Hàng nghìn hộ dân khốn khổ vì "mắc cạn"

Thứ năm, ngày 31/05/2012 06:38 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ tháng 1.2012 đến nay, Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An) liên tục phát điện cả 2 tổ máy, khiến mực nước hồ rút xuống. Lòng hồ cạn, hàng nghìn hộ dân bị cô lập, cuộc sống như cá mắc cạn...
Bình luận 0

Dừng chân ở bản Tổm, xã Mai Sơn (Tương Dương), chúng tôi ngạc nhiên khi thấy cả vùng lòng hồ Thuỷ điện Bản Vẽ cạn đáy, những cánh rừng chết vàng ệch, bốc mùi hôi thối nồng nặc; bùn lắng có nơi dày 2-3m. Những trận mưa lớn vừa qua cũng không ăn thua, càng làm cho bùn thêm nhão nhoét, và đường đi nguy hiểm hơn.

img
Thuyền mắc cạn tại thác Bản Tổm.

Người và thuyền mắc kẹt

Ông Lô Thanh Viết - Chủ tịch UBND xã Mai Sơn cho biết: Từ đầu tháng 4 đến nay, con đường thuỷ đi lên 4 xã Mai Sơn, Nhôn Mai (Tương Dương), Mỹ Lý, Bắc Lý (Kỳ Sơn), hoàn toàn bị cô lập. Thuyền bè rất khó lưu thông, người dân đi lại cực kỳ khó khăn.

Tại thác Bản Tổm thuộc địa phận xã Mai Sơn, lòng sông Nậm Nơn hẹp, nước chảy xiết, có nhiều gốc cây chắn giữa dòng khiến thuyền bè không thể bơi được. Nghiêm trọng hơn từ ngày 15.4-15.5 đã có 9 vụ đắm thuyền trên sông Nậm Nơn khiến thiệt hại về tài sản rất lớn.

Ông Lô Đình An bán mấy con trâu được 50 triệu đồng. Ai ngờ qua đoạn thác Bản Tổm, thuyền lật, 50 triệu đồng trôi sông... Mới đây, ông Vi Tân Hợi - Phó Chủ tịch huyện đi kiểm tra cũng bị lật thuyền, máy ảnh và điện thoại rơi xuống hồ mất tích, may ông Hợi biết bơi nên thoát chết.

Cũng tại thác Bản Tổm, chúng tôi thấy hàng chục thuyền bè đang neo đậu, hàng chục người đang ngồi mệt mỏi vì đói, khát.

Ông Vi Văn Ngọ (xã Nhôn Mai) - chủ một chiếc nhà bè, mồ hôi nhễ nhại, quần áo bê bết bùn, than thở: "Gia đình tôi gồm 6 người, mắc cạn ở đây đã 15 ngày không ngược dòng về được. Tiền bạc, lương thực hết cả rồi. Mấy bữa nay phải đi bắt cá, ếch nhái về nướng ăn. Khổ hết chỗ nói các chú à!".

Không riêng gì gia đình ông Ngọ mà hàng chục thuyền bè của bà con sinh sống trên dòng Nậm Nơn thời gian qua cũng không làm được gì. Cuộc sống của họ đang lâm vào khốn khó vì không còn tôm cá để đánh bắt, không thể chở khách xuôi ngược mưu sinh…

Ông Vi Tân Hợi - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: “Đã mấy tháng nay, dân tình khốn khổ nhưng cơ quan chức năng chưa tìm ra được giải pháp nào để giải toả bùn lắng. Trước mắt, huyện cử người trực tại điểm sông bị bồi lấp hướng dẫn người dân và thuyền bè lưu thông.

Nguy hiểm hơn tuyến đường thuỷ này bùn lắng đã tạo thành những cái bẫy chết người. Anh Vi Văn Thàn ở bản Cà Mong kể: "Trời nắng nóng làm khô ở bề mặt của bùn. Hôm trước tui thấy một lối khô, đánh liều đi qua ai ngờ bị sục bùn, càng giãy càng lún sâu, may tôi bám được cái chạc cây không thì mất mạng. Nếu vô tình đi qua những chỗ như vậy rất dễ bị bùn nhấn chìm".

Ông Lô Thanh Viết cho hay, hiện tại tuyến đường thuỷ này hoàn toàn bị cô lập, rất nhiều hàng hóa, nhu yếu phẩm được bà con mua về cung cấp cho người dân phía trong lòng hồ cũng bị ùn tắc tại bản Tổm. Trong khi đó, hàng nghìn người dân của 4 xã trên đang mùa giáp hạt, nhưng không thể vận chuyển lương thực, thực phẩm lên bằng đường thuỷ. Một điều rất nan giải là hàng trăm học sinh đi học rất khó khăn nên đã có nhiều em bỏ học. Các xã bị cô lập này còn phải đối mặt với nhiều dịch bệnh như đau mắt, tiêu chảy, sốt virus phát sinh.

Trao đổi qua điện thoại, Chủ tịch UBND các xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương, và xã Mỹ Lý, Bắc Lý (huyện Kỳ Sơn) đều phàn nàn: "Ngoài việc lương thực, thực phẩm dưới xuôi không đến được, nhân dân gặp nhiều khó khăn thì cán bộ, công nhân viên chức trên địa bàn cũng không thể đi công tác, chỉ liên lạc qua điện thoại. Tình trạng này kéo dài thì 4 xã sẽ thành ốc đảo, thiếu thốn đủ thứ.

Giải pháp trên... giấy

Ông Phan Huy Chương - Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Nghệ An cho rằng: Nguyên nhân xảy ra tình trạng trên là do ngọn núi tại km54 bị lở xuống lòng sông khiến vùi lấp dòng chảy phía hữu ngạn dòng Nậm Nơn và tạo nên một dòng chảy ở phía tả ngạn. Giải pháp cần thiết lúc này là phải khơi thông dòng chảy của thác, đồng thời thanh thải đất đá ở km54. Nếu không kịp thanh thải sẽ ảnh hưởng và gây lở núi ở khu vực khác.

Khi chưa thể thanh thải được đất đá tại km54 thì cần phải dọn cây cối dưới sông để khơi thông dòng chảy và lấy đường cho thuyền bè đi lại và dùng vòi rồng đánh tan lớp bùn, vật cản như cây, đá, dùng kè để nắn tạo dòng chảy mới. Tuy nhiên, biện pháp này cũng hết sức khó khăn trong khi mùa lụt tiểu mãn đang đến gần.

Hiện nay, các dãy núi thuộc vùng lòng hồ Thuỷ điện Bản Vẽ đã xảy ra nhiều vụ sạt lở đất và nứt núi lớn nhỏ. Nhiều chuyên gia địa chất cảnh báo, mùa mưa lũ đang đến gần, mực nước lòng hồ cao, sẽ tạo nên áp lực rất lớn, nước theo các kẽ nứt của núi tàn phá, lúc đó thảm họa sẽ rất khôn lường.

Kỳ 2: Sống kiểu bộ lạc

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem