Hai kịch bản tăng trưởng từ tác động của Covid-19: Trong nguy có cơ!

Quang Dân Thứ hai, ngày 30/03/2020 16:20 PM (GMT+7)
Tổng cục Thống kê đã xây dựng hai kịch bản tăng trưởng với dự kiến nếu dịch Covid-19 được khống chế kịp thời trong quý II/2020, hoặc kéo dài sang quý III năm 2020.
Bình luận 0

Số liệu từ Tổng Cục Thống kê cho thấy, do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế quý I năm 2020 của nước ta đạt 3,82%, đây là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 10 năm 2011-2020 với sự sụt giảm tăng trưởng ở cả ba khu vực. 

Theo đó, khu vực nông – lâm - thủy sản chỉ tăng 0,08%, trong đó, ngành nông nghiệp tăng trưởng âm 1,17%, ngành lâm nghiệp tăng 5,03% nhưng chiếm tỷ trọng thấp, ngành thủy sản tăng 2,79% - thấp hơn mức tăng 4,96% và 5,42% của cùng kỳ các năm 2018 và 2019.

Khu vực công nghiệp và xây dựng chỉ tăng 5,15%, trong đó ngành khai khoáng tăng trưởng âm 3,18% trong khi ngành công nghiệp chế biến chế tạo (động lực chính của GDP) chỉ tăng 7,12% (thấp hơn nhiều mức tăng 12,3% của cùng kỳ năm 2019).

Khu vực dịch vụ với tỷ trọng lớn nhất trong GDP (43%) cũng chỉ tăng 3,27% trong quý I/2020, giảm một nửa so với mức tăng 6,5% của cùng kỳ năm ngoái.

Cũng trong quý I/2020, khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18.600 doanh nghiệp, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.

Hai kịch bản về tăng trưởng kinh tế quý II/2020 từ tác động của Covid-19 - Ảnh 1.

Nếu dịch Covid-19 được khống chế kịp thời trong quý II/2020, hoặc kéo dài sang quý III năm 2020 thì tăng trưởng GDP cả năm đều đạt trên 5%.

Hai kịch bản tăng trưởng 

TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tăng trưởng 6,8% cả năm như đề ra là mục tiêu rất khó khăn. Tuy nhiên, trên cơ sở dự kiến những tác động trực tiếp và gián tiếp của dịch Covid-19 tới các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, tác động của suy giảm thương mại và tăng trưởng kinh tế thế giới, với độ mở cao của nền kinh tế, Tổng cục đã xây dựng hai kịch bản tăng trưởng với dự kiến nếu dịch Covid-19 được khống chế kịp thời trong quý II/2020, hoặc kéo dài sang quý III năm 2020 thì tăng trưởng GDP cả năm đều đạt trên 5%.

Trường hợp dịch Covid-19 được kiểm soát và khống chế ngay trong quý II; dịch tả lợn châu Phi được khống chế hoàn toàn, tái đàn lợn thành công; các ngành công nghiệp chế biến chế tạo được cung cấp đầy đủ nguyên vật liệu phục vụ sản xuất; Chính phủ có giải pháp giải ngân hết vốn đầu tư công và có các chính sách thuế, chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ khu vực doanh nghiệp, các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể; hệ thống phân phối lưu thông cung cấp đầy đủ phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại sau dịch Covid-19 thì nền kinh tế vẫn có khả năng tăng trưởng đạt mục tiêu 6,8%.

“Tôi lưu ý, trong bức tranh tăng trưởng kinh tế quý I năm nay, chỉ có một số ngành thuộc khu vực dịch vụ duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định như: tài chính ngân hàng có tốc độ tăng 7,2%, thông tin truyền thông đạt 7,78%, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt 9,97%. Đây là những mảng sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế quý I năm nay”, ông Lâm cho hay.

Với các kịch bản tăng trưởng này, ông Lâm nhấn mạnh 5 động lực chính sẽ giúp Việt Nam đạt được kết quả trên. Đầu tiên là động lực từ thể chế, tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế.

Bởi, tháo gỡ về thể chế sẽ tháo gỡ được giải ngân vốn đầu tư công. Giải ngân 1% vốn đầu tư công sẽ làm cho GDP tăng thêm 0,06 điểm phần trăm. Nâng cao hiệu quả đầu tư công, tháo gỡ nút thắt sẽ nâng tăng trưởng kinh tế”- ông Nguyễn Bích Lâm phân tích.

Hai là, khi giải ngân được vốn đầu tư công sẽ kéo theo vốn đầu tư ngoài nhà nước và FDI giải ngân tiếp. Khi đó, làm thế nào để nâng cao hiệu quả của vốn đầu tư này. “Chúng tôi tính toán, nếu ICOR giảm được 0,5 lần thì GDP tăng được 0,64 điểm phần trăm; nếu hệ số ICOR giảm 1 lần thì GDP tăng thêm được 1,42%. Nên nâng cao hiệu quả vốn đầu tư sẽ là giải pháp trước mắt và dài hạn” – ông Lâm chỉ rõ.

Động lực thứ ba là nâng cao năng suất lao động. Đây là động lực tăng trưởng quan trọng nhất của nền kinh tế bởi năng suất lao động nếu tăng được 1% thì làm GDP toàn nền kinh tế tăng 0,94%; chuyển dịch cơ cấu lao động giảm 5% lao động của khu vực nông, lâm và thủy sản sang khu vực công nghiệp xây dựng tăng 2,5% và khu vực dịch vụ tăng 2,5%, sẽ làm cho GDP toàn bộ nền kinh tế tăng 0,25%.

2 động lực còn lại là, tiêu dùng của hộ dân cư là động lực rất tốt cho tăng trưởng kinh tế, phát triển đô thị và nhóm động lực tổng hợp được triển khai ngay trong các quý còn lại của năm 2020.

Hai kịch bản về tăng trưởng kinh tế quý II/2020 từ tác động của Covid-19 - Ảnh 2.

Cơ hội cho các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bênh Covid-19.

Trong nguy có cơ

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, bên cạnh những khó khăn, vẫn có những cơ hội cho các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bênh Covid-19.

Trao đổi với Dân Việt, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, tình hình quý II/2020 sẽ được cải thiện bởi vì kinh tế của Trung Quốc đã bắt đầu hồi phục, họ đã bắt đầu nhập khẩu các sản phẩm của Việt Nam. Bên cạnh đó, sản phẩm nguyên liệu cho may mặc, da giày; các linh kiện điện tử của Samsung đã bắt đầu được thông qua.

"Tôi hy vọng rằng dịch sẽ dịu bớt đi, những thị trường quen thuộc của Việt Nam như thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ được hồi phục trở lại. Nên sẽ có sự tăng trưởng cao hơn so với quý I/2020", ông Doanh nói.

Để bắt nhịp được sự phục hồi này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, đây là thời điểm vàng để các doanh nghiệp lợi dụng để tái cơ cấu, đầu tư vào nâng cao tay nghề, nâng cao chất lượng nguồn năng lực, đặc biệt là đẩy mạnh các phương pháp bán hàng qua mạng. Tận dụng các kênh thương mại điện tử và dịch vụ giao hàng để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo ông Doanh, thị trường bán lẻ hàng hóa đã và đang có sự chuyển giao mạnh mẽ từ việc bán hàng truyền thống sang nhiều hình thức khác như bán hàng qua sàn thương mại điện tử, dịch vụ chuyển phát nhanh, bán hàng qua điện thoại, bán online…

"Nhu cầu giao dịch hàng hóa qua các hình thức mới đang có sự tăng trưởng vượt bậc. Đặc biệt, dịch Covid-19 xuất hiện, khuyến cáo của ngành chức năng “hạn chế tới nơi đông người” đã làm cho quá trình này nhanh hơn bao giờ hết. Nếu doanh nghiệp tận dụng tốt những ưu điểm này thì vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng và doanh thu trong thời gian sắp tới",Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho hay.

Tương tự, phát biểu tại buổi làm việc mới đây của Tổ công tác của Thủ tướng nhằm nắm bắt những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết thế giới đang có nhu cầu rất lớn về khẩu trang kháng khuẩn, trong khi năng lực của các doanh nghiệp dệt may trong nước có thể sản xuất ngay 100 triệu chiếc mỗi ngày và có thể tăng lên nữa.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng tâm lý bởi tình hình dịch bệnh, người dân có xu hướng sử dụng hình thức mua sắm trực tuyến, nhiều nhà bán lẻ và đơn vị sản xuất, kinh doanh đã xem đổi mới sáng tạo là một trong những giải pháp kích cầu tiêu dùng và góp phần duy trì ổn định tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Thống kê tại TP. Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, sức mua ở cả mạng lưới chợ truyền thống và hệ thống kênh bán lẻ hiện đại trong thời điểm này giảm khoảng 30-40% so với ngày thường. Báo cáo của Sở Công Thương TP cho thấy, người dân có xu hướng thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng lựa chọn kênh mua sắm hiện đại thay vì kênh truyền thống, do được hỗ trợ nhiều tiện ích (giao hàng, thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ cộng thêm...).

Ngoài ra, ảnh hưởng tâm lý bởi tình hình dịch bệnh, người dân có xu hướng sử dụng hình thức mua sắm trực tuyến nên hệ thống siêu thị hoạt động theo phương thức đa kênh (Omni-channel) sẽ được hưởng lợi, tăng sức mua so với cùng kỳ.

Bà Vũ Kim Anh, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) nhận định, việc bán hàng online trong thời điểm này là phù hợp và cần thiết, khi người tiêu dùng có xu hướng không đến nơi đông người để tránh dịch bệnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem