Hải Phòng: Bội thu cà chua và dưa lê, thương lái canh giờ mua hết sạch

Phạm Thị Thu Thủy Thứ hai, ngày 25/05/2020 06:17 AM (GMT+7)
Trên cách đồng 9 héc ta trồng dưa lê và cà chua, thuộc tổ dân phố Quý Kim, phường Hợp Đức, (quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng) đang vào vụ thu hoạch. Nông dân phấn khởi hơn khi biết vụ dưa lê, cà chua năm nay được giá.
Bình luận 0

Vui với mùa dưa lê chín

Dưa lê đang vào thời kỳ thu hoạch, nằm ngổn ngang trên luống, lác đác có quả đang chuyển màu trắng chín mọng, mùi thơm đặc trưng tỏa ngát khắp vùng quê.

Hải Phòng:   Nông dân Hợp Đức bội thu cà chua và dưa lê - Ảnh 1.

Nông dân Hợp Đức, quận Đồ Sơn thu hoạch dưa lê siêu ngọt

Loay hoay bê từng túi dưa lê lên cân, bà Phạm Thị Luyến, người dân thuê đất trồng dưa dân phố Quý Kim (phường Hợp Đức ) cho hay: "Nhà tôi có 3 mẫu trồng dưa lê, 2 mẫu trồng cà chua. Năm nay, thời tiết thuận lợi, tuy năng suất không đạt đỉnh điểm như những năm trước đó nhưng cơ bản vẫn là được...".

Theo bà Luyến, cà chua, dưa lê đạt từ 1,8- 2 tấn/sào, với giá bán lúc đầu vụ cà chua 22.000đồng/kg, dưa lê 25.000 đồng/ kg, rồi giá giảm dần đến cuối vụ. Trừ mọi chi phí đầu tư dân cũng được lãi từ 12 – 13 triệu/ sào. Nếu so với trồng lúa thì sẽ gấp trên chục lần.

Hải Phòng:   Nông dân Hợp Đức bội thu cà chua và dưa lê - Ảnh 2.

Sản phẩm dưa lê Hợp Đức có mùi vị thơm, giòn, ngọt

Cùng chung nỗi niềm với bà Luyến, ông Phạm Văn Mười cùng tổ dân phố, Quý Kim cho biết: Diện tích trồng cà chua nhà ông nhiều hơn trồng dưa lê nhưng cộng lại cũng gần 2ha. Ông Mười cứ trồng gối vụ, gối thời gian để việc thu hoạch được kéo dài hơn. 

Lúc đầu ông Mười cứ trồng trước một vài mẫu xong rồi khoảng nửa tháng tiếp theo ông mới tiến hành trồng tiếp các diện tích còn lại. Cứ thế việc thu hoạch nhà ông luôn chủ động, cân đối nguồn hàng.

Không còn tình trạng như những năm trước cả làng đồng loạt trồng rồi đồng loạt thu hoạch cứ ồ ạt về cùng một lúc, không bảo quản được dẫn đến việc thương lái ép giá. Năm nay, quả chín tới đâu thương lái về khuân hết tới đó, dưa, cà đều như vậy.

Trồng dưa lê, trồng cà chua an toàn

Để thuận lợi cho việc sản xuất, địa phương đã chủ động quy vùng sản xuất tập trung, thực hiện luân canh gối vụ để nhằm hạn chế sâu bệnh và cải tạo đất.

Trao đổi kinh nghiệm canh tác với Dân Việt ông Hoàng Đình Đỗ - người dân tổ dân phố Quý Kim cho rằng: " Làm rau an toàn trước hết phải làm từ cái tâm, người trồng rau là người nắm rõ quy trình sinh trưởng, phát triển của rau, quả. Việc chăm sóc và điều trị sâu bệnh phải được sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn...".

Theo ông Đỗ, khi cây còn nhỏ muốn trừ sâu thì cũng phải dùng những loại thuốc nằm trong danh mục cho phép. Tuy nhiên khi cây đã ra hoa, đậu quả là tuyệt đối không được sử dụng, chỉ được dùng các thuốc sinh học và thảo dược. 

Muốn khống chế nguồn sâu bệnh thì phải luân canh tốt, chẳng hạn vụ này mình trồng dưa thì vụ sau lại trồng cà hoặc rau, tiếp theo một vụ chuyển sang trồng lúa.

Hải Phòng:   Nông dân Hợp Đức bội thu cà chua và dưa lê - Ảnh 3.

Nông dân vận chuyển cà chua thu hoạch bán cho thương lái

Giám đốc HTX Nông nghiệp Hợp Đức, ông Trịnh Thanh Tùng cho biết: Hợp Đức có thế mạnh từ các loại cây trồng truyền thống có giá trị kinh tế cao như, rau muống Tiến Vua, khoai tây Hà Lan, cải thảo Đà Lạt, dưa hấu, dưa lê, cà chua… 

 Hiện nay, sản phẩm rau màu của Hợp Đức đã có nhiều người biết tới bởi chất lượng sản phẩm. Đầu ra của nông sản luôn cân đối, ổn định, sản xuất tới đâu tiêu thụ hết tới đó. Thương lái từ nhiều nơi như Quảng Ninh, Hải Dương cũng tìm về đặt hàng.

Hải Phòng:   Nông dân Hợp Đức bội thu cà chua và dưa lê - Ảnh 4.

Nông dân lọc cà chua để bán

Tới đây, ngoài duy trì ổn định và phát triển, địa phương sẽ mở rộng quy hoạch thêm vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, vùng nuôi trồng thủy sản, vùng lúa chất lượng … tạo dựng và nâng cao uy tín sản phẩm an toàn mang thương hiệu "Hợp Đức".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem