Hải Phòng: Đẩy mạnh kinh tế nông thôn từ làng nghề

Thu Thủy Thứ tư, ngày 27/12/2017 09:35 AM (GMT+7)
Theo số liệu của Chi cục Phát triển nông thôn Hải Phòng, toàn thành phố hiện có 39 làng nghề với sự tham gia của 9.573  hộ với gần 26 nghìn lao động thường xuyên và không thường xuyên. Để góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Hải Phòng đã coi phát triển làng nghề là một trong những nội dung quan trọng để tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Bình luận 0

Tăng thu nhập, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động

Các làng nghề thường có quy mô nhỏ bé nhưng lại được phân bố rộng khắp ở các vùng nông thôn. Hàng năm, các cơ sở này sản xuất ra một khối lượng sản phẩm hàng hóa khá lớn. Đặc điểm nổi bật của các làng nghề là tận dụng được các loại hình lao động mà các khu vực kinh tế khác không sử dụng đồng thời đóng góp đáng kể cho nền kinh tế địa phương.

img

Làng cơ khí Mỹ Đồng, Thủy Nguyên là một trong những làng nghề chiếm số lao động nhiều nhất, và cho hiệu quả lao động cao nhất hiện nay.

Trong nhóm cơ cấu nghề nuôi trồng thủy sản ở Hải Phòng phải kể đến Làng nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản Lập Lễ. Năm 2017 làng có1.130 hộ tham gia, doanh thu hàng năm đạt 975 tỷ đồng. Làng nghề thu hút 4.400 lao động trực tiếp tham gia trên tổng số 7.350 lao động trong xã, thu nhập bình quân lao động làm nghề đạt 5-7 triệu đồng/tháng.

Lập Lễ có 05 cơ sở đóng và sửa chữa tàu thuyền, 15 đội tàu cá xa bờ, được nhà nước và các tàu tự trang bị máy thông tin và máy VTĐ ICOM đối với tàu công suất từ 49cv trở lên đạt 100%. Việc trang bị máy thông tin nhằm đảm bảo công tác phòng chống bão, áp thấp nhiệt đới, bảo đảm an toàn cho người, tàu thuyền và hỗ trợ nhau sản xuất trên biển. Ngoài ra, các hộ còn nuôi hải sản nước mặn, hải sản nước lợ, thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế như cá song, cá giống, tu hài, điệp, ghẹ, tôm sú, cua, cá chép, mè, trôi, rô phi, vược...

Tương tự, với làng nghề đúc cơ khí Mỹ Đồng, huyện Thủy Nguyên. Hiện đang phát triển đa dạng, nhiều mặt hàng đúc, cơ khí đạt chất lượng cao cung cấp cho ngành đóng tàu, lắp ráp xe máy, cơ khí chính xác như chân vịt tàu thủy, bạc biên, tăng bua, vỏ mô-tơ điện, máy bơm, chân máy khâu, khung xe máy... đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.  Làng nghề đúc cơ khí Mỹ Đồng thu hút 3.982 lao động trực tiếp tham gia, chiếm 82% tổng số lao động trong xã với mức thu nhập bình quân lao động phổ thông đạt từ 4,5 - 10 triệu đồng/người/ tháng.

Doanh thu của các làng nghề: Năm 2007 doanh thu đạt 1.750,155 tỷ đồng; năm 2015 doanh thu đạt 13.050,554 tỷ đồng, tăng 11.300,399 tỷ đồng tập trung chủ yếu do mở rộng sản xuất ở làng nghề đúc cơ khí Mỹ Đồng Trong quá trình hoạt động các làng nghề đều chấp hành tốt chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước tại địa phương.

Nuôi dưỡng, bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống

Làng nghề truyền thống chính là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, là một trong những nội dung được Chính phủ rất quan tâm.

 Hiện nay, với hệ thống làng nghề đang hoạt động trên địa bàn thành phố Hải Phòng phần nào cũng đã khắc phục được tình trạng thất nghiệp của người dân trong thời gian nông nhàn như nghề đan lát, dệt chiếu…Nông dân sẽ tận dụng được quỹ thời gian của mình để kết hợp cả sản xuất nông nghiệp và tham gia hoạt động sản xuất của làng nghề.

Ở huyện Vĩnh Bảo, tại xã Đồng Minh có làng nghề điêu khắc gỗ, sơn mài Bảo Hà. Đây là một trong những làng nghề có nghề truyền thống từ rất lâu đời. Sản phẩm chủ yếu làng nghề là tượng phật, tượng truyền thần, đồ thờ cúng như nhang án, hoành phi, câu đối, đại tự, cửa võng...tranh, ảnh sơn mài. Người dân làng Bảo Hà vẫn sản xuất nông nghiệp song song với việc  phát triển làng nghề, lưu truyền lại từ đời này sang đời khác.

Cho đến nay Bảo Hà đã phát triển tốt, số hộ, số lao động, quy mô sản xuất, sản phẩm và thu nhập hàng năm đều tăng với mức thu nhập bình quân của một người thợ đạt từ 4 -5 triệu đồng/1 tháng.

Tuy nhiên, để lưu giữ và phát triển làng nghề được tốt thì cũng cần phải chú trọng hơn về vấn đề quản lý làng nghề tránh tình trạng làng nghề phát triển lệch lạc, không mang lại hiệu quả kinh tế.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng là đơn vị quản lý chung về làng nghề, nhiều năm qua cũng đã nỗ lực hết mình trong công tác quản lý và phát triển làng nghề. Tuy nhiên đối với cán bộ quản lý về làng nghề thì không có cán bộ chuyên trách, không được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu về ngành nghề, làng nghề, nên việc hỗ trợ phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống chưa thật sự hiệu quả.

Vì vậy, Nhà nước cần hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực, trang thiết bị cơ giới hóa. Chỉ đạo, định hướng thống nhất công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực ngành nghề nông thôn, làng nghề, làng nghề truyền thống từ Trung ương đến các địa phương; có bố trí cán bộ chuyên trách đối với lĩnh vực làng nghề tại các sở, ngành, các địa phương. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề, ban hành cơ chế chính sách và nguồn kinh phí cụ thể nhằm hỗ trợ công tác bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống, gắn liền với chương trình Mỗi làng một sản phẩm. Đặc biệt, đầu tư cơ sở hạ tầng đối với làng nghề, chú trọng đến các hệ thống thu gom xử lý rác thải, nước thải làng nghề, đảm bảo các điều kiện để làng nghề có thể phát triển bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem