Một Đại hội có khá nhiều kết quả bất ngờ, nhưng điều tôi quan tâm hơn cả là những con số, những mục tiêu mà Đại hội đề ra, trong đó có một mục tiêu mà người làm báo nông thôn như tôi đặc biệt quan tâm: đến năm 2020, 100% số xã của Hải Phòng đạt chuẩn nông thôn mới, xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại…
Hải Phòng được nhìn từ trên cao.
Thông tin với các nhà báo hôm đó, tân Bí thư TU Lê Văn Thành tuyên bố, ngay trong năm 2016, HP sẽ dành số tiền 1000 tỷ đồng để hỗ trợ bà con nông dân xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn (trong khi những năm trước số tiền này chỉ nhỏ giọt vài trăm tỷ). Lúc đó, tôi còn ngỡ mình nghe nhầm, tiền của ở đâu ra mà lắm thế. Rồi hàng loạt các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn lớn sẽ đầu tư về Hải Phòng (cứ biết nghe đã chứ cứ như những năm vừa qua, các nhà đầu tư kêu ca, phàn nàn nhiều… chưa biết thế nào?), rồi các công trình xây dựng hạ tầng lớn nhỏ sẽ đồng loạt triển khai… Sau cuộc họp báo, tôi mang theo những thông tin về một Hải Phòng- một bức tranh được phác họa hoàn toàn mới với không ít hoài nghi.
Nhưng rồi, chỉ trong thời gian ngắn, ngay trong quý 1, quý 2/ 2016 làn sóng đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn bắt đầu chuyển động, các “đại gia” tên tuổi đã đặt chân về với Hải Phòng, các dự án xây dựng hạ tầng giao thông được gấp rút triển khai, sáng kiến hỗ trợ xi măng (thành phố mua xi măng theo phương thức trả chậm) để thúc đẩy, tạo đà cho công cuộc xây dựng nông thôn mới (hóa ra, nghìn tỷ mà Bí thư Thành nói nó nằm ở đây), các dự án lớn lần lượt được động thổ, khai trương… Hải Phòng rùng rùng chuyển động, cả thành phố, , cả khu vực nông thôn như một đại công trường. Giá nhân công tăng vọt, nhất là nhân công trong lĩnh vực xây dựng tăng từ 200 nghìn lên 300 nghìn đồng một ngày công mà cũng không có thợ để thuê. Máy trộn bê tông “cháy” hàng.
Đúng vào giữa năm 2016, tôi cần sửa nhà nhưng phải cậy cục nhờ người quen mãi mới điều được một tốp thợ đến làm “tranh thủ” ngoài giờ. Sân bay quốc tế Cát Bi- có thể nói, khát vọng được mở mày mở mặt của người dân Hải Phòng, được khánh thành (mang tiếng đô thị loại I cấp quốc gia mà Cảng hàng không gì bé tẹo teo, như một ga xép tàu hỏa, thua xa sân bay của Đà Nẵng). Lãnh đạo thành phố lập tức tuyên bố chính sách ưu đãi, hỗ trợ cực kỳ hấp dẫn đối với các hãng hàng không mở các tuyến đường bay mới trong nước và quốc tế. Hàng loạt khu phố được chỉnh trang, hàng quán lùm xùm tồn tại nhiều năm được dọn dẹp sạch sẽ như khu vực dải Trung tâm phía đầu Tam Bạc, khu đô thị mới xi măng do tập đoàn Vingroup đầu tư đổ vào hàng chục nghìn tỷ đồng hứa hẹn một không gian mới văn minh, hiện đại.
Công trình cầu vượt Nguyễn Bỉnh Khiêm, một công trình mới đưa vào sử dụng nhằm giải tỏa ách tắc giao thông của Hải Phòng
Kết thúc năm 2016, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 15, tôi thực sự bị thuyết phục bởi những con số biết nói thật ấn tượng: Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GDP) tăng 11%, mức cao nhất trong nhiều năm qua, gấp 1,7 lần bình quân chung cả nước. Thu ngân sách đạt 62.640,2 tỷ đồng, tăng 8,7%; trong đó thu nội địa tăng 32%, đạt 17 nghìn tỷ đồng (cao gấp hai lần số thu năm 2014). Lần đầu sau nhiều năm, Hải Phòng vươn lên dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài với tổng vốn 2,7 tỷ USD.
Một làn sóng đầu tư mới của các doanh nghiệp trong nước đã đến với thành phố, nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, có kinh nghiệm và tiềm lực kinh tế đầu tư vào Hải Phòng với tổng vốn đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả ngoạn mục với việc bê tông hóa được 2.378 km đường thôn xóm, đường nội đồng. Những con số tưởng như khô khan này lại có một ý nghĩa vô cùng lớn làm thay đổi diện mạo và đời sống của bà con nông thôn. Khi có dịp về thăm người thân ở vùng quê An Lão trong dịp tết nguyên đán vừa qua, tôi không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến một vùng quê nghèo đã thực sự thay đổi. Đường làng thẳng tắp, được bê tông hóa rộng rãi, ô tô có thể đi thẳng vào sân nhà. Tiện thể thi công đường làng, bà con thi nhau đổ bê tông, lát sân nhà, nâng cấp lại cổng, xây dựng lại tường rào nhường đất cho đường làng… tạo nên một bộ mặt nông thôn mới thực sự văn minh, sạch đẹp.
Nhân dịp kỷ niệm 62 năm giải phóng Hải Phòng năm nay, hàng loạt công trình mới đã và đang gấp rút triển khai như thành phố cùng lúc khởi công xây dựng 2 cây cầu nối huyện Tiên Lãng với Vĩnh Bảo và Thái Bình (cầu Hàn và cầu Đăng), khởi công dự án xây dựng quần thể du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái cao cấp, vui chơi giải trí tại Cát Bà của tập đoàn Sun Group, khởi công xây dựng tuyến đường ô tô ven biển nối Quảng Ninh, Hải Phòng với các tỉnh Thái Bình, Nam Định, khẩn trương hoàn thiện dự án mở rộng quốc lộ 10, thi công cầu vượt đường Lê Hồng Phong, Dự án phát triển giao thông đô thị thành phố Hải Phòng…
Dành cho tôi chút thời gian hiếm hoi vào cuối giờ làm việc, Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành chia sẻ, những kết quả đạt được trong thời gian qua là sự khẳng định tính đúng đắn của các biện pháp quản lý, chỉ đạo mang nhiều tư duy và hành động đổi mới của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố. Từ sự lãnh đạo, chỉ đạo mang tính đột phá này, các “nút nghẽn” cản trở sự phát triển của thành phố đã từng bước được tháo gỡ, khơi dậy tiềm năng và lợi thế của thành phố Cảng. Ông cũng cho rằng, để có thể phát triển thành phố, các cấp chính quyền,, các ngành của thành phố cần phải cởi mở, thân thiện, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, nhận việc khó về phía chính quyền; đội ngũ cán bộ, công chức phải nhận thức rõ yêu cầu, nhiệm vụ của thành phố trong thời kỳ mới, khắc phục thói quen làm việc theo nếp cũ, nâng cao tính trách nhiệm và đạo đức công vụ, xứng đáng là những cán bộ, công chức của một chính quyền kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân.
Trên tinh thần cởi mở, tôi có nêu ý kiến phản ánh của một vài doanh nghiệp khi họ cho rằng, thời kỳ này, thành phố chỉ tập trung ưu tiên cho các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn kinh tế lớn mà không quan tâm tới các doanh nghiệp nhỏ, Bí thư Thành đã thẳng thắn trả lời: Chủ trương chung của thành phố là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, người dân triển khai các dự án trên địa bàn thành phố và đây đã được xác định là nhiệm vụ quan trọng của năm 2017.
Tuy nhiên, trong đó, Thành phố dành nhiều sự quan tâm hơn tới các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, với các dự án có giá trị kinh tế xã hội cao. Làm như vậy vừa thúc đẩy việc hiện đại hóa hạ tầng kinh tế - xã hội thành phố, vừa góp phần tạo thêm việc làm, và cũng chính là cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chứ không phải chỉ quan tâm tới doanh nghiệp lớn mà không quan tâm tới doanh nghiệp nhỏ.
Với những gì đã và đang diễn ra ở Hải Phòng từ cuối năm 2015 đến nay, tôi có thể không ngần ngại mà chia sẻ với bạn đọc về một Hải Phòng đang trên đà phát triển mạnh mẽ, đang thay da đổi thịt; Hải Phòng của tư duy mới của một thời kỳ mới với người đứng đầu thành phố dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển chung của thành phố. Và kết quả, dù còn đang ngổn ngang nhiều công việc phải làm, có nơi, có lúc vẫn có chuyện làm người dân phải buồn lòng nhưng Hải Phòng hôm nay- một bức tranh đô thị văn minh, hiện đại, một nông thôn đổi mới đang dần hiện ra trước mắt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.