Hàng loạt TPCN chứa chất cấm, quảng cáo sai sự thật: Ngành chức năng kêu khó xử lý!

Bạch Dương Thứ sáu, ngày 16/04/2021 10:02 AM (GMT+7)
Hàng giả, hàng nhái, hàng chứa chất cấm được quảng cáo vô tội vạ, rao bán tràn lan, rồi đẩy giá lên trời đang là thực tế của thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) hiện nay. Tuy nhiên, theo ngành chức năng, việc xử lý các sản phẩm này vô cùng khó khăn...!
Bình luận 0
Bài 3: Quản lý thực phẩm chức năng: Vẫn đang đi những bước khởi động - Ảnh 1.

Một "chiêu" quảng cáo về TPCN và thuốc chữa bệnh trên mạng.

Thực phẩm chức năng không phải là "thần dược"

Với vai trò vừa là Trưởng ban Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM, bà Phạm Khánh Phong Lan còn là Chủ tịch Hội Dược học TP.HCM nên bà rất trăn trở trước thực trạng của thị trường TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) hiện nay.

"Với hơn 10.000 loại TPCN hiện có trên thị trường, người dân rất dễ bị "đánh lừa" đây là sản phẩm tối ưu trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe. Họ thường có tâm lý rằng sản phẩm càng đắt tiền tức là càng tốt dẫn đến việc đẩy giá, thổi phồng công dụng của TPTCN trong khi điều cơ bản phải nhìn ra rằng, đây chỉ là sản phẩm bổ trợ, không phải thuốc chữa bệnh", bà Lan nhấn mạnh.

TTPCN/TPBVSK vốn là các loại sản phẩm hỗ trợ cho việc phục hồi, duy trì hoặc tăng cường chức năng nào đó của một hoặc nhiều bộ phận cơ thể. Sản phẩm cũng có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm nguy cơ bệnh tật... 

Nhưng thực tế hiện nay, các quảng cáo về loại sản phẩm này đang được thổi phồng quá đáng như một loại thuốc chữa bách bệnh như ung thư, tai biến mạch máu não, bệnh thận, gan.... Thậm chí có loại sản phẩm quảng cáo phải dùng vài tháng mới thấy tác dụng, chính thời gian này đã cướp mất cơ hội được chữa bệnh kịp thời của bệnh nhân, rất nguy hiểm.

Bà Lan cho biết, khi TPCN được đưa ra thị trường, việc quản lý các loại sản phẩm này có vai trò của Ban Quản lý ATTP, quản lý thị trường. Tuy nhiên thực tế cho thấy, việc kiểm tra, xử lý các sản phẩm này vô cùng khó khăn. Mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước đã tập trung đẩy mạnh vào lĩnh vực này nhưng đây vẫn chỉ là những bước đi khởi động. 

"Hàng giả, hàng nhái, TPCN được sản xuất theo dạng "xô chậu", đẩy giá lên trời… đang là thực tế của thị trường TPCN hiện nay. Thậm chí, có không ít cơ sở sản xuất thuốc đông y đã "núp bóng" TPCN để đẩy giá của mình lên cao nhằm trục lợi", bà Lan nhận định.

Không chỉ nguy hại từ các sản phẩm không rõ nguồn gốc, thời gian qua, nhiều loại thực phẩm chức năng nhập khẩu bị phát hiện chứa chất cấm. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa phát đi thông báo 7 loại sản phẩm của Singapore chứa chất cấm nguy hại, trong đó kẹo sâm "cường dương" Hamer đang được rao bán tràn lan trên các trang mạng có chứa chất N-desmethyl Tadalafil (chất kích dục).

Trước đó, Cục An toàn thực phẩm cũng thông tin về lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên giảm cân Giáng ngọc Eva, Health- Belief- Effective Detox Slimming Capsules, trà thảo mộc giảm cân Golean Detox, trà giảm cân Vy&Tea chứa chất cấm sibutramin. Một số sản phẩm chứa chất cấm sibutramine như Coco Curv, Choco Fit, Nutriline Cleansline, Kimiso Dark Chocolate...

Bài 3: Quản lý thực phẩm chức năng: Vẫn đang đi những bước khởi động - Ảnh 3.

Phát hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, TPCN giả.

Hành vi vi phạm ngày càng tinh vi

Các hình thức vi phạm phổ biến là sử dụng hình ảnh, các bài viết của nhân viên y tế hoặc bài viết, phản hồi của người tiêu dùng nhằm ám chỉ thực phẩm là thuốc chữa bệnh hoặc có công dụng như thuốc chữa bệnh, là trái quy định pháp luật. Ngoài ra, một số tổ chức, cá nhân còn có hành vi quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm; dùng hình ảnh bác sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng, hoặc logo các đài truyền hình để lồng ghép nội dung quảng cáo trái phép, gần như lừa dối người tiêu dùng về công dụng của các TPCN/TPBVSK...

Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, các đơn vị này quảng cáo rộng khắp qua mạng xã hội, các trang thông tin điện tử, thậm chí gọi điện thoại trực tiếp để tiếp cận tới người tiêu dùng. Thời gian qua Bộ Y tế đã đưa ra rất nhiều giải pháp: ngoài xử lý theo quy định của nhà nước, Bộ còn công khai vi phạm trên trang web của Cục An toàn thực phẩm, trên trang của Bộ Y tế và thông tin cho các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, hành vi vi phạm ngày càng tinh vi.

"Chẳng hạn, đối tượng mở tên miền để quảng cáo nhưng nếu vi phạm, Cục An toàn thực phẩm phát hiện và yêu cầu Bộ Thông tin - Truyền thông hỗ trợ đóng tên miền đó thì ngay lập tức họ sẽ mở tên miền khác. Hoặc họ đặt máy chủ ở Việt Nam nhưng nếu bị phát hiện vi phạm sẽ chuyển máy chủ sang nước ngoài. 

Một trong những hành vi khác sẽ rất khó khăn cho cơ quan quản lý là quảng cáo xuyên biên giới, tức những công ty nước ngoài mua "đất quảng cáo" trên các trang thương mại, sàn giao dịch, website của các cơ quan truyền thông và họ toàn quyền sử dụng để quảng cáo sản phẩm mà chủ cho thuê không hay biết", bà Lan cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), do chưa bị xử lý thích đáng, mà chỉ dừng ở xử lý vi phạm hành chính, không đủ tính răn đe, nên việc sử dụng chất cấm trong thực phẩm chức năng vẫn diễn ra thường xuyên.

Ông Phạm Văn Hinh, Trưởng phòng Phòng Quản lý sản phẩm thực phẩm (Cục An toàn thực phẩm) cho biết, Điều 317, Bộ luật Hình sự quy định, người sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm.

Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự và các văn bản của pháp luật hiện nay chưa quy định cụ thể chất cấm, hoá chất cấm sử dụng trong thực phẩm nói chung hoặc thực phẩm chức năng nói riêng là những chất nào do chưa có danh mục cụ thể. "Từ kẽ hở này, nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng để dùng các chất cấm trong sản xuất - kinh doanh thực phẩm", ông Hinh cho biết.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, tới đây, Bộ Y tế sẽ ban hành danh mục các chất cấm sử dụng trong kinh doanh thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khoẻ. Doanh nghiệp bị phát hiện sử dụng các chất cấm này trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng sẽ bị rút giấy phép kinh doanh, xử phạt nặng, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ông Phong cho biết, Cục An toàn thực phẩm đã yêu cầu các chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, thành phố tăng cường lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm thực phẩm chức năng; kiểm tra và xử lý nghiêm, kể cả về hình sự, đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định về quảng cáo thực phẩm chức năng, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo, người tiêu dùng cần lựa chọn và mua sản phẩm thực phẩm chức năng đã được cơ quan chức năng xác nhận cho phép lưu hành (sản phẩm đã được cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc sản phẩm đã được cấp công bố phù hợp quy định, an toàn thực phẩm); tránh mua sản phẩm không rõ nguồn gốc, không qua kiểm soát (như hàng xách tay), được quảng cáo và bán trên các trang web, mạng xã hội...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem