Hàng xáo mua 90% lượng lúa nông dân bán ra

Thứ năm, ngày 23/09/2010 15:15 PM (GMT+7)
Dân Việt - Hiệp Hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, lực lượng hàng xáo đóng vai trò quan trọng và cần thiết trong lưu thông phân phối lúa gạo, khi mua tới 90% lượng lúa hàng hóa mà nông dân bán ra.
Bình luận 0

Tại sơ kết tổ chức thí điểm mô hình tổ chức hàng xáo liên kết với doanh nghiệp kinh doanh lương thực ngày 20-9 tại Long Xuyên, An Giang, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở Công thương An Giang khẳng định, doanh nghiệp và nông dân không thể thiếu hàng xáo, bởi đây chính là cầu nối quan trọng nhất để đưa lúa từ nông dân tới doanh nghiệp.

img
Thu hoạch lúa hè thu ở An Giang

Cầu nối hàng xáo

Từ tháng 3-2010, Cty Lương thực thực phẩm An Giang đã bắt đầu triển khai mô hình liên kết với nhà máy xay xát, hàng xáo ở các xí nghiệp Phú Hòa, Châu Phú, sau đó triển khai ra toàn bộ hệ thống của công ty.

Phương án liên kết là Cty triển khai ký kết biên bản thỏa thuận tiêu thụ lúa gạo cho nông dân thông qua lực lượng hàng xáo và các nhà máy xay xát theo phương thức sau khi chốt giá, chối lượng, sẽ giữ nguyên giá mua trong vòng 3 ngày khi giá sụt, và mua theo giá thị trường nếu giá tăng.

Đồng thời, Cty điều kiện thuận lợi trong nhập kho và thanh toán nhanh cho khách hàng đã ký thỏa thuận, kết hợp thêm khuyến khích khen thưởng đối với những người thực hiện tốt cam kết …

Kết quả, trong vụ Đông xuân, Cty đã liên kết được với 38 doanh nghiệp xay xát, 383 hàng xáo, thu mua trên 32.000 tấn gạo. Vụ hè thu, Cty liên kết với 54 hàng xáo, thu mua trên 3. 000 tấn gạo.

Cty Lương thực Sông Hậu đã liên kết được với 28 hàng xáo, 4 nhà máy xay xát, cung ứng gần 20.000 tấn gạo. Cty Lương thực Tiền Giang liên kết được 124 hàng xáo và nhà máy xay xát, cung ứng trên 28.000 tấn gạo …

Đại diện Cty XNK NSTP An Giang cho rằng qua việc liên kết này, Cty giữ được mối quan hệ mua bán chặt chẽ với hàng xáo, nhà máy xay xát, có lượng hàng cung ứng ổn định. Cty nắm bắt được thông tin về giá lúa gạo thị trường kịp thời, chủ động nguồn hàng nhập mua, sản xuất theo kế hoạch đơn hàng đã ký, giá mua ổn định, góp phần tạo sự ổn định và giữ giá lúa cao cho nông dân nhất là ở thời điểm thu hoạch rộ.

Ông Lê Minh Trượng, GĐ Cty Lương thực Sông Hậu khẳng định nhờ liên kết mà trong cùng một thời điểm, doanh nghiệp có thể mua được lúa gạo nhanh hơn và nhiều hơn so với trước đây.

Ông Đồng Thanh Ngoan, hàng xáo ở phường An bình (Rạch Giá, Kiên Giang) cho biết nhờ liên kết với doanh nghiệp, được doanh nghiệp giữ giá mua ổn định khi giá lúa giảm, ông đã giảm thiểu được việc thua lỗ trong những thời điểm giá lúa gạo liên tục xuống.

Thanh toán, thuế: Khó

Tuy nhiên, việc liên kết giữa doanh nghiệp với hàng xáo trong 6 tháng thực hiện thí điểm đã bộc lộ ra nhiều khó khăn trở ngại. Nổi bật nhất là vấn đề thanh toán và thuế.

img Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và hàng xáo đã có từ lâu, nhưng chưa có cơ chế để liên kết, phối hợp. Sau 6 tháng tổ chức thí điểm mô hình này đã cho thấy những dấu hiệu tích cực. Vì thế, trong thời gian tới, VFA tiếp tục đẩy mạnh mô hình liên kết với hàng xáo trên diện rộng, với sự tham gia của tất cả các doanh nghiệp thành viên. Mỗi doanh nghiệp nên tổ chức một câu lạc bộ hàng xáo. Theo đó, doanh nghiệp phải giữ uy tín trong việc mua lúa, gạo, phải công bố giá cả rộng rãi., linh hoạt trong việc thỏa thuận số ngày giữ giá mua ổn định, không nên cứng nhắc là 3 ngày. Hàng xáo có trách nhiệm thông tin cho doanh nghiệp về giá cả, tình hình sản xuất ở khu vực thu mua. img

Ông Trương Thanh Phong,
Chủ tịch VFA

Hiện nay, hầu hết hàng xáo không đăng ký kinh doanh, nên không có tài khoản thanh toán qua ngân hàng. Mà theo quy định của Nhà nước, khi thanh toán từ 20 triệu đồng trở lên, doanh nghiệp phải chuyển trả qua ngân hàng. Mặt khác, hàng xáo quen mua đứt bán đoạn, không ràng buộc với các nghĩa vụ thuế.

Bà Đinh Thị Thu Trang, hàng xáo liên kết với Cty Lương thực Long An nói thẳng “Chúng tôi không được khấu trừ thuế đầu vào khi mua lúa của nông dân mà lại phải chịu thuế đầu ra khi bán cho doanh nghiệp, thì chẳng còn lời lãi gì nữa”.

Vì thế, những hợp đồng mua bán với số lượng lớn giữa doanh nghiệp với hàng xáo thông qua liên kết, bị hạn chế.

Giữa doanh nghiệp và hàng xáo, dù đã ký liên kết, nhưng vẫn chưa thực sự tin tưởng, gắn kết với nhau. Nhiều doanh nghiệp than khi giá lúa tăng, nhiều hàng xáo tìm cách “ém” hàng chờ giá cao hơn hoặc bán cho doanh nghiệp khác.

Về việc này, nhiều hàng xáo cho biết chính họ cũng là nạn nhân khi đã thỏa thuận giá cả và đặt cọc rồi nhưng vẫn bị nông dân trả lại tiền cọc để bán cho hàng xáo khác trả giá cao hơn.

Nhiều hàng xáo lại cho rằng doanh nghiệp chưa tính đúng giá lúa ở từng điểm thu mua, thời gian giữ giá mua ổn định (3 ngày) trong trường hợp giá lúa giảm là chưa phù hợp vì có những điểm mua lúa ở vùng sâu vùng xa khiến hàng xáo mất nhiều thời gian di chuyển, có doanh nghiệp đang triển khai thu mua lại bất ngờ thông báo ngưng với lý do đã đầy kho …

Đến nay, đã có 15 doanh nghiệp thuộc VFA triển khai thí điểm mô hình liên kết tiêu thụ lúa gạo hàng hóa, ở hầu hết các tỉnh có lượng lúa hàng hóa lớn ở ĐBSCL, với gần 1.500 hàng xáo và 87 nhà máy xay xát tham gia. Mô hình liên kết khá đa dạng. Có nơi thành lập câu lạc bộ hàng xáo, như Cty XNK NSTP An Giang thành lập Câu lạc bộ Những nhà cung ứng lúa gạo Afiex, với các hội viên đăng ký và hoạt động theo điều lệ. Nhiều doanh nghiệp thì tổ chức hội nghị khách hàng, tập hợp lực lượng hàng xáo để phổ biến chủ trương liên kết và thiết lập mạng lưới vệ tinh thu mua lúa gạo gắn với hệ thống của doanh nghiệp …

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem