Hai kịch bản của lãi suất thời hậu đại dịch Covid-19

Quốc Hải Thứ năm, ngày 07/05/2020 17:30 PM (GMT+7)
Sẽ có 2 kịch bản xảy ra với mặt bằng lãi suất, tùy thuộc vào tình hình diễn biến của việc khống chế dịch Covid-19…
Bình luận 0

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng đã có phân tích về xu hướng lãi suất trong thời gian tới. Theo ông Hiếu, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì lãi suất cần phải giảm, và một số ngân hàng (NH) lớn đã giảm lãi suất cho vay. Thế nhưng, đây cũng chưa phải là xu hướng chung bởi vì các NH lớn thì có điều kiện để giảm lãi suất cho vay; trước hết là khách hàng của họ là những khách hàng lớn, kế đến là nguồn vốn huy động của các NH này cũng dồi dào nên có thể giảm cả hai đầu lãi suất cho vay và lãi suất huy động.

img

TS Nguyễn Trí Hiếu (Ảnh: IT)

Tuy nhiên, với các NH nhỏ thì cũng rất khó khăn trong việc huy động vốn. Hiện tại, một số NH lại có xu hướng tăng lãi suất huy động lên, đặc biệt thời điểm này dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lên rất nhiều cơ sở kinh doanh, nhiều DN giảm doanh thu và thậm chí là mất doanh thu. Do đó, việc huy động vốn của các NH nhỏ ngày càng khó khăn hơn.

Khi NH nhỏ khó khăn trong việc huy động vốn thì lãi suất của họ không thể nào giảm được, thậm chí còn phải tăng lãi suất lên nữa để tăng huy động vốn thêm nữa. Vì vậy, hiện tại có 2 xu hướng: Một số NH có thể giảm lãi suất nhưng cũng có nhiều NH không thể giảm được. Các xu hướng này sẽ diễn biến thế nào vào những tháng tới thì nó phụ thuộc rất nhiều vào tình hình khống chế dịch bệnh.

“Nếu chúng ta hoàn toàn kiểm soát được dịch bệnh trong vòng 1 tháng tới, nghĩa là số ca nhiễm không tăng, thì có thể bắt đầu từ tháng 6 nền kinh tế sẽ hồi phục nhanh hơn. Hiện tại Chính phủ đã tuyên bố đẩy lùi được dịch bệnh nhưng cái ‘đẩy lùi’ ở đây có nghĩa là khống chế được tình trạng lây nhiễm, phát sinh ca nhiễm mới. Thế nhưng, liệu rằng dịch bệnh vẫn còn tồn tại hay không lại là vấn đề khác.

Hiện tại, vừa mở cửa nền kinh tế được một tuần lễ thì mọi người lại chạy ào ra đường, các trung tâm mua bán, nhà hàng, trường học… hoạt động trở lại. Liệu trong tình hình này thì dịch bệnh sẽ phát triển như thế nào thì chưa ai biết được”, ông Hiếu băn khoăn.

Theo ông Hiếu, trong mấy ngày nay chưa có thêm ca nhiễm bệnh, nhưng với tình hình có sự chung đụng mạnh mẽ giữa con người với con người thế này thì chuyện lây nhiễm theo dự báo của cá nhân chuyên gia này, là có nguy cơ sẽ xảy ra.

“Nếu dịch bệnh tiếp tục xảy ra, làm tăng tình trạng người nhiễm bệnh, thì cả nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng do có thể sẽ xảy ra trạng thái cách ly, giãn cách xã hội như trước đây. Cho nên, tất cả đều phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh trong tháng 5 này. Sẽ có 2 kịch bản xảy ra, với kịch bản 1 - nếu kiểm soát tốt trong tháng 5 và bắt đầu tháng 6 kinh tế sẽ phục hồi nhanh, khi đó vấn đề hạ lãi suất sẽ được đẩy mạnh hơn do chủ trương của Chính phủ, sự hợp tác của các NH, và để hỗ trợ các DN thì các NH sẽ giảm lãi vay. Song với kịch bản 2 - nếu tình hình dịch bệnh lại một lần bùng phát nữa trong thời gian tới thì sẽ đẩy nền kinh tế vào tình trạng khó khăn hơn trước nhiều. Và do đó, vấn đề lãi suất là rất khó lường trong tương lai”, ông Hiếu bình luận.

Trong khi đó, theo đánh giá của một số công ty chứng khoán, do lãi suất huy động khó giảm sâu, nên lãi suất cho vay được kỳ vọng cũng không giảm mạnh.

Cụ thể, theo Công ty Chứng khoán VnDirect, lãi suất huy động khó giảm sâu do ngành NH cần duy trì nguồn vốn huy động dài hạn để đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung- dài hạn ở mức 40% đến 30/9/2020. Do đó, lãi vay cũng khó giảm mạnh trong những tháng còn lại của năm 2020.

Về mặt bằng lãi suất cho vay, Chính phủ ra chỉ thị yêu cầu NH giảm 50 điểm cơ bản lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên. Ngoài ra, NH cũng được khuyến khích giảm thêm lãi suất để hỗ trợ khách hàng, dựa trên đánh giá của NH về hoạt động của khách hàng. Cho đến nay, một số NH đã giảm lãi suất tới 2%. Tuy nhiên, lãi suất ưu đãi thường được áp dụng cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và mức độ giảm lãi suất khác nhau giữa mỗi khách hàng.

"Lãi suất cho vay sẽ giảm trung bình 1% cho các khách hàng bị ảnh hưởng, nhưng lãi suất sẽ dần tăng trở lại sau khi dịch bệnh qua đi. Dịch bệnh được dự báo sẽ kết thúc vào giữa năm 2020, do đó lãi suất cho vay bình quân được kỳ vọng chỉ giảm khoảng 50 điểm cơ bản trong năm 2020", VnDirect nhận định.

Ở một góc độ khác, tại Báo cáo Chiến lược đầu tư tháng 5/2020 của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa được công bố, công ty chứng khoán này đưa ra nhận định, nhiệm vụ giảm lãi suất cho vay có thể khiến khả năng mở rộng NIM (thu nhập lãi thuần/tài sản sinh lãi) của các NH bị hạn chế so với giai đoạn trước khi diễn ra dịch bệnh. Bởi lẽ, mặc dù áp lực huy động giảm khi nhu cầu vay mượn thấp và động thái điều tiết của NHNN (giảm lãi suất điều hành, tác động thị trường OMO…) sẽ giúp lãi suất huy động giảm theo sau mức lãi suất cho vay, song tốc độ sẽ chậm hơn và khả năng tăng tỷ trọng dư nợ của nhóm khách hàng có lãi suất cho vay cao bị hạn chế.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem