Hàng loạt vũ khí khủng được coi là quái vật chiến trường

Thứ bảy, ngày 05/10/2013 08:06 AM (GMT+7)
Triển lãm quân sự RAE-2013 vừa diễn ra tại Nga quy tụ hàng loạt vũ khí, khí tài hàng khủng được mệnh danh là những “quái vật trên chiến trường”.
Bình luận 0
Tương tự như triển lãm quốc phòng DSEI-2013 vừa diễn ra tại Anh, triển lãm RAE-2013 quy tụ những mẫu vũ khí và phương tiện quân sự dành cho bộ binh. Được trình diễn trên “sân nhà”, ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã phô trương sức mạnh của mình bằng những cách ấn tượng nhất.

Phần lớn những vũ khí này đã được giới thiệu và xuất khẩu trước đó, nhưng cũng có những mẫu vũ khí lần đầu được giới thiệu. Không chỉ trình bày sản phẩm đơn thuần, các nhà tổ chức Nga còn cho khán giả được một phen “mãn nhãn” với những khoa mục khoe sức mạnh hỏa lực của các hệ thống vũ khí này.

Kẻ hủy diệt 2

Nổi bật trong số những vũ khí lần đầu được giới thiệu tại RAE-2013 là mẫu xe chiến đấu hỗ trợ tăng BMPT-2, hay còn gọi là Kẻ hủy diệt 2. BMPT-2 được phát triển trên khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 nên còn được gọi là BMPT 72.
BMPT-2
BMPT-2

Về cơ bản, Kẻ hủy diệt 2 giống với Kẻ hủy diệt 1 nhưng có một số cải tiến về vũ khí và độ an toàn. Tháp pháo mới của Kẻ hủy diệt 2 trông rất hầm hố, xe vẫn sử dụng pháo đa năng nòng kép 2A42 30mm cải tiến với tốc độ bắn nhanh hơn, độ chính xác cao hơn.

Đặc biệt, bệ phóng tên lửa chống tăng được thiết kế dạng hình hộp bọc giáp chứ không để rời từng ống phóng như biến thể trước đó. Giải pháp thiết kế này giúp tăng cường độ an toàn cho tên lửa trước các loại vũ khí cá nhân của đối phương bắn vào ống phóng có thể gây hư hại cho tên lửa.

Tên lửa chống tăng có điều khiển AT-9 Spiral 2 có thể tiêu diệt bất kỳ mục tiêu bọc thép nào trong phạm vi đến 8km. Đầu đạn liều đúp của tên lửa có sức xuyên tới 900mm sau giáp cảm ứng nổ thừa sức “nướng chín” bất kỳ loại xe tăng chủ lực hiện đại nhất hiện nay.

Kẻ hủy diệt 2 được trang bị hệ thống cảm biến tinh vi hơn có khả năng phát hiện nhiều mối đe dọa khác nhau trong nhiều điều kiện chiến trường phức tạp. Hệ thống điều khiển hỏa lực của xe được nâng cấp bằng các máy tính điều khiển kỹ thuật số mạnh hơn, tốc độ phản ứng với mục tiêu nhanh hơn.

Với thiết kế Kẻ hủy diệt 2, nhà sản xuất đã hồi sinh sức mạnh cho lực lượng tăng - thiết giáp, vốn đang bị đe dọa bởi các vũ khí chống tăng hiện đại trong điều kiện tác chiến đô thị. Cụ thể ở đây, nhà sản xuất chỉ cần thay tháp pháo trên xe tăng thế hệ cũ bằng tháp pháo đa năng của BMPT lập tức một chiếc xe tăng lạc hậu như T-55 có thể trở thành một đối thủ đầy thách thức trên chiến trường với bất kỳ loại xe tăng chiến đấu chủ lực nào.

Xe tăng chủ lực T-90SM
T-90SM
T-90SM

Loại vũ khí gây ấn tượng mạnh tại RAE-2013 lần này là xe tăng chủ lực T-90SM. Đây là biến thể nâng cấp gần như toàn diện so với xe tăng chiến đấu chủ lực T-90A trước đó.

Bộ phận nổi bật của xe là tháp pháo được kéo dài hơn so với T-90A, khối đạn dược được bố trí ở phía đuôi tháp pháo nhằm đảm bảo an toàn cho ê-kíp lái trong trường hợp bị trúng đạn khối đạn dược bên trong có thể gây nguy hiểm thậm chí phá hủy cả xe tăng.

T-90SM được trang bị pháo chính 2A46M-5 125mm, pháo mới có độ ổn định khi tác xạ cao hơn so với trước, độ tản mát khi bắn giảm 15% so với pháo cũ. Cơ số đạn pháo cho xe tăng T-90SM là 40 quả trong đó có 22 quả sẵn sàng bắn trên băng chuyền của máy nạp đạn tự động.

Ngoài bắn các loại đạn pháo chống tăng thông thường, pháo 2A46M-5 còn có khả năng phóng tên lửa chống tăng qua nòng pháo. Trên đỉnh tháp pháo được trang bị một trạm vũ khí điều khiển từ xa 12,7mm, một hệ thống quan sát quang hồng ngoại phía dưới cho phép xạ thủ quan sát và tấn công các mục tiêu một cách dễ dàng.

Để đảm bảo an toàn cho ê-kíp vận hành, nhà sản xuất đã trang bị cho T-90SM loại giáp phản ứng nổ Relikt ở phía trước và hai bên tháp pháo thay thế cho giáp phản ứng nổ Kontakt-5 trên T-90A. Giáp phản ứng nổ Relikt có nguyên tắc hoạt động tương tự như Kontakt-5 nhưng cho hiệu quả cao hơn trong việc chống lại các loại vũ khí chống tăng hiện đại thậm chí là cả tương lai.

Phần giáp của xe được thiết kế dạng module nên rất thuận tiện trong việc thay thế các phần giáp bị hỏng hóc trong quá trình chiến đấu. Hai bên hông xe được trang bị diềm bảo vệ phủ gần hết chiều cao gầm xe giúp đảm bảo độ an toàn cho hệ thống truyền động trước các vũ khí chống tăng cá nhân.

Bên cạnh đó xe tăng T-90SM còn được trang bị hệ thống phòng vệ chủ động Shtora-1 tạo nên một bức màn che chắn cho xe tăng trước các loại tên lửa chống tăng có điều khiển. Trên thế giới hiện nay ngoài T-90 của Nga chỉ có Merkava-IV của Israel được trang bị hệ thống phòng vệ chủ động.

T-90SM được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực rất hiện đại hoạt động trong môi trường tự động hóa cao trong phát hiện, nhận dạng và tấn công các mục tiêu. Bên cạnh đó xe tăng còn được bổ sung thêm hệ thống định vị toàn cầu GPS hoặc GLONASS giúp tăng hiệu quả tác chiến của xe trên chiến trường.

Các hệ thống vũ khí khác

Tuy nhiên, nói đến xe tăng tại RAE-2013 không thể không nhắc đến T-90A.

Loại xe tăng chiến đấu chủ lực này đã khẳng định được tên tuổi của mình trong làng xe tăng chiến đấu chủ lực của thế giới. T-90 là loại xe tăng đang được xuất khẩu mạnh nhất hiện nay của Nga, khách hàng lớn nhất của T-90 chính là Ấn Độ.

Điểm mạnh của các dòng xe tăng Nga chính là hỏa lực cực mạnh, T-90A được trang bị pháo chính 125mm nòng trơn có khả năng phóng tên lửa chống tăng qua nòng pháo, súng máy đồng trục 7,62mm, đại liên phòng không 12,7mm.

Hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại giúp xe tăng tiêu diệt các mục tiêu trong phạm vi tới 8km. T-90A là xe tăng đầu tiên của Nga được trang bị hệ thống phòng vệ chủ động APS Shtora-1 giúp xe trở nên an toàn hơn trước vũ khí chống tăng.

Một quái vật chiến trường đầy sức mạnh khác tại RAE-2013 chính là pháo tự hành 2S19 Msta. Loại pháo này được phát triển trên khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực T-80 nhưng lại sử dụng động cơ của xe tăng T-72.

2S19 sử dụng pháo 2A64 152mm, pháo có góc nâng từ -3 độ đến 68 độ tháp pháo có khả năng quay 360 độ. Pháo 2A64 có thể bắn được nhiều loại đạn pháo khác nhau như: Đạn nổ phân mảnh liều cao, đạn cháy, đạn chùm. Đặc biệt, pháo có thể bắn đạn pháo có điều khiển Krasnopol dẫn đường bằng laser bán chủ động.

Đạn pháo này có tầm bắn từ 3-20km, nó được thiết kế để tiêu diệt các xe tăng, xe thiết giáp của đối phương bằng kiểu tấn công đột nóc từ trên cao. Đạn pháo Krasnopol có thể tiêu diệt mục tiêu ngay phát bắn đầu tiên.

Pháo còn thể bắn đạn gây nhiễu 3RB30 có chứa các phần tử gây nhiễu sóng radio làm gián đoạn thông tin liên lạc của đối phương. Đạn pháo 3RB30 có tầm bắn 22km, nó có thể gây nhiễu các liên lạc radio trong dải tần số từ 1,5MHz-120MHz với bán kính hoạt động khoảng 700m.

Thân xe, tháp pháo được bọc giáp giúp đảm bảo an toàn ê-kíp vận hành trước các mảnh đạn pháo, vũ khí cá nhân của đối phương. Trên nóc tháp pháo được trang bị một đại liên phòng không 12,7mm giúp đối phó với các mục tiêu đường không tầm thấp hay các mục tiêu mặt đất khác.

Pháo có tốc độ bắn từ 6-8 phát/phút, tầm bắn tối đa 29km, lên đến 36km với đạn pháo tăng tầm. Nhờ khả năng cơ động cao, pháo 2S19 mang lại rất nhiều lợi thế chiến thuật trên chiến trường. Trong điều kiện phát triển nhanh chóng của các loại phương tiện trinh sát chiến trường, đặc biệt là các loại radar định vị pháo binh có thể xác định vị trí ngay khi quả đạn pháo đầu tiên rời khỏi nòng pháo.

Nếu không nhanh chóng cơ động qua vị trí chiến thuật khác có thể sẽ phải hứng chịu trận phản pháo của đối phương, đó chính là điểm mạnh của pháo tự hành 2S19 Msta. Pháo được trang bị động cơ diesel công suất 840 mã lực giúp pháo đạt tốc độ tối đa 60km/h, phạm vi hoạt động 500km.

Xuất hiện một cách úp mở đầy bí ẩn, mẫu xe bọc thép chở quân IFV mới hợp tác sản xuất giữa Nga-Pháp đã gây nhiều sự tò mò cho khách tham quan tại RAE-2013. Mẫu xe này được đưa đến triển lãm bằng cách phủ bạt kín mít, đến gần vị trí triển lãm nhà sản xuất đã cố tình để lộ một phần thân xe nhằm thu hút sự chú ý của giới truyền thông.

Quả nhiên thành công đã đến với nhà sản xuất ít nhất từ góc độ truyền thông, rất nhiều sự đồn đoán về loại xe này đã xuất hiện tại RAE-2013. Ban đầu, một số người nhận định rằng đây là loại siêu xe chiến đấu bộ binh BTR Boomerang mới, đang được phát triển tại Nga.

Tuy nhiên, sau đó các nguồn tin thân cận từ nhà sản xuất cho biết đây là mẫu xe bọc thép chở quân mới hợp tác sản xuất giữa Nga-Pháp dựa trên mẫu xe bọc thép chở quân VCBI của Pháp. Thông số kỹ thuật của xe vẫn chưa được tiết lộ nhưng qua quan sát xe có một số cải tiến so với nguyên mẫu của Pháp đặc biệt là về vũ khí.
IFV
IFV

Mẫu IFV hợp tác Nga-Pháp được trang bị một pháo 57mm mang lại khả năng tấn công tầm xa và có hiệu quả cao trong việc chống lại nhiều kiểu mục tiêu khác nhau. Khả năng chở quân của mẫu xe mới tương đương như nguyên mẫu của Pháp với 9 bính lính trong khoang phía sau.

Dự kiến mẫu xe bọc thép chở quân mới này sẽ là một sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên thị trường xe bọc thép chở quân thế giới. Sự kết hợp giữa sức mạnh hỏa lực của Nga với sự tinh vi của các hệ thống điện tử Pháp sẽ mang lại cho mẫu IFV mới khả năng vượt trội so với các loại xe bọc thép chở quân khác.

Bên cạnh những quái vật chiến trường mặt đất khủng nói trên, RAE-2013 còn có sự xuất hiện của hàng loạt mẫu vũ khí chiến trường mặt đất đầy uy lực khác như: xe chiến đấu bộ binh BMP-2 nâng cấp, hệ thống pháo tích hợp tên lửa phòng không Tunguska-M1, xe bọc thép chở quân Tiger, hệ thống tên lửa phòng không tầm trung Buk-M1.
Lương Đình (Thế giới & Hội nhập) (Lương Đình (Thế giới & Hội nhập))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem