Ý nghĩa sâu sắc, mang đậm triết lý nhà Phật của hàng linh thú đá nghìn năm quỳ chầu ở chùa Phật Tích (Bài cuối)

Khương Lực Chủ nhật, ngày 04/09/2022 07:00 AM (GMT+7)
Cùng với báu vật quốc gia tượng Phật A Di Đà, chùa Phật Tích hiện còn lưu giữ được 10 linh thú bằng đá, gồm sư tử, voi, tê giác, trâu và ngựa. Mỗi loại hai con, nằm trên bệ đá hoa sen tạc liền bằng những khối đá lớn.
Bình luận 0

00177_1

CLIP: Hàng linh thú đá nghìn năm quỳ chầu ở chùa Phật Tích

Chiêm ngưỡng hàng linh thú đá nghìn năm quỳ chầu ở chùa Phật Tích (Bài cuối) - Ảnh 1.

Vị trí dãy tượng thú ở chùa Phật Tích được đặt ở thềm bậc thứ hai, dàn hàng ngang, mỗi bên 5 con, giữa là lối đi. Với vị trí như thế, có nhiều cách lý giải khác nhau. Ý nghĩa thứ nhất đều thống nhất là các linh thú có vai trò canh giữ Phật pháp, giám hộ người qua lại. Ý nghĩa thứ hai thì theo nhà nghiên cứu Ngô Văn Doanh cho đây là hệ thống các vị thần Hộ pháp, hai con voi là thần Indra (Đế Thích) nhiếp chính phương Đông, hai con trâu là thần Yama (Diêm Vương) nhiếp chính phương Nam, hai con là tê giác là thần Agni (thần lửa) nhiếp chính phương phụ Đông Nam, hai con ngựa là thần Vaynu (thần Gió) nhiếp chính phương phụ Tây Bắc... Ảnh: Khương Lực.

Chiêm ngưỡng hàng linh thú đá nghìn năm quỳ chầu ở chùa Phật Tích (Bài cuối) - Ảnh 2.

Theo văn bia "Vạn Phúc đại thiền tự bi" dựng năm 1686 nói về việc xây chùa Phật Tích thì linh thú này được tạc cùng thời điểm xây dựng chùa. Những con thú này đều có kích thước rất lớn cao gần 2m, tất cả đều được nghệ sĩ cho leo lên bệ sen hình hộp nằm thoải mái. Thú và bệ liền một khổ đá, hợp thành một khối đồ sộ và trang trọng. Các khối cơ thể được diễn tả căng, khỏe, đặt trong không gian với tư thế nằm thủ phục trên bệ tượng tạo cảm giác nghỉ ngơi, thư thái. Mang ý nghĩa giải thoát tự nhiên, tự tại trong thế giới của Phật. Ảnh: Khương Lực.

Chiêm ngưỡng hàng linh thú đá nghìn năm quỳ chầu ở chùa Phật Tích (Bài cuối) - Ảnh 3.

Những con vật bình thường như sư tử, voi, tê giác, trâu và ngựa này khi được tạc tượng đặt vào ngôi chùa đã được linh thiêng hóa trở thành linh thú. Những đức tính và phẩm chất của các con thú đó đã được định nghĩa trong kinh Phật, trong sử Phật giáo phong phú, đặc sắc. Điều ấy đã tạo thành biểu tượng vật chất, góp phần giáo hóa tín đồ bằng hình ảnh sống động và dễ hiểu nhất. Trước hết, để biểu dương sức mạnh Phật pháp thì tiếng hống của sư tử được nhắc đến rất nhiều trong kinh tạng. Sư tử được coi là vua trong vương quốc động vật, nó như không có bất kỳ kẻ thù tự nhiên nào. Ở châu Á và Việt Nam, điều kiện môi trường địa lý không hẳn là nơi sinh sống của sư tử, tuy nhiên hình tượng về con vật này được phổ biến rộng rãi với biểu trưng là sức mạnh và hùng tâm. Phật giáo đã chọn biểu tượng ấy, và tiếng gầm rống của sư tử tượng trưng cho "Âm vang đạo pháp". Ảnh: Khương Lực.

Chiêm ngưỡng hàng linh thú đá nghìn năm quỳ chầu ở chùa Phật Tích (Bài cuối) - Ảnh 4.

Kinh ngữ Simhanada, có nghĩa là sư tử hống hay tiếng gầm của loài sư tử. Kinh Phật dùng ảnh dụ này để chỉ âm thanh thuyết pháp của Đức phật như tiếng gầm của sư tử chúa, không sợ hãi bất cứ loài thú nào và còn làm cho các loài khác phải khiếp sợ mà nhiếp phục. Khi Phật thuyết pháp, hàng Bồ tát, Thanh văn đều phát tâm cầu đạo Bồ đề, còn ngoại đạo và ác ma thì kính phục, sợ hãi. Và Phật giáo cũng coi sư tử là Hộ giáo thần. Trong một số nghi lễ, sư tử được xuất hiện nhảy múa để xua đuổi tà mà. Còn trong điêu khắc, có hai mẫu sư tử thường thấy để trông coi, giữ cổng chùa Phật giáo, có ý nghĩa tượng trưng gần như đồng hóa với các nhân vương. Ảnh: Khương Lực.

Chiêm ngưỡng hàng linh thú đá nghìn năm quỳ chầu ở chùa Phật Tích (Bài cuối) - Ảnh 5.

Tiếp đến, voi là con vật bản địa, tuy không phổ biến ở Việt Nam, nhưng gắn bó mật thiết với đồng bào Tây Nguyên. Trong chiến tranh, voi được sử dụng làm tượng binh. Ở thần thoại Ấn Độ, ta có thể dễ dàng bắt gặp những chú voi bay Airavata, và trong xã hội Ấn Độ, voi mang lại may mắn, thịnh vượng. Phật giáo coi voi là biểu tượng của sức mạnh tinh thần. Khi bắt đầu của một người tu hành thì tâm trí không thể kiểm soát được, biểu tượng của một con voi xám có thể chạy hoang dã và tiêu diệt tất cả mọi thứ trên đường đi. Sau khi chế ngự được tâm trí thi có thể tời bất cứ nơi nào mà không bị chướng ngại vật trên đường cản trở. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã được sinh ra như con voi trong một số hóa thân trước đây của ông. Ảnh: Khương Lực.

Chiêm ngưỡng hàng linh thú đá nghìn năm quỳ chầu ở chùa Phật Tích (Bài cuối) - Ảnh 6.

Tất cả linh thú đều ở trong trạng thái quỳ phục trên đài sen. Ảnh: Khương Lực.

Chiêm ngưỡng hàng linh thú đá nghìn năm quỳ chầu ở chùa Phật Tích (Bài cuối) - Ảnh 7.

Vào năm 1952, thực dân Pháp chiếm đóng chùa Phật Tích đã phá hủy hoàn toàn kiến trúc ngôi chùa khiến 10 linh thú cũng bị ảnh hưởng. Tượng voi bên phải Tam Bảo bị mất ngà và vòi. Ảnh: Khương Lực.

Chiêm ngưỡng hàng linh thú đá nghìn năm quỳ chầu ở chùa Phật Tích (Bài cuối) - Ảnh 8.

Trong Đạo Phật để dậy người Phật tử cách điều phục Tâm của mình cho nên Tâm được ví với con Trâu hoang và sự điều Tâm, tức là làm thế nào để "cột trâu". Trâu có bản tính là siêng năng, nhẫn nại, không hung hăng nhưng vô trí, đó cũng là đặc tính của chúng sinh. Kinh phật nói đến trâu là nói đến bản tính vô trí nơi mỗi loài chúng sinh. Hiệu của Phật cũng là Điều ngự sư, nên Ngài là một người chăn hay một người đánh xe khéo léo, đưa chúng sinh đến thành trì an lạc và giải thoát. Tùy theo cấp bậc vô trí của chúng sinh mà có cách hàng phục riêng biệt, từ hàng phàm phu, cho đến hàng Thanh Văn, Bồ Tát cho đến các thiền sư là khác nhau. Ảnh: Khương Lực.

Chiêm ngưỡng hàng linh thú đá nghìn năm quỳ chầu ở chùa Phật Tích (Bài cuối) - Ảnh 9.

Phật giáo Đại thừa lấy việc chăn trâu dụ cho việc luyện tâm. Cái tâm đó, nguyên lai thuần hậu, nhưng đã bị đánh lạc mất, để nó chạy rông theo sở thích không biết gì đến những hiểm nguy rình rập, cho nên phải tìm lại, và chế ngự cho thuần tính. Từ khi tìm trâu để chăn cho đến khi việc chăn thành công, trải qua mười giai đoạn. Liên hệ sự huấn luyện Tâm với phép Chăn trâu, có kinh Di Giáo và Thập mục ngưu đồ (10 bức tranh chăn trâu). Tranh Đại thừa thi vẽ con Trâu đen, lần lượt qua các bức họa, trâu đen trở thành trắng dần dần, trắng từ đầu dần đến mình rồi cuối cùng trắng đến chót đuôi. Đó là tượng trưng cho phép tu Tiệm, nghĩa là nhờ công phu tu tập lâu ngày đi lần tiến lên từng bậc thang giác ngộ. Ảnh: Khương Lực.

Chiêm ngưỡng hàng linh thú đá nghìn năm quỳ chầu ở chùa Phật Tích (Bài cuối) - Ảnh 10.

Tê giác là con vật bản địa, nhưng nay không còn. Cặp tê giác nằm áp sát bụng xuống bệ sen, miệng ngậm, chiếc sừng nhú trên mũi, khối căng, đơn giản nhưng hiện thực. Ảnh: Khương Lực.

Chiêm ngưỡng hàng linh thú đá nghìn năm quỳ chầu ở chùa Phật Tích (Bài cuối) - Ảnh 11.

Trong bài kinh Tê Giác, Đức Phật ca ngợi loài Tê giác như là biểu tượng cho những người tu hành kiên trì, nếu không có bạn đồng hành tu tập thì một mình tu tập tâm ý cho đến ngày giải thoát. Ảnh: Khương Lực.

Chiêm ngưỡng hàng linh thú đá nghìn năm quỳ chầu ở chùa Phật Tích (Bài cuối) - Ảnh 12.

Nếu như hình ảnh Tê giác được xuất hiện không nhiều trong kinh Phật thì Ngựa được nhắc đến rất nhiều. Ngựa là một trong những con vật được thuần hóa sớm của loài người, ngoài việc làm phương tiện vận tải, ngựa còn có đặc điểm là chạy rất nhanh, trung thành và tinh nhậy, tốc độ di chuyển của ngựa còn thể hiện trong thần thoại Hy Lạp là những chú ngựa bay (có cánh). Ngựa cũng là biểu tượng của năng lượng và sức lực trong việc hành pháp, có khả năng kiểm soát tâm trí nhanh như sức gió, có thể điều chỉnh theo bất cứ hướng nào, tốc độ nào mà chúng ta muốn. Ảnh: Khương Lực.

Chiêm ngưỡng hàng linh thú đá nghìn năm quỳ chầu ở chùa Phật Tích (Bài cuối) - Ảnh 13.

Biểu tượng ngựa trong điêu khắc là bảo vệ Phật pháp, ngựa là xe của nhiều vị thần như Mahali hay vị thần ngựa Hayagriva. Có một số câu chuyện của Bồ tát Lokesvasa lấy hình dạng một chú ngựa để giúp chúng sinh. Một ví dụ điển hình về ngựa trong lịch sử Phật giáo là chú ngựa Kiến Trắc của Tất Đạt Đa, vào một đêm tối mùa xuân đã chở Đức Phật trong tương lai vượt hoàng thành, mở đầu chuyến đi lịch sử, và hình ảnh ngựa đã xuất hiện rất nhiều trên các tờ kinh cổ. Ảnh: Khương Lực.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem