HAGL và Vietnam Airlines giữ quán quân và á quân trả nợ 2019

27/02/2020 13:28 GMT+7
Có khoảng 21 doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán đã trả nợ vay trên 1000 tỷ đồng năm 2019, trong đó HAGL và Vietnam Airlines giữ vị trí quán quân và á quân.
HAGL và Vietnam Airlines giữ quán quân và á quân trả nợ 2019 - Ảnh 1.

Những doanh nghiệp giảm nợ vay lớn năm 2019

Quán quân trả nợ thuộc về Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HoSE: HAG). Năm qua, với sự trợ giúp của đối tác chiến lược Ôtô Trường Hải (Thaco), HAGL đã giảm nợ vay từ 21.754 tỷ đồng về 14.698 tỷ đồng, tức giảm được 7.055 tỷ đồng.

HAGL và Vietnam Airlines giữ quán quân và á quân trả nợ 2019 - Ảnh 2.

Kết quả kinh doanh HAG

Trong đó, khoảng 3.000 tỷ đồng là công ty thanh toán trái phiếu thường đến hạn và 2.153 tỷ đồng chuyển đổi trái phiếu thành cổ phần HNG Agrico cho trái chủ Thaco. Việc chuyển đổi đã khiến tỷ lệ sở hữu của HAGL tại HNG Agrico giảm xuống 49,24%, dù vậy, HNG Agrico vẫn là công ty con và được hợp nhất vào BCTC hợp nhất công ty. Đồng thời, HAGL cũng giảm nợ vay ở các ngân hàng như BIDV, HDBank, Sacombank… hơn 1.500 tỷ đồng.

Tại lễ kỷ niệm 1 năm hợp tác chiến lược, ông Trần Bá Dương – Chủ tịch Thaco đã đầu tư 22.194 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD) vào HAGL và đơn vị đã cơ bản ổn định dòng tiền, tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp.

Năm 2019 cũng là năm lãi cao nhất kể từ 2016 với lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ là 263 tỷ đồng. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế lại âm kỷ lục 1.609 tỷ đồng do chi phí lãi vay, chi phí chuyển đổi vườn cây và đánh giá lại tài sản lớn.

Hàng không Vietnam Airlines giảm hơn 6000 tỷ đồng

HAGL và Vietnam Airlines giữ quán quân và á quân trả nợ 2019 - Ảnh 3.

Nợ vay và chi phí lãi vay Vietnam Airlines

Hãng hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines (HoSE: HVN) giữ vị trí á quân khi đã giảm được 6.531 tỷ đồng nợ vay xuống 31.935 tỷ đồng.

Vietnam Airlines đã từng có cơ cấu tài chính bất cân đối, tổng nợ vay của đơn vị năm 2016 lên đến 60.865 tỷ đồng, chiếm 63% tổng nguồn vốn, nợ phải trả 80.235 tỷ đồng, chiếm 83%. Do vậy, trong những năm gần đây, đơn vị từng bước thay thế đội bay bằng phương thức thuê hoạt động, bán đi các máy bay cũ giúp giảm nợ vay đáng kể. Tính đến hết 2019, tổng nợ vay đã giảm gần một nửa và chỉ còn chiếm tỷ 42% tổng nguồn, nợ phải trả chiếm 76%.

Nhờ vậy, chi phí lãi vay của đơn vị năm 2019 đã giảm được 156 tỷ đồng xuống 1.405 tỷ đồng.

Hoa Sen trả hơn 4000 tỷ đồng cho 3 chủ nợ ngân hàng lớn

Mải miết với kế hoạch mở rộng, kể từ năm 2017 Hoa Sen (HoSE: HSG) bắt đầu tăng nợ vay, song qua giai đoạn khó khăn sau đó doanh nghiệp bắt đầu rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính, chi phí lãi vay bào mòn lợi nhuận. Do đó, niên độ 2018-2019, tập đoàn mạnh tay giảm hàng tồn kho, tái cấu trúc hệ thống phân phối trả nợ vay.

Niên độ vừa qua, Hoa Sen đã trả tổng cộng gần 4.700 đồng giảm nợ vay xuống 9.700 tỷ đồng. Riêng 3 chủ nợ lớn VietinBank, BIDV và Vietcombank là gần 4.000 tỷ đồng. Nhờ giảm hàng tồn kho để trả nợ, dòng tiền kinh doanh của HSG đạt 5.181 tỷ đồng, tăng mạnh so con số 499 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Trong quý I niên độ 2019-2020, Hoa Sen trả thêm hơn 300 tỷ đồng giảm nợ vay xuống 9.379 tỷ đồng

Tương tự, Thép Nam Kim (HoSE: NKG) cũng giảm cả 1.300 tỷ đồng nợ vay năm qua, tổng nợ vay còn 3.092 tỷ đồng, giảm 32%.

Các doanh nghiệp nhà nước như Becamex, EVN Genco3, Lọc hóa dầu Bình Sơn, PV Power, PV GAS… cũng đã giảm nợ vay hàng ngàn tỷ đồng trong năm qua.

Hồng Nhung
Cùng chuyên mục