Hải Dương: Xử phạt 2 trường hợp kinh doanh bến bãi ở Kim Thành

Tâm Đức Thứ năm, ngày 24/09/2020 16:49 PM (GMT+7)
Cả 2 trường hợp này đều vi phạm pháp luật về đê điều trên bãi thuộc tuyến đê tả sông Lai Vu.
Bình luận 0

Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Hải Dương vừa xử phạt hai hộ ông Đặng Văn Kiên ở xã Cộng Hòa và ông Đặng Văn Công ở xã Thượng Vũ (cùng huyện Kim Thành) với tổng số tiền 60 triệu đồng.

Cả 2 hộ dân trên đều kinh doanh bến bãi không phép, vi phạm pháp luật về đê điều trên bãi thuộc tuyến đê tả sông Lai Vu.

Trước đó, Báo Dân Việt đã đăng một số bài viết phản ánh tình trạng các bãi than không phép ngang nhiên hoạt động tại khu vực chân cầu Mây thuộc huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.

Xử phạt 2 trường hợp kinh doanh bến bãi ở Kim Thành - Ảnh 1.

Điều đáng quan ngại là mặc dù Thủ tướng chính phủ đã có chỉ đạo cụ thể, UBND tỉnh Hải Dương cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải báo cáo nội dung có liên quan đén hoạt động của các bãi than tại khu vực cầu Mây thuộc địa bàn huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương trước ngày 20/9 nhưng đến nay vẫn chưa có đơn vị nào nộp.

Trao đổi với PV Báo Dân Việt, ông Đỗ Tiến Bậc, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Hải Dương cho biết, đến sáng ngày 22/9, đơn vị chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào của các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan đến hoạt động của các bãi than không phép tại khu vực chân cầu Mây thuộc huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.

Trước đó, ngày 10/9, Văn phòng Chính phủ có Công văn 7503/VPCP-NN truyền đạt ý kiến Thủ tướng Chính phủ về yều cầu kiểm tra, xử lý nghiêm các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm.

Xử phạt 2 trường hợp kinh doanh bến bãi ở Kim Thành - Ảnh 2.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã giao cho Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương là đầu mối chủ trì, phối hợp, báo cáo để tỉnh báo cáo Thủ tướng và các bộ, ngành Trung ương. Sở Nông nghiệp và PTNT (đơn vị chủ trì) đề nghị các cơ quan: UBND huyện Kim Thành, Công an tỉnh Hải Dương, Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch Đầu tư, Nông nghiệp và PTNT, Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Hải Dương báo cáo về nội dung hàng chục bãi than trên địa bàn huyện Kim Thành vi phạm Luật đê điều, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tiến hành xử lý nghiêm túc các vi phạm nếu có theo đúng quy định của pháp luật trước ngày 19/9. 

Tuy nhiên đến nay, chưa có cơ quan, đơn vị, địa phương nào thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Hải Dương.

Theo Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh, căn cứ Luật đê điều thì UBND cấp huyện có các nhiệm vụ, quyền hạn: "Tổ chức thực hiện việc quản lý, bảo vệ, tu bổ, nâng cấp, kiên cố hóa đê điều và hộ đê trên địa bàn. 

Chỉ đạo UBND cấp xã phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc thực hiện phương án phát triển hệ thống đê điều, phương án phòng, chống lũ của tuyến sông có đê trên địa bàn huyện trong quy hoạch tỉnh, kế hoạch đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp, kiên cố hóa, bảo vệ, sử dụng đê điều và hộ đê. 

Đồng thời, tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về đê điều và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều; giải quyết theo thẩm quyền khiếu nại, tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật về đê điều trong phạm vi địa phương theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo".

Xử phạt 2 trường hợp kinh doanh bến bãi ở Kim Thành - Ảnh 3.

Thủ tường chính phủ đã có chỉ đạo, UBND tỉnh Hải Dương cũng có văn bản yêu cầu các đơn vị, cơ quan, địa phương báo cáo cụ thể về hoạt động của các bãi than không phép tại khu vực cầu Mây nhưng mọi hoạt động ở đây vẫn diễn ra bình thường

UBND cấp xã có các nhiệm vụ ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đê điều theo thẩm quyền, trường hợp vượt quá thẩm quyền phải báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý.

Như vậy có thể thấy UBND cấp huyện, xã là cơ quan quản lý trực tiếp quản lý đê điều trên địa phận mình quản lý. Khi để xảy ra việc xâm phạm thì trách nhiệm trước tiên sẽ thuộc về mình. Chính vì vậy mà cán bộ, công chức để những sai phạm diễn ra mà không xử lý có thể sẽ bị xử lý theo quy định của Luật cán bộ, công chức.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) bày tỏ quan điểm, theo quy định pháp luật thì người nào vi phạm pháp luật về đê điều thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính theo quy định pháp luật. Tổ chức vi phạm pháp luật về đê điều thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Cụ thể hành vi khai thác đất, đá, cát, sỏi, khoáng sản trong phạm vi bảo vệ đê điều có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng (điểm c khoản 6 điều 20 Nghị định 104/2017/NĐ-CP). Hành vi khai thác trái phép cát, sỏi, khoáng sản làm tăng rủi ro thiên tai mà không có biện pháp xử lý, khắc phục có thể bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng (điểm b khoản 4 Điều 5 Nghị định 104/2017/NĐ-CP). Hành vi khoan, đào khảo sát địa chất; khoan, đào thăm dò, thi công công trình khai thác nước dưới đất; khoan, đào thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (Khoản 5 Điều 1 Nghị định 65/2019/NĐ-CP). Đây là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân, đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu hoặc buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi vi phạm.

Theo thông tin báo chí phản ánh thì tại chân cầu Mây thuộc huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương có 5 hộ hoạt động kinh doanh, chế biến than và tất cả các bãi than ở đây thì đều không có giấy phép, mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần ra quyết định xử phạt tuy nhiên hoạt động sơ chế, vận chuyển than vẫn diễn ra. 

Sự thiếu ý thức của cá nhân, tổ chức kèm theo đó việc xử lý chưa dứt khoát của chính quyền địa phương có thể sẽ đem lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng như sạt lở đất, lũ lụt, thủy triều, dẫn đến thiệt hại về người và tổn thất về tài sản, ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội.

Trao đổi với PV Báo Dân Việt, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Hải Dương Đỗ Tiến Bậc cho biết thêm, việc vi phạm của các bãi kinh doanh than trên địa bàn huyện Kim Thành từ nhiều năm qua liên quan đến nhiều ngành và địa phương. Không chỉ riêng lĩnh vực đê điều thuộc ngành nông nghiệp mà còn liên quan đến ngành Tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, công thương, các địa phương sở tại và UBND huyện Kim Thành.

Hiện, huyện Kim Thành hiện có 15 bến bãi tập trung dọc tuyến đê tả sông Lai Vu. Hầu hết các bãi kinh doanh ở đây đều không phép hoặc giấy phép đã hết hạn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem