PGS-TS Nguyễn Đình Hoè (ảnh) - Trưởng ban Phản biện xã hội, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam nói vậy khi trao đổi với NTNN.
TS Nguyễn Đình Hoè cho biết: Để diễn ra tình trạng trên là do các doanh nghiệp trong thiết kế, xây dựng và vận hành nhà máy thuỷ điện đã “vô tư” chuyển nước từ sông này sang sông khác làm biến đổi hoàn toàn dòng chảy tự nhiên các lưu vực sông. Đáng quan ngại như vậy, nhưng trong báo cáo môi trường quốc gia năm 2010 mà Bộ TNMT vừa công bố lại không hề có dòng nào đề cập tới tình trạng tự ý chuyển nước từ sông này qua sông khác để làm thuỷ điện...
|
Xây dựng các công trình thủy điện cần tính đến lợi ích chung của cả doanh nghiệp, địa phương, người dân (ảnh minh họa). |
Nghĩa là tình trạng tự ý chuyển nước từ sông này qua sông khác để phát điện là phổ biến và diễn ra từ nhiều năm nay?
- Đúng vậy! Sông Ba là con sông dài nhất miền Trung chảy từ Gia Lai về Phú Yên. Nước ở thượng nguồn sông Ba bị chặn lại rồi “hất” sang sông Kôn (Bình Định). Hay công trình Thuỷ điện Đăk Min 4 đã lấy nước sông Vu Gia rồi đổ ra sông Thu Bồn. Công trình Thuỷ điện A Lưới lấy nước sông A Sáp (Sê Kông) rồi đổ ra phá Tam Giang...
Tháng 1.2011, Thuỷ điện An Khê - Ka Nak (ở Gia Lai) tiến hành tích nước khiến cho phía hạ du của tỉnh Gia Lai và Phú Yên hạn hán, xuất hiện các đoạn sông chết. Vừa rồi có lũ sớm, công trình thuỷ điện này lại đột ngột xả nước làm trôi hết hoa màu, gia súc, gia cầm của nông dân phía hạ du. Còn công trình Thuỷ điện Đăk Min 4 (Quảng Nam) gây thiếu nước trầm trọng cho phía hạ du thuộc TP. Đà Nẵng...
Chúng tôi đã nhiều lần khuyến cáo là không nên phát triển quá dày đặc các công trình thuỷ điện vừa và nhỏ ở miền Trung, Tây Nguyên bởi hiệu quả tổng thể là kém, hơn nữa đây là địa bàn nhạy cảm về môi trường.
PGS-TS Nguyễn Đình Hòe
Để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm thuộc về những ai, thưa ông?
- Dẫn đến tình trạng này là do công tác quản lý tài nguyên lỏng lẻo và vì lợi ích cục bộ của các địa phương, giữa các doanh nghiệp với nhau. Các công trình thuỷ điện vẫn được cấp phép xây dựng với hậu quả là hàng ngàn ha rừng bị phá, lũ lụt, hạn hán ngày càng diễn biến khó lường.
Các doanh nghiệp vì lợi ích phát điện mà phớt lờ lợi ích của người dân. Các địa phương vì áp lực “tăng thu” nên vẫn cho xây dựng nhà máy thuỷ điện trên các hệ thống sông nên vô tình hay cố ý đã không lường hết được hậu quả mà địa phương khác phải gánh chịu.
Phức tạp như vậy thì việc quản lý nguồn nước không đơn giản. Theo ông phải làm gì?
- Tại sao trước khi tiến hành xây dựng nhà máy thuỷ điện, các ngành, địa phương không ngồi với nhau bàn bạc một cách thấu đáo? Tài nguyên nước, môi trường sông ngòi phải được quản lý ở tầm lưu vực, chứ không phải ở một đoạn hay một con sông riêng lẻ. Việc đánh giá tác động môi trường khi cho xây dựng các công trình thuỷ điện phải dựa vào 3 tiêu chí là chất lượng, dung lượng và thuỷ chế.
Còn người dân phải làm gì trong trường hợp lợi ích bị xâm hại vì những lý do trên?
- Nông dân bị thiệt hại bởi việc tích nước hay xả nước không đúng quy trình thì có thể kiện các nhà máy thuỷ điện ra toà dân sự. Nhưng nông dân không thể, tổng hợp, đánh giá thiệt hại cũng như rành về thủ tục kiện tụng. Những việc này cần được chính quyền, các ban, ngành, hội đoàn thể đứng ra hỗ trợ nông dân, trong đó Hội ND là đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, nông dân. Bản thân Hội ND không thể tự mình đứng ra giải quyết vấn đề mà cần phải liên kết, mời các chuyên gia, nhà khoa học, giới luật sư tham gia bảo vệ quyền, lợi ích của nông dân...
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Công (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.