nên nhận lại. Không có chuyện môi giới ở đây".

Ngoài ra, Hà Văn Thắm cũng khai trên cơ sở đánh giá ngân hàng Đại Tín, Oceanbank thấy không đủ năng lực tài chính để sáp nhập. Thời điểm này, ông Danh nói có 50.000 tỷ nên các bên tiến hành chuyển nhượng. Khẳng định ông Danh biết rõ tình trạng kinh doanh của Đại Tín, bị cáo Thắm nói: “Bị cáo không lừa gì ở đây. Bị cáo không mua cổ phần bán cho ông Danh. Quyền mua là của ông Danh và quyết định của Ngân hàng Nhà nước”.

Về giấy chứng nhận sở hữu cổ phần của nhóm bà Phấn, Hà Văn Thắm nói bị cáo không chiếm đoạt mà đã trả cho Phạm Công Danh theo sự đồng ý của Hứa Thị Phấn. “Bị cáo giữ không trả thì tổ chức tín dụng phát thông báo mất, phát hành cái mới là xong, bị cáo không thể chiếm đoạt. Thực tế cái này không bị mất, bà Sáu Phấn bán cho anh Danh. Không ai chiếm đoạt cái giấy đó”, cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank nói và khẳng định bản thân không hưởng lợi trong việc này.

img

Cảnh sát dẫn giải Hà Văn Thắm về trại tạm giam sau phiên xử chiều 6.9. Ảnh: Việt Hùng

"Nếu biết hình sự bị cáo có ép, ra lệnh, dọa nạt các đồng nghiệp cũng không làm"

Sau ít phút giải lao, luật sư Ngô Huy Ngọc, người bào chữa cho bị cáo Lê Thị Thu Thủy (nguyên Phó tổng giám đốc Oceanbank) đã đặt nhiều câu hỏi cho cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm. Theo bị cáo Thắm, thông qua một số công ty cá nhân và cổ đông cho mượn vốn, ông giữ gần 73% cổ phần ngân hàng trên.

"Trong trường hợp Oceanbank bị thiệt hại về hành vi Cố ý làm trái thì thiệt hại đó có liên quan gì đến sở hữu của anh không?". Bị cáo Thắm nói: "Cổ đông sở hữu cổ phần là vốn điều lệ, còn tiền Oceanbank chi chăm sóc khách hàng là tiền hoạt động kinh doanh. Hai khoản tiền đó khách nhau. Bị cáo nghĩ Oceanbank không thiệt hại và bị cáo cũng không thiệt hại.

Trước việc Ngân hàng Nhà nước mua lại Oceanbak với giá 0 đồng, bị cáo Thắm nói lúc đó đã bị bắt nên khoảng 1 năm sau mới biết tin.

Với câu hỏi khi thực hiện chủ trương chi lãi ngoài để huy động vốn, bị cáo có ý thức sẽ bị phạm pháp hình sự hay không? Trả lời luật sư Ngô Huy Ngọc, bị cáo Thắm đáp rằng bản thân và đồng nghiệp đều không nhận thức được hình phạt. Theo cựu Chủ tịch HĐQT ngân hàng Đại Dương, trong thông tư 02 được Ngân hàng Nhà nước ban hành chỉ nói chi lãi sẽ bị cách chức 3 năm. "Bị cáo thừa nhận bị cáo và đồng nghiệp làm sai công văn đó nhưng vì hoàn cảnh bắt buộc phải làm, vì cứu thanh khoản ngân hàng nên xác định với nhau bị Thống đốc cách chức cũng phải chịu. Nếu như xác định là bị hình sự thì chắc là bị cáo có ép, có ra lệnh, có dọa nạt thì các đồng nghiệp cũng không làm“, bị cáo Hà Văn Thắm nói.

Luật sư Ngô Huy Ngọc hỏi từ năm 2010 đến 2014, mỗi năm có bao nhiêu đoàn thanh tra và trách nhiệm của họ ra sao về việc cảnh báo sai phạm. Theo lời Thắm, có 2 hình thức giám sát từ Ngân hàng Nhà nước đó là thanh tra toàn diện và giám sát từ xa hàng ngày thông qua báo cáo hệ thống ngân hàng điện tử gửi cuối ngày. "Khi bị cáo bị bắt thì Ngân hàng Nhà nước không có bất cứ cảnh báo, nhắc nhở nào liên quan việc chi lãi suất vượt trần", bị cáo Thắm khẳng định.

img

Luật sư Nguyễn Thị Minh Thơ tham gia xét hỏi Hà Văn Thắm. Ảnh: Việt Hùng

Đề cập đến việc nhóm kế toán của Oceanbank bị quy kết giữ vai trò giúp sức, Thắm khẳng định lúc đầu bị cáo chỉ nói với Lê Thị Thu Thủy (Phó tổng giám đốc Oceanbank) làm các thủ tục để tạm ứng, không nói để làm gì. Đến năm 2012, Thủy hỏi thì Thắm mới nói chi chăm sóc khách hàng.

Luật sư nói, tại phiên tòa lần một, bị cáo có nhắc đến việc mình lừa bị cáo Thủy, vậy bị cáo có thể mô tả dễ hơn? Trả lời luật sư, bị cáo Thắm nói: "Không phải lừa vì chị Thủy không dễ lừa gì cả. Mà do khối kế toán như chị Thủy không liên quan đến kinh doanh. Bị cáo là lãnh đạo cấp trên đã lệnh các chị ấy phải làm như vậy”.

Từ lý lẽ của mình, Hà Văn Thắm không đồng ý với quan điểm Lê Thị Thu Thủy là người giúp sức tích cực mà cho rằng nữ bị cáo phải là người "cản tích cực nhất".

Được luật sư mời tham gia xét hỏi, Lê Thị Thu Thủy mong HĐXX xem xét lại việc cáo buộc nữ bị can này liên quan số tiền hơn 1.500 tỷ thất thoát. “Con số 1.576 là chưa khách quan về con số bị cáo liên quan. Về cơ bản, bị cáo nhận chỉ thị từ anh Thắm từ 2012. Về mặt chứng cứ vật chứng, bị cáo ký chứng từ gì thì mới phải chịu liên đới. Số tiền này khoảng hơn 300 tỷ”, cựu Phó tổng giám đốc Oceanbank giải trình.

Nhóm phóng viên (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem