Hải quân Ấn Độ có thể bóp nghẹt huyết mạch của Trung Quốc?

Đăng Nguyễn - Forbes Thứ bảy, ngày 11/07/2020 12:55 PM (GMT+7)
Ấn Độ có thể dễ dàng phong tỏa hàng hóa qua Eo biển Malacca tới Trung Quốc một khi chiến tranh nổ ra, nhưng Bắc Kinh cũng có phương án ứng phó.
Bình luận 0

img

Trung Quốc có thể đưa hàng hóa đến cảng Gwadar của Pakistan, từ đó hàng hóa được vận chuyển bằng đường bộ về Trung Quốc.

Trong bài phân tích đăng tải trên tạp chí Forbes, cây viết H I Sutton đặt câu hỏi rằng: “Liệu hải quân Ấn Độ có thể bóp nghẹt huyết mạch của Trung Quốc ở Eo biển Malacca?”

Tác giả H I Sutton giải thích, trong nhiều năm qua, Ấn Độ đã sở hữu một vùng lợi thế chiến lược so với Trung Quốc. Ngành công nghiệp của Trung Quốc phải phụ thuộc vào các tuyến đường biển vận chuyển hàng hóa và dầu mỏ qua eo biển Malacca nằm giữa Malaysia và Indonesia.

Vùng nước hẹp này tạo thành một "nút thắt" hoàn hảo, tác giả H I Sutton nhận định. Vị trí địa lý của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương, cùng với tiềm lực quân sự trải dài đến cửa ngõ eo biển Malacca, cho phép Hải quân Ấn Độ kiểm soát mọi hoạt động giao thương của Trung Quốc qua eo biển này.

Tuy nhiên, với lực lượng hải quân đang ngày càng lớn mạnh, Trung Quốc cũng tìm cách ứng phó.

Tác giả H I Sutton đặt câu hỏi với Larry Bond, người am hiểu về chiến tranh trên biển. Bond cũng đồng tình rằng Trung Quốc thực sự lo ngại Ấn Độ có thể sẽ phong tỏa lối vào eo biển Malacca.

"Nếu Ấn Độ muốn chặn đường giao thương Trung Quốc, họ có thể đặt hàng loạt tàu ở Eo biển Malacca”, Bond nói.

Một lượng lớn dầu mỏ Trung Quốc nhập khẩu từ vịnh Ba Tư, Venezuela, Angola đều phải đi qua tuyến đường hàng hải này. Để đối phó với nguy cơ từ Ấn Độ, Trung Quốc đang xây thêm hải cảng ở Pakistan và việc mở cửa tuyến Đường Biển Bắc ở Bắc Cực có thể tạo ra một "con đường tơ lụa địa cực" cho Bắc Kinh.

img

Hải quân Ấn Độ hiện sở hữu hai tàu sân bay có lượng giãn nước 45.000 tấn.

Hai phương án này đều giúp Trung Quốc tránh phải đi qua Eo biển Malacca. Hàng hóa và dầu mỏ có thể được tập trung ở cảng Gwadar của Pakistan, sau đó đi bằng đường bộ theo Vành đai Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC).

Hôm 8.6, chính phủ Pakistan đã phê chuẩn dự án 7,2 tỷ USD để nâng cấp tuyến đường sắt nối Gwadar với Kashgar, Trung Quốc. Với phương án này, Ấn Độ sẽ rất khó có thể ngăn chặn Trung Quốc vì Pakistan cũng là quốc gia dang có tranh chấp chủ quyền với Ấn Độ.

Trung Quốc đã xây dựng căn cứ quân sự ở Djbouti, thuộc vùng Sừng châu Phi. Các tàu ngầm Trung Quốc triển khai ở đây có thể đảm bảo an toàn cho hàng hóa vận chuyển đến cảng Gwadar.

Đối với phương án thứ hai, hàng hóa vận chuyển tới Trung Quốc sẽ phải di chuyển quãng đường xa hơn, trên tuyến Đường Biển Bắc bao quanh nước Nga. Nhược điểm của tuyến đường này là chỉ có thể sử dụng được vào mùa hè.

Bắc Kinh cũng đang phát triển tuyến đường bộ kết nối Trung Quốc với châu Âu, chủ yếu để xuất khẩu hàng hóa. Các cơ sở hạ tầng này cũng đóng vai trò nhất định trong việc giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc với các tuyến đường biển như Eo biển Malacca.

Có thể nói, vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là dầu mỏ qua Eo biển Malacca luôn là ưu tiên của Trung Quốc vì tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Nhưng một khi căng thẳng leo thang với Ấn Độ, Trung Quốc đã có những phương án khác để giảm thiểu tổn thất về kinh tế, tác giả H I Sutton kết luận.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem